Phú Yên: Ứng dụng công nghệ để chống dịch, an dân và phát triển kinh tế

BT| 07/08/2021 14:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho hay tỉnh đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa các giải pháp công nghệ vào tất cả các khâu phòng chống dịch, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định, an dân và phát triển kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho hay tỉnh đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa các giải pháp công nghệ vào tất cả các khâu phòng chống dịch, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định, an dân và phát triển kinh tế.

Theo ông Phạm Đại Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ yếu là thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Đồng thời, nỗ lực tiêm vaccine với độ bao phủ rộng, đạt miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt.

Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy khi tiêm đủ liều vaccine thì nguy cơ do COVID-19 mang lại sẽ giảm đi nhiều. Mặc dù vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng người đã tiêm đủ vaccine thì sẽ không bị nặng, ít nhất là đối với các biến chủng đã xuất hiện cho đến nay. Và như thế, chúng ta sẽ không bị quá tải và không bị khủng hoảng y tế. Sự an toàn tính mạng của mọi người dân sẽ được đảm bảo.

Nhưng cũng chính vì vaccine không giải quyết được triệt để dịch bệnh, và có thể sẽ có những biến thể COVID-19 mạnh hơn, kháng được vaccine – như nhận định của các chuyên gia, thì chúng ta vẫn sẽ phải sẵn sàng cho mọi tình huống, không chủ quan, lơ là, chí ít là đến khi có thuốc điều trị đủ hiệu quả và quan trọng là đủ rẻ cho tất cả mọi người. Người dân phải được an toàn, đồng thời, cũng phải đủ thuận tiện để có thể sinh sống và tham gia đóng góp phát triển kinh tế xã hội.

"Muốn như thế, người dân phải được cung cấp đủ thông tin, chủ động nắm bắt và phòng tránh dịch bệnh thông qua một thiết chế đủ thông minh và thuận tiện cho tất cả mọi người. Đó chính là lúc chúng ta cần đến công nghệ", Bí thư Phú Yên nhận định.

Phú Yên: Ứng dụng công nghệ để chống dịch, an dân và phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Ông Phạm Đại Dương giới thiệu phần mềm truy vết COVID-19 đang được áp dụng tại Phú Yên - Ảnh: NLĐ

Phân tích cụ thể hơn, ông Phạm Đại Dương nêu rõ, với các giải pháp định danh cá nhân, các phương thức kiểm soát và với nỗ lực tích hợp dữ liệu thì chúng ta dễ dàng biết được tình trạng y tế của một cá nhân. Từ việc đã tiêm vaccine chưa, kết quả xét nghiệm gần nhất là như thế nào, có di chuyển qua các vùng nguy cơ cao không…. Thông qua mã QR cá nhân, người dân có thể thuận tiện đi qua các chốt kiểm soát tự động. Các ứng dụng thông minh cũng sẽ kịp thời thông tin tới người sử dụng về các mối nguy cơ tại các khu vực liên quan.


Ngoài ra, các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe cá nhân sẽ giúp cơ quan chức năng, đội ngũ y tế giám sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân để kịp thời tư vấn từ xa, thay vì phải luôn trực chiến. Có rất nhiều ứng dụng công nghệ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, và giúp chúng ta thoải mái, thuận tiện hơn. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng thay đổi thói quen đế tiếp nhận công nghệ mới hay không.


Về phần địa phương, ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, Phú Yên xác định cần phải đúc rút kinh nghiệm của các địa phương đi trước, thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế…Đồng thời, tỉnh từng bước ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các khâu như truy vết, xét nghiệm ...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch ban đầu gặp không ít trở lực vì đa phần cán bộ, công chức, người lao động và cả người dân quen với thói quen cũ, ngại thay đổi. Do đó, tỉnh chọn cách tiếp cận từng bước, để cán bộ và người dân thấy lợi ích và quen dần với việc sử dụng các công nghệ, tiến tới triển khai rộng hơn, sâu hơn.


Hiện nay, Phú Yên đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia và Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia để đưa các giải pháp công nghệ vào tất cả các khâu phòng chống dịch.


Các giải pháp công nghệ này sẽ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, thuận tiện hơn. Ví dụ như việc ứng dụng kiểm soát ra vào các điểm bằng mã QR thì công tác truy vết sẽ rất nhanh và hiệu quả. Hay việc ứng dụng mã QR vào trong lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm qua Bluezone thì sẽ hạn chế được việc tụ tập đông người, cơ quan chức năng cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được kết quả xét nghiệm của các cá nhân.


"Tương tự như vậy với việc quản lý tiêm chủng. Việc tích hợp cơ sở dữ liệu y tế và cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án của Bộ Công an đang triển khai sẽ giúp xác định những người cao tuổi, người có bệnh nền để tập trung ưu tiên tiêm phòng vắc-xin, kịp thời có các biện pháp xử lý trong quá trình điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế các rủi ro…


Việc triển khai các giải pháp này không chỉ có ý nghĩa ngay trong giai đoạn phòng chống dịch này, mà còn có ý nghĩa quan trọng, đó là Phú Yên sẽ có dữ liệu tích hợp, có thói quen sử dụng công nghệ, và quan trọng hơn, một tư duy chấp nhận đổi mới. Đồng thời, đó cũng là một bước trong quá trình chuyển đổi số. Theo tôi, ứng dụng công nghệ trong ứng phó với dịch là cần thiết, để ổn định, an dân và phát triển kinh tế, để chúng ta không bị COVID-19 nhốt mãi trong lồng giãn cách", ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh.


Giải pháp ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 3 bộ công cụ:

Bộ công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành chung có 5 ứng dụng: Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Trung tâm xử lý tin xấu độc, tin giả về COVID-19; Công cụ đánh giá mức độ giãn cách xã hội; Công cụ phát hiện người từ vùng dịch về; Công cụ phát hiện người vượt biên trái phép.

Bộ công cụ phục vụ phòng, chống dịch có 7 ứng dụng: Nền tảng khai báo y tế và quản lý ra bào bằng mã QR; Nền tảng luồng xanh giao thông bằng mã QR; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng hỗ trợ quản lý, giám sát cách ly; Nền tảng hỗ trợ điều phối, chuyển bệnh nhân.

Bộ công cụ phục vụ an dân có 6 ứng dụng: Công cụ tổng đài đường dây nóng hỗ trợ người dân; Công cụ trợ lý ảo tư vấn về phòng, chống COVID-19; Cẩm nang số về phòng, chống COVID-19; Nền tảng kết nối số, cung cấp thông tin bệnh nhân nặng; Nền tảng hỗ trợ người cần trợ giúp; cơ sở dữ liệu về các đối tượng yếm thế.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Ứng dụng công nghệ để chống dịch, an dân và phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO