Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet có dấu ấn hơn nữa

Hoàng Linh| 28/12/2022 15:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long mong muốn lĩnh vực viễn thông - Internet phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đi trước một bước đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Ngày 28/12/2022, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã nhấn mạnh các công tác trọng tâm giao cho các đơn vị.

Quản lý tần số đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội

Thông tin một số kết quả hoạt động nổi bật của Cục Tần số VTĐ, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số VTĐ ngày 09/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet có dấu ấn hơn nữa - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tuấn: Việt Nam chủ động về quản lý tần số

Tháng 9/2022, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ đã tái trúng cử vị trí Chủ tịch của Nhóm Vô tuyến khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AWG) nhiệm kỳ 2022 - 2025. Qua đó, giúp Việt Nam nắm bắt, tuân thủ; đồng thời chủ động xây dựng "luật chơi" của quốc tế về quản lý tần số để có định hướng quy hoạch phổ tần phù hợp với nhu cầu sử dụng tần số của mình.

Trong năm 2022, Cục đã nhanh chóng phát hiện; phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo để phát tán tin nhắn lừa đảo; kịp thời chấn chỉnh các trạm thu phí ETC sử dụng tần số đúng quy định.

Cục Tần số VTĐ đã triển khai giám sát đối với 145 trạm thu phí ETC trên toàn quốc, kết quả 64/145 (44%) trạm sử dụng sai băng tần quy định, trong đó 23/145 (16%) trạm ETC có thiết bị RFID sử dụng tần số chồng lấn băng tần đã cấp cho các doanh nghiệp (DN) thông tin di động.

Tiến tới tắt sóng 2G, phủ sóng 5G

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết năm 2022 băng rộng di động đã được phủ sóng 99,73% số thôn, bản trên toàn quốc. Ước đến tháng 12/2022 có hơn 20 triệu hộ gia đình có cáp quang trên tổng số 27,32 triệu hộ gia đình trên toàn quốc, dự kiến đạt 74,5% tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet có dấu ấn hơn nữa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Tháng 12/2023, phủ sóng 4G 100% thôn/bản đã có điện lưới

Số thuê bao băng rộng cố định/100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 21,5 thuê bao/100 dân tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 22 thuê bao/100 dân. Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 84 thuê bao/100 dân, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 85 thuê bao/100 dân.

Năm 2022, các DN đã phủ sóng viễn thông cho 99,73% số thôn bản trên toàn quốc (tăng 1,9% so với đầu năm 2021). Năm 2022, ước doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 93% thôn bản, 100% trường học; hoàn thành đối soát 100% thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.

Về triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết vào tháng 12/2023, thuê bao thuần 2G (2G only) quản lý sẽ dưới 5%. Tháng 12/2023, phủ sóng 4G 100% thôn/bản đã có điện lưới; cáp quang 95% thôn bản. Về triển khai 5G, tháng 12/2023, 25% dân số (trong 6 tháng sau khi có kết quả đấu giá tần số) sẽ phủ sóng 5G.

Đảm bảo sự phát triển của tên miền, thúc đẩy triển khai IPv6

Về kết quả hoạt động của VNNIC, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách điều hành VNNIC cho biết Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 toàn cầu về tỷ lệ sử dụng IPv6. Về tên miền, Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 11 châu Á- Thái Bình Dương, thứ 43 toàn cầu.

Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet có dấu ấn hơn nữa - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Thu Hiền: VNNIC cung cấp các dịch vụ, ứng dụng mới, thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam

Về triển khai IPv6 trong cơ quan nhà nước, 100% tỉnh/ thành phố và 70 - 80% đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; 11/22 bộ, ngành, 50/63 tỉnh/thành phố đã chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công.

Về chuyển đổi số (CĐS), VNNIC đã xây dựng cổng dữ liệu mở về tài nguyên Internet, Internet, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng quản lý tài nguyên Internet; mở rộng các hoạt động, đa dạng hoá các dịch vụ, bảo đảm hoạt động của mạng Internet luôn đồng hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, CĐS tại Việt Nam.

VNNIC còn cung cấp các dịch vụ, ứng dụng mới, thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam: Cổng thông tin về Internet (VNNIC Internet Atlas); đo tốc độ, trải nghiệm người dùng Internet (VNNIC Internet Speed); triển khai áp dụng các giải pháp giám sát nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, hỗ trợ các cơ quan nhà nước sử dụng hiệu quả, an toàn tên miền .gov.vn trong phát triển Chính phủ điện tử.

Đề ra cách làm cụ thể để hoàn thành các mục tiêu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá cao các đơn vị hoàn thành các công tác trong năm 2022.

Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet có dấu ấn hơn nữa - Ảnh 4.

Thứ trưởng Phạm Đức Long: lĩnh vực cần có những kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu

Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Thứ trưởng đề nghị phải đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực viễn thông - Internet để tương xứng với vai trò đóng góp cho phát triển đất nước. Về xây dựng các chính sách, quy định của lĩnh vực, các đơn vị cần nghiên cứu, chạy thử rồi ban hành để đảm bảo các chính sách, quy định thực thi được.

Thứ trưởng nhấn mạnh ba đơn vị quản lý các lĩnh vực viễn thông - Internet phải có đầy đủ dữ liệu về lĩnh vực, có chỉ số đo, dữ liệu trực tuyến (online). Ngành TT&TT là ngành quốc tế hoá cao, cần xây dựng CSDL về các chính sách quản lý của các nước để tham khảo xây dựng chính sách cho Việt Nam.

Thứ trưởng cũng lưu ý khi giải quyết công tác quản lý các nội dung thuộc lĩnh vực tần số - viễn thông - Internet phải xem xét quan điểm, cách làm. Các mục tiêu phủ hạ tầng băng rộng, phủ cáp quang, chất lượng Internet, dùng chung hạ tầng viễn thông, triển khai 5G, sử dụng đám mây "nội", thúc đẩy sử dụng IPv6… phải có cách làm cụ thể để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu. "Đặt mục tiêu là quan trọng nhưng cách làm cũng rất quan trọng".

Bên cạnh đó, ba đơn vị tập trung CĐS, bắt đầu từ các hoạt động hàng ngày trước, nhằm đưa mọi hoạt động lên môi trường số.

"Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet phải phải nắm rõ quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong công cuộc CĐS, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận hạ tầng số", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị trong năm 2023, Cục Tần số VTĐ tập trung mạnh mẽ cho rà soát, quy hoạch các băng tần. Công nghệ thay đổi nhanh nên sự thay đổi quy hoạch là cần thiết. Tiếp theo cần tập trung cho công tác triển khai đấu giá tần số 5G. Luật Tần số VTĐ có hiệu lực tháng 7/2023, cần phải chuẩn bị trước để Luật đi vào thực thi.

Thứ trưởng lưu ý lĩnh vực tăng sử dụng đám mây "nội", 100% người dân sử dụng IPv6. "IPv6 không phải là tài nguyên, mà sử dụng còn giúp DN, tổ chức thu thập được thông tin để phân tích các hoạt động kinh doanh. Đối với quản lý tên miền, cần có 1 trang web công bố chính thức các tên miền hợp pháp, từ đó sẽ tạo ra thị trường lành mạnh, giảm sự lừa đảo… vì tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thuận tiện".

Thứ trưởng cũng giao Cục Viễn thông trong năm 2023 quyết liệt thực hiện việc SIM điện thoại phải chính chủ. Đây vừa là trách nhiệm của ngành, của nhà mạng. Bên cạnh đó, cần có CSDL về quản lý kho số…

Cuối cùng, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh "Thúc đẩy lĩnh vực viễn thông - CNTT phát triển là 1 trong 3 đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Năm 2023 là năm bản lề, ba đơn vị thay đổi cách làm để phát triển hạ tầng số bởi đây là hạ tầng quan trọng và phải đi trước, đáp ứng phát triển của đất nước"./.

Bài liên quan
  • Viettel, VNPT nộp ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng đấu giá tần số 5G
    Tính đến ngày 08/4/2024, Tập đoàn Viettel đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (VTĐ). Tập đoàn VNPT hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến ngày 09/4/2024 sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet có dấu ấn hơn nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO