Kinh tế số

Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số

Nguyễn Thị Bích Hảo 28/03/2024 13:20

Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Tóm tắt:
- Thị trường Logistics Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với vị trí chiến lược, phạm vi rộng và dư địa lớn.
- Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế số sẽ càng ngày gia tăng, đòi hỏi ngày càng cao
đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực Logistics.
- Để kinh tế số phát triển mạnh mẽ cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Logistics.

Logistics cần một lực lượng lao động có kỹ năng chuyên môn nghề và năng lực về công nghệ thông tin để tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp sản xuất. Để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng và đáp ứng yêu cầu của ngành nghề, tạo ra giá trị cho xã hội cần có những cơ sở đào tạo nghề uy tín, có hệ thống và có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Logistics trong nền kinh tế quốc dân

Khái niệm Logistics trong Luật Thương mại 2005, tại Điều 233: “Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Theo đó, các dịch vụ Logistics chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh Logistics Việt Nam cung ứng gồm:

Dịch vụ vận tải: Hiện nay, có khoảng 80% doanh nghiệp giao nhận vận tải Logistics/Forwarder có quy mô vừa và nhỏ, và chỉ tham gia rất ít vào quy trình chuỗi cung ứng giá trị Logistics.

Dịch vụ kho bãi: được chia làm hai phân khúc chính là kho bảo quản hàng khô và kho lạnh.

Dịch vụ công nghệ thông tin: Các ứng dụng vào thiết bị di động về thông tin hàng hóa lưu thông trong chuỗi cung ứng.

Dịch vụ giao nhận: Dịch vụ gom hàng và vận chuyển container. Thủ tục hải quan và một số giấy tờ: Mục tiêu của ngành Logistics là 100% hoạt động thông quan thực hiện qua đại lý hải quan.

cds_logistics01.jpg

Tại Việt Nam, dịch vụ Logistics ban đầu được biết đến như là một phần của thương mại điện tử (TMĐT), một lĩnh vực mới và phát triển mạnh mẽ với những ứng dụng trên thiết bị di động hiện nay. Logistics trong TMĐT, hay e-Logistics là các hoạt động kinh doanh được thực hiện thông qua Internet. E-Logistics được hiểu là quá trình tiếp nhận nhu cầu mua hàng, đóng gói, vận chuyển, thu tiền và giao hàng đến địa chỉ theo yêu cầu. Mục tiêu quan trọng của hoạt động e-Logistics là cung cấp đúng hàng hóa, đúng số lượng, đúng địa điểm và đúng thời gian cho khách hàng. E-Logistics đã thúc đẩy ngành Logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Thị trường Logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp (tính đến doanh nghiệp liên quan khoảng 30.000). Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh; 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang cung cấp dịch vụ Logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nhất của ngành Logistics toàn cầu.

Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng top 50 quốc gia đứng đầu thị trường Logistics mới nổi; đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan và thứ 64/160 nước về mức độ phát triển Logistics và với mức tăng trưởng bình quân 14-16%/ năm, đóng góp GDP từ 4-5%/năm. Tỉ lệ tăng trưởng/năm giai đoạn 2022-2030 của thị trường Logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Thị trường Logistics Việt Nam còn được đánh giá là tiềm năng với vị trí chiến lược, phạm vi rộng và dư địa lớn.

Năng lực của doanh nghiệp Logistics trong nước

Trước hết phải kể đến các doanh nghiệp e-Logistics bao gồm: nhóm truyền thống Vietel post, VNpost; nhóm công nghệ: Giao hàng nhanh (GHN), giao hàng tiết kiệm (GHTK), nhóm tự vận chuyển: Tiki Express Delivery, Lazada Express… Nhìn chung, các doanh nghiệp này chưa thực sự có sự khác biệt, phương tiện vận chuyển không đa dạng, chủ yếu giao bằng xe máy, sức chứa nhỏ. Ngoài ra, việc tiếp cận các mô hình mới về e-Logistics (ví dụ như drop off network, click&collect) chưa nhiều, các dịch vụ hỗ trợ như cho thuê phương tiện chuyển phát, phát triển phương tiện vận chuyển đặc thù, vận chuyển hàng không còn hạn chế.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chia chọn, theo dõi truy xuất hàng hóa đã được triển khai mạnh như: ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa và cảm biến để chia chọn, quản lý kho hàng, sử dụng robot, IoT và AI trong thu thập thông tin, phân tích hình ảnh, cân tự động... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn duy trì hình thức phân loại thủ công dẫn đến sai sót, chi phí cao và chậm trễ về thời gian.

Đối với các doanh nghiệp Logistics hoạt động trong lĩnh vực như: Dịch vụ vận tải: vận tải đa phương thức, dịch vụ vận tải thủy nội địa, vận tải hàng không, vận tải đường bộ, chuyển phát nhanh nội địa và quốc tế... phát triển đa dạng nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ. Dịch vụ kho hàng cũng là một thế mạnh trong doanh nghiệp Logistics và có nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu thuê kho gia tăng. Bởi vì, kho bãi hiện nay là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp nhưng việc quản lý kho khá phức tạp. Chẳng hạn như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, hệ thống kho bãi chưa có quy hoạch tổng thể dẫn đến chi phí cao trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước. Các dịch vụ gia tăng như: kiểm tra sản phẩm, phân loại hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu ủy thác, tư vấn kĩ thuật, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ… chưa hoạt động chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động Logistics chưa xác lập được liên kết ngành, thiếu hợp tác để bổ sung các lợi thế cho nhau. Tầm bao phủ của các doanh nghiệp Logistics chỉ mới trong phạm vi nội địa và một vài nước trong khu vực. Chưa có các trung tâm Logistics tại các khu vực trọng điểm trên phạm vi cả nước làm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu cho toàn vùng.

Nhu cầu lao động trong lĩnh vực Logistics

Với số liệu thống kê vào đầu năm 2020, số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động thuộc lĩnh vực Logistics là 2,8 triệu người. Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Logistics thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (chỉ tính cho các doanh nghiệp), đến năm 2030, số lao động liên quan Logistics lên tới 11,6 triệu người, trong đó, lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ... là 8,8 triệu người; Vận tải, kho bãi: 2,3 triệu người và Thông tin truyền thông gần 0,5 triệu người; đến năm 2045, số lao động liên quan Logistics: 14,4 triệu người, trong đó, lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ...: 10,7 triệu người; Vận tải, kho bãi: 3,1 triệu người; còn ngành Thông tin truyền thông: trên 0,6 triệu người, chưa tính số lao động Logistics cho thương mại điện tử và thương mại di động.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nguồn nhân lực Logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành. Dự báo đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành Logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm của ngành Logistics thì nguồn nhân lực sẵn sàng cho các doanh nghiệp đang thiếu về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, ngành Logistics Việt Nam có quy mô lên đến hơn 40 tỷ USD/ năm, tương đương 17- 18% GDP của cả nước. Trên thực tế, số lượng và nội dung công việc trong ngành Logistics rất đa dạng và liên quan mật thiết đến các ngành kinh tế khác vì Logistics là cả một chuỗi các dịch vụ cung ứng. Mỗi lĩnh vực công việc cần có những yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nhân sự khác nhau để thực thi các công việc đặc thù nhưng lại rất liên kết với nhau theo một chuỗi các dịch vụ. Khi số hóa ngày càng gia tăng trong mọi ngành nghề, việc áp dụng công nghệ sẽ càng trở nên cần thiết để các công ty duy trì tính cạnh tranh.

Dự báo trong những năm tới, các trang thiết bị, công cụ tự động, hiện đại có ứng dụng IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực Logistics. Sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây đã tác động mạnh đến các hoạt động của ngành Logistics. Các hoạt động như quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, điều vận, tổng hợp và phân tích số liệu đã và đang được thay thế dần bằng hệ thống phần mềm tự động hóa. Do đó, trong bối cảnh gia tăng các nhà máy thông minh ngày càng trở nên hiện hữu, năng lực doanh nghiệp sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất xã hội. Điều này có nghĩa là nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ càng ngày gia tăng, đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực Logistics.

lg.png

Thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực Logistics hiện nay

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực Logistics cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về Logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp Logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Đến nay, cả nước mới có gần 50 cơ sở đào tạo ngành Logistics và chuỗi cung ứng trong bối cảnh đang thiếu các chương trình đào tạo, giáo trình Logistics bài bản. Các trường Đại học thuộc khối kinh tế hiện đã đưa môn học Logistics vào giảng dạy nhưng mang tính hàn lâm, thiếu sự chuyên sâu vào các kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể. Trong khi, Logistics lại là lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật tổng hợp có tính quốc tế và chuyên sâu. Sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho dịch vụ kinh doanh thương mại điện tử và Logistics quốc tế.

Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cũng là một trong những lực cản, khiến nhân lực Logistics gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thao tác và giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác nước ngoài. Nội dung đào tạo trong Nhà trường và yêu cầu của thị trường lao động chưa gắn bó chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ mới phát triển đòi hỏi máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp liên tục cải tiến thì sự cải thiện trong trường học còn chậm do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, bộ chứng chỉ nghề đối với ngành Logistics.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Logistics

Logistics là một lĩnh vực mang tính liên ngành, chuyên nghiệp cao, cần được đào tạo một cách có hệ thống và phải được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Logistics phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đó là, có kiến thức: chuyên môn về Logistics, kinh tế, tin học, ngoại ngữ; có kỹ năng: kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, kỹ năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm, có thái độ, tác phong làm việc tốt, có trách nhiệm với công việc. Đặc biệt nhất là khả năng sáng tạo tìm ra các giải pháp phù hợp thích ứng với các tình huống mới, phức tạp của nghề nghiệp.

Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực Logistics, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường Đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề chia sẻ hoạt động đào tạo: Tăng quy mô đào tạo số lượng nhân lực Logistics tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với mục đích trang bị kiến thức, phát triển kỹ năng và trau dồi thái độ cần thiết để giúp người học vững bước vào nghề. Đẩy mạnh đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ bù đắp nhanh lực lượng lao động thiếu hụt do thời gian đào tạo ngắn, tập trung vào kỹ năng và có thể đảm nhiệm công việc ở một số vị trí ứng dụng, vận hành thiết bị, tận dụng được lực lượng lao động trẻ, lao động trực tiếp. Giáo dục nghề nghiệp có mức độ thích ứng nhanh hơn với sự thay đổi của thị trường lao động, với sự cải tiến trang thiết bị của doanh nghiệp vì đào tạo theo modul, theo vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, việc liên kết với các doanh nghiệp Logistics, các cơ sở thực nghiệm, mô phỏng được đẩy mạnh như: mời các chuyên gia giỏi từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật - nghiệp vụ, phối hợp nghiên cứu các đề tài liên quan đến Logistics, tạo điều kiện cho sinh viên tới tham quan, tìm hiểu, học hỏi trong môi trường làm việc thực; Đối với các trường Đại học, đào tạo chuyên sâu với yêu cầu kỹ thuật cao về ứng dụng thiết bị hiện đại, tiên tiến để mở ra cơ hội thăng tiến giúp con người phát huy hết tiềm năng của họ. Thường xuyên có sự phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo giữa trường Đại học và các doanh nghiệp Logistics. Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường Đại học trong nước với tổ chức đào tạo quốc tế về Logistics. Hình thức liên kết đào tạo này không chỉ dành cho hệ giáo dục Đại học, mà còn dành cho hệ giáo dục sau Đại học.

Đào tạo nhân lực Logistics phải được ưu tiên trong ứng dụng công nghệ, gắn kết lý thuyết với thực tế, phát triển kỹ năng. Trong đào tạo Logistics tập trung vào các nội dung:

Hoạt động công nghệ: Các phần mềm: quản lý đơn hàng, quản lý kho, hệ thống chia chọn tự động, phân loại dựa trên mã vạch và trí tuệ nhân tạo, vận hành robot, hoạt động thương mại điện tử, cảm biến truyền thông tin.

Hoạt động pháp luật: Luật pháp trong nước và quốc tế, luật kinh doanh, kinh doanh quốc tế (yêu cầu giỏi ngoại ngữ). Luật hải quan, thủ tục hải quan, quản lý hóa đơn và các giấy tờ, thủ tục hành chính, các phần mềm liên quan đến hải quan và điều chuyển thông tin.

Hoạt động đóng gói và vận chuyển: cách thức và thời gian chấp nhận, các quy chuẩn, tiêu chuẩn đóng gói; các hình thức vận chuyển như nhanh, hỏa tốc, siêu tốc, tức thời…, các phương tiện vận chuyển như ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay…; các hoạt động tư vấn khách hàng: online hoặc trực tiếp.

Hoạt động giao hàng chặng cuối: Quản lý giao hàng về thời gian, địa điểm, phương tiện, nhân lực, các thủ tục giấy tờ sau khi giao hàng.

Hoạt động quản trị: Phân tích, lập kế hoạch, kiểm định, tính toán chi phí, nhân lực, phương tiện, kho bãi, thiết bị bảo quản...

Đào tạo các kỹ năng:

Vận hành thiết bị: Điều khiển xe nâng, xe đẩy, xe vận tải, thiết bị chia chọn, đọc mã, điều khiển robot phân loại hàng hay sắp xếp kho hàng, kiểm kho, vận hành dây truyền sản xuất và chịu trách nhiệm

Đóng gói hàng: Vận hành các thiết bị chuyên dụng về chọn hàng, đóng gói, kỹ năng bảo quản hàng hóa và sử dụng thiết bị bảo quản.

Kỹ năng mềm: tác phong công nghiệp, sáng tạo, nhạy bén; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng xử lý tình huống; kỹ năng đương đầu với thử thách, khó khăn

Kỹ năng số: khả năng vận dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Kỹ năng quản lý: Kỹ năng quản lý thông tin, quản lý thời gian, quản lý tài sản, thiết bị, hàng hóa.

Kỹ năng đọc hiểu, giao tiếp bằng ngoại ngữ: Xây dựng hệ tài nguyên giáo dục ngành Logistics để duy trì quá trình học tập, tạo điều kiện cho người học tiếp cận chương trình đào tạo và học tập suốt đời. Hệ thống lý thuyết của các trường Đại học và trường dạy nghề có sự thống nhất, tăng cường bài giảng số làm nền tảng kiến thức chung, tạo ý tưởng tự học, xây dựng sự tự tin, bổ sung những kiến thức thiếu hụt như tin học, ngoại ngữ cho nhân lực ngành Logistics. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Các trường Đại học thiên về hoạt động nghiên cứu, tiếp cận xu hướng mới sẽ hỗ trợ chuẩn hóa các hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Logistics với thế mạnh về nhân sự chuyên nghiệp cùng với cơ sở vật chất đầy đủ, thực tế sẽ tham gia đào tạo một phần hoặc toàn bộ trong một số học phần nghiệp vụ cho sinh viên. Sinh viên học tập trong môi trường thực tế sẽ không còn quá bỡ ngỡ trong môi trường doanh nghiệp và tác phong công nghiệp. Việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với nhà trường giúp định hướng xây dựng chương trình đào tạo ứng dụng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Logistics.

Tài liệu tham khảo:

1. Đào, GS TS Đ.Đ. Những vấn đề đặt ra về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam. Tạp chí KH&CN trường Đại học Hòa Bình, 9-2021.

2. Bình, N. T. Phát triển thương mại điện tử: cơ hội và thách thức cho ngành dịch vụ Logistics Việt Nam. Tạp chí quản lý và kinh tế quốc tế, 01-2021.

3. Quang, N. M., & Vũ, V. C. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Logistics thông qua việc kết nối cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp Logistics. Tạp chí KH&CN Trường Đại học Hùng Vương, 12-2023.

4. Thu. H.T. Phát triển dịch vụ Logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

5. https://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/phuong-phapgiang-day-theo-huong-tiep-can-nang-luc-nguoi-hoc-tronggiao-duc-nghe-nghiep-142336

6. https://tuyengiao.vn/khoa-giao/ung-dung-cong-nghe-dotpha-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-nghe-nghiep-138142

7. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/phat-triendich-vu-Logistics-o-vie-t-nam-4769.4050.html

8. https://vneconomy.vn/nganh-Logistics-can-tiep-tuc-doi-moi.htm

9. https://baochinhphu.vn/nang-cao-nang-luccanh-tranh-va-phat-trien-dich-vu-Logistics-vietnam-102221216174019913.htm

10. https://baochinhphu.vn/viet-nam-dang-so-huutat-ca-nhung-loi-the-de-thuc-day-Logistics-phattrien-102221019181620366.htm

11. https://nhatvietLogistics.com.vn/cac-loai-dich-vu-Logisticspho-bien/

12. https://vlr.vn/nganh-Logistics-viet-nam-nam-2022-diemsang-va-hy-vong-9460.html

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Bài liên quan
  • Ra mắt giải pháp logistics trọn gói cho ngành Dược
    Ngày 22/1, Viettel Post và công ty Lê Bảo Minh đã ký kết hợp tác chiến lược và công bố “Giải pháp logistics trọn gói cho ngành Dược”. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một bộ giải pháp chuyên biệt toàn trình đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngành.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO