Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Quy hoạch là để báo chí phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn”

Tuyết Hoa - Tiến Hưng| 29/04/2020 16:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Trải qua một thời gian khá dài, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, có những thời điểm, số lượng các cơ quan báo chí quá nóng ở cả 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và nhất là báo điện tử.

Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Nhằm triển khai quyết định trên, ngày 4/6/2019, Bộ TT&TT đã đưa ra kế hoạch triển khai việc sắp xếp các cơ quan báo chí. Để có cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc quy hoạch báo chí, phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã cócuộc phỏng vấn nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:  “Quy hoạch là để báo chí phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn”   - Ảnh 1.

- Thưa ông, việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan báo chí đã có những kết quả bước đầu, quan điểm của ông như thế nào về nội dung này?

- NB Hồ Quang Lợi: Từ thực tiễn của đời sống báo chí hiện nay, tôi nghĩ, việc quy hoạch báo chí là rất cần thiết, không thể không làm. Quá nhiều cơ quan báo chí đã được cấp phép hoạt động (850 tính đến tháng 11/2019). Điều đó dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan, có phần lộn xộn, khiến cho việc quản lý khó khăn. Nguyên nhân từ đâu? Không thể không nói đến sự khá dễ dàng của việc cấp phép ở một vài thời điểm trước đây. Không ít cơ quan báo chí chưa nghiêm túc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động theo như đăng ký trong giấy phép, dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp thông tin, lãng phí về nguồn lực và không hiệu quả. Chúng ta có một hệ thống tổ chức hội rất đông đảo (hội xã hội, nghề nghiệp, chuyên ngành...), và các Hội đều xin cấp phép cho ra đời các cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí lại có nhiều ấn phẩm phụ, chương trình, chuyên san, chuyên trang, chuyên kênh... - đây là sự phát triển "nóng", nặng về số lượng hơn chất lượng. Việc "bung ra" các cơ quan báo chí, các sản phẩm báo chí như vậy làm cho việc chỉ đạo, quản lý khó khăn. Một số cơ quan chủ quản cũng buông lỏng việc quản lý cơ quan báo chí, thậm chí có nơi còn coi cơ quan báo chí như một phương tiện làm kinh tế, đóng góp tài chính "nuôi" cơ quan chủ quản, trong khi cơ quan báo chí lại buông lỏng việc quản lý phóng viên, còn phóng viên thì vừa làm báo vừa kết hợp làm kinh tế, viết bài PR, xin quảng cáo. Từ đó xuất hiện kiểu "phóng viên đếm tầng", "nhà báo đánh đấm" làm tổn thương thanh danh người làm báo chính trực. Tất cả những khuyết điểm, thiếu sót, bất cập này đã dẫn đến các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí. Thực tế, thời gian qua, có không ít người đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm những việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Họ không theo đúng tinh thần làm nghề là để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân.

Việc quy hoạch là để đảm bảo cho báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng, có ích hơn, mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn, đạo đức hơn. Đây chính là cái quan trọng nhất, để tránh lãng phí cả con người, lẫn vật chất, hạn chế, ngăn chặn sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí! Quy hoạch là để xây đắp chứ không phải mục đích là loại bỏ.

Đến nay, có thể nói về cơ bản, công tác quy hoạch đã thực hiện đúng lộ trình. Riêng về quy hoạch các cơ quan báo chí của các hội, ngày 4/3 vừa qua, Bộ TT&TT đã trao giấy phép cho 18 tạp chí của các hội thuộc diện quy hoạch, chuyển mô hình hoạt động theo hướng chuyên sâu, chú trọng thông tin cho các cơ quan chủ quản. Tôi tin rằng, sau khi có quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại, các cơ quan báo chí sẽ nhanh chóng ổn định, hoạt động hiệu quả hơn và tình trạng báo "lá cải", giật gân câu khách sẽ được khắc phục. Như vậy, thực hiện quy hoạch, báo chí đang xốc lại đội ngũ, phát huy truyền thống tốt đẹp, giá trị chính thống của báo chí cách mạng trong dòng chảy thông tin, phục vụ lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân.

- Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai quy hoạch liệu có gặp phải những thách thức gì, thưa ông? Đâu là nguyên nhân?

- NB Hồ Quang Lợi: Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt: thuận lợi và khó khăn. Hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường phát triển mạnh, các mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí, theo đó cũng bung ra. Nhiều cơ quan báo chí từ khi đi vào hoạt động đến nay đã dần khẳng định được vị trí, trở thành những thương hiệu mạnh, nhận được sự yêu mến, tin cậy của độc giả. Khi phải sáp nhập theo quy hoạch, tâm lý , đời sống của người lao động báo chí ít nhiều bị ảnh hưởng, thương hiệu của cơ quan báo chí cũng bị suy giảm. Thậm chí, khi chuyển đổi mô hình, do không tìm được giải pháp phù hợp nhất, có ấn phẩm báo chí vốn là nỗ lực, tâm huyết và thành quả của nhiều thế hệ làm báo cũng sẽ không còn có mặt trên thị trường báo chí. Đó là điều rất đáng tiếc. Mặt khác, việc sáp nhập sẽ liên quan đến các vấn đề bộ máy tổ chức, nhân lực, đời sống, công ăn việc làm của hàng nghìn nhà báo. Vì vậy, khi sáp nhập, cần tính toán kỹ lưỡng cách thức và bước đi cụ thể cho từng cơ quan báo chí. Để làm tốt được việc sáp nhập, cần có sự thống nhất ngay trong nhận thức của các cơ quan lãnh đạo quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và bản thân người làm báo. Khi nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quy hoạch, có cách thức và bước đi phù hợp, quan tâm thiết thực đến quyền lợi chính đáng của người làm báo, chúng ta sẽ thành công.

- Ông có nói, mục đích quy hoạch là để "báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng, có ích hơn" - điều này được giải thích như thế nào?

- NB Hồ Quang Lợi: Hiện nay, tình trạng thông tin nóng, giật gân, câu khách,… đang chiếm một thời lượng, dung lượng khá lớn trong các sản phẩm báo chí Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, dẫn đến tình trạng không tuân theo tôn chỉ, mục đích đã quy định trong giấy phép hoạt động, dần mất đi đường hướng đúng đắn, dần mất đi niềm tin của độc giả, sẽ không có giá trị trong đời sống, dòng chảy thông tin. Trong khi đó, tôn chỉ mục đích chính là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí, là sự sống còn đối với các cơ quan báo chí. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí địa phương, ngành, tổ chức xã hội, nghề nghiệp lại dành quá nhiều thời lượng cho tin bài có tính chất toàn quốc, hoặc ở những lĩnh vực ngoài phạm vi giấy phép quy định, sao nhãng nhiệm vụ chính của mình là phản ánh thông tin ở địa phương, cơ quan chủ quản… Việc các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích gây lãng phí, lộn xộn dẫn đến tình trạng cạnh tranh thông tin không lành mạnh. Do vậy, thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là để từng cơ quan báo chí làm đúng hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Một số địa phương đã sáp nhập Báo tỉnh cùng các đài Phát thanh truyền hình (như Bình Phước, Quảng Ninh). Liệu đây có phải xu hướng tất yếu các cơ quan báo chí địa phương? Có cần và tiếp tục sáp nhập các đơn vị ở các tỉnh còn lại?

- NB Hồ Quang Lợi: Để rút ra kết luận cần tiếp tục hay không, phải có thời gian, ít nhất cũng phải hai năm. Chúng ta cần đánh giá toàn diện về sự đúng đắn, hợp lý và hiệu quả. Đừng nghĩ việc sáp nhập này chỉ đơn thuần là một phép cộng số học, chỉ là "bình mới, rượu cũ". Nếu tính toán kỹ lưỡng, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới, xây dựng cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện mà ở đó giảm được người, tăng hiệu quả thông tin, tránh sự chồng chéo, cơ quan hợp nhất được tổ chức một cách khoa học, hiệu quả thì đây là xu hướng tốt. Nhưng để làm điều này đòi hỏi trình độ tổ chức lại các cơ quan báo chí, và đòi hỏi trình độ quản lý của người lãnh đạo cơ quan báo chí, cũng như trình độ chuyên môn của người làm báo trong cơ quan báo chí đó. Một người phải làm được nhiều việc, phải nằm trong guồng máy sản xuất ra các ấn phẩm báo chí theo mô hình tòa soạn hội tụ. Chính vì thế nên làm thử nghiệm, có đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra mô thức, mô hình khả thi cho các địa phương, cơ quan báo chí trên toàn quốc có thể học hỏi rút kinh nghiệm để quyết định thực hiện hay không.

- Hiện nay, tình trạng "báo hóa" tạp chí, gây hệ lụy không tốt, làm giảm chất lượng thông tin, mất uy tín với độc giả, khó khăn cho cơ quan quản lý báo chí.. vẫn đang diễn ra ở Việt Nam. Theo ông cần những giải pháp nào để tháo gỡ tình trạng trên?

- NB Hồ Quang Lợi: Đây là vấn đề "nóng" trong hoạt động báo chí, đặc biệt đối với báo điện tử. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này và đưa ra đánh giá về mức độ và tác hại của việc "báo hóa" tạp chí. Nhưng bên cạnh giải pháp của ba bên như đã nói ở trên, nhận thức đúng đắn của bản thân cơ quan báo chí, của những người làm báo cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tạp chí phải đi đúng những tuyến bài nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành, có tính lý luận. Vì vậy, tôi cho rằng việc quy hoạch báo chí cũng là một giải pháp hữu hiệu, ngăn chặn việc "báo hóa" tạp chí để Báo và Tạp chí không "đá lộn", "lấn sân" của nhau.

- Một vấn đề quan trọng sau quy hoạch chính là nhân sự dôi dư, là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam có quan điểm thế nào xung quanh vấn đề này?

- NB Hồ Quang Lợi: Trong quá trình tham gia các buổi thảo luận về vấn đề quy hoạch báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhấn mạnh việc đảm bảo quyền làm nghề và các lợi ích chính đáng cho các Hội viên. Trong các lợi ích chính đáng của Hội viên thì quyền được làm nghề là thiêng liêng nhất, do vậy, dù sắp xếp theo phương thức nào đối với các cơ quan báo chí thì cũng cần chú trọng nhân tố con người, giải quyết thoả đáng. Hội Nhà báo luôn sát cánh, quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các Hội viên.

Thực hiện quy hoạch, nhân lực báo chí sẽ phải rút gọn lại trong cơ cấu tổ chức của cơ quan mới. Điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong từng vị trí việc làm. Người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, đáp ứng được yêu cầu công việc, người đó sẽ có chỗ đứng. Đó là quy luật của cuộc sống nói chung chứ không riêng ngành báo chí. Tôi nghĩ, bản thân các hội viên cũng cần nỗ lực học hỏi, nắm bắt công nghệ mới, vươn lên, khẳng định vị trí của mình trong bối cảnh mới.

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

(Bài đăng tải trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 4/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Quy hoạch là để báo chí phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO