Quản lý các nền tảng XBG tạo sự sòng phẳng cho tất cả DN công nghệ
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, với việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới (XBG), cơ quan quản lý đã giúp tạo sự sòng phẳng hơn cho tất cả các doanh nghiệp (DN) công nghệ, dù trong nước hay nước ngoài trên cùng một mặt phẳng pháp lý.
Liên tục tạo sức ép đối với các nền tảng XBG
Tại Hội nghị Sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 30/6, chia sẻ về bước tiến mới trong quản lý nền tảng XBG trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết, công tác đấu tranh với các nền tảng XBG để làm trong sạch, lành mạnh không gian mạng đã làm Cục “mất ăn mất ngủ” trong suốt 5 năm qua nhưng cũng đã đem lại niềm hạnh phúc và những uy tín nhất định.
Bởi theo ông Tự Do, đây là một nhiệm vụ rất khó, chưa có tiền lệ và các quy định sẵn có để thực hiện. Chưa kể đến, không gian mạng là nơi chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong đó, các nền tảng XBG chính là nơi là các luồng thông tin xấu độc phát tán mạnh mẽ nhất. Những khó khăn đó đã khiến cho Cục suy nghĩ và tìm đủ mọi giải pháp.
“Điều may mắn là chúng tôi không đơn độc khi mà Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ ra những cách thực hiện, các biện pháp đấu tranh mới để có thể đạt được mục tiêu đề ra”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT bày tỏ.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, một trong số những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, để đấu tranh được với các nền tảng XBG thì phải tổng hợp nhiều lĩnh vực, giải pháp đồng bộ với nhau như kinh tế, nội dung, truyền thông… để gây sức ép.
Đồng thời, để quản lý được các nền tảng XBG thì phải “nắm” được 2 nhóm đối tượng bao gồm: Các nền tảng nước ngoài; Đại lý, nhãn hàng - nơi cung cấp nguồn tiền để nuôi sống nền tảng này, những người làm nội dung - những người dẫn đắt, định hướng dư luận trên mạng.
Trước hết, đối với các nền tảng XBG, thời gian qua, Cục PTTH&TTĐT đã phải thường xuyên tổng hợp các biện pháp đầu tranh để duy trì tỷ lệ gỡ bỏ, ngăn chặn nội dung xấu độc ở mức cao.
“Đây là một bước tiến rất lớn, khi mà trong 5 năm qua, cứ khi nào chúng tôi buông lỏng một chút là tỷ lệ này lại giảm vì các nền tảng luôn tìm cách né tránh. Vì vậy, điều này đã tạo nên một áp lực hàng ngày, hàng giờ không có ngày nghỉ, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Từ đó luôn luôn tạo áp lưc, gây sức ép để các nền tảng XBG kiên trì gỡ bỏ, ngăn chặn các nội dung vi phạm trong thời gian nhanh nhất với tỷ lệ cao nhất có thể”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm.
Theo đó, từ năm 2017 - 2018, khi Bộ TT&TT có những quyết tâm thực hiện trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn những nội dung vi phạm thì các nền tảng XBG mới bắt đầu thực hiện nhưng ở mức độ vừa phải. Phải đến năm 2020, với các biện pháp và sự phối hợp tốt hơn thì kết quả đã có sự đột phá. Để rồi, trong 6 tháng đầu năm 2023 lần đầu tiên tỷ lệ đáp ứng ở mức cao nhất và số lượng gỡ bỏ các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok nhiều nhất cho đến nay.
Cụ thể, Facebook (đạt tỷ lệ 91%) khi đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo; YouTube cũng đã đạt tỷ lệ 94% với việc gỡ 6.101 video, 7 kênh vi phạm; TikTok thì tỷ lệ này là 92% khi gỡ 415 link vi phạm cùng 149 tài khoản.
Sẽ nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng XBG khác
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, thời gian qua, lần đầu tiên Cục đã triển khai được quy trình xử lý mới trong các tình huống đặc biệt, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia bao gồm: Thời gian xử lý nhanh hơn (dưới 12 giờ) với số lượng nhiều hơn; Huy động nhiều lực lượng cùng tham gia xử lý: Kết hợp rà quét bằng người và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán tự động để rà quét, chặn, gỡ nội dung vi phạm. Quy trình này đã áp dụng rất thành công trong sự việc ở Đắk Lắk vừa qua, khi tỷ lệ đáp ứng đều ở mức cao và được các đơn vị liên quan đánh giá cao.
Sự việc này cũng là lần đầu tiên, các nền tảng dùng quy trình AI tự động để rà quét các nội dung tương tự từ những hình ảnh, video mà Cục PTTH&TTĐT cung cấp thay vì làm bằng sức người như trước.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã lần đầu tiên tổ chức được một kiểm tra toàn diện hoạt động của một nền tảng XBG lớn tại Việt Nam (TikTok) cùng với sự tham gia của 5 Bộ ban ngành khác. “Lần đầu tiên, chúng tôi đã buộc một nền tảng XBG phải ký và thừa nhận những sai phạm, có những biện pháp khắc phục. Trong tháng 7/2023 sẽ có công bố kết quả đợt kiểm tra này”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm.
Một việc làm đáng chú ý trong thời gian qua là Cục PTTH&TTĐT đã yêu cầu được những nền tảng XBG áp dụng được các công nghệ rà quét tự động đối với những quảng cáo vi phạm. Trước đây, để gỡ bỏ những quảng cáo nào đó, Cục phải chứng minh quảng cáo đó vi phạm những quy định pháp luật nào và các nền tảng XBG chỉ gỡ bỏ đúng quảng cáo đó. Thay vào đó, hiện nay, Cục chỉ cần gửi một quảng cáo vi phạm thì các đơn vị XBG sẽ ngăn chặn những quảng cáo nội dung tương tự như “Nhà tôi 3 đời bán…”.
“Chúng tôi cũng yêu cầu không cho bật chức năng kiếm tiền đối với những trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh.
Tiếp theo, Cục PTTH&TTĐT đã đấu tranh yêu cầu các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu XBG phải tuân thủ quy định Nghị định 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/10/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH và Luật điện ảnh sửa đổi như buộc Netflix phải nộp hồ sơ xin đăng ký dinh doanh tại Việt Nam, 5 đơn vị OTT khác phải đăng ký với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về cung cấp phim trực tuyến.
Để làm được điều này, Bộ TT&TT đã gây sức ép bằng cách yêu cầu 5 hãng sản xuất tivi lớn ở Việt Nam không cài sẵn các OTT cung cấp nội dung theo yêu cầu và có lộ trình gỡ những phím tắt các ứng dụng này khỏi bộ điều khiển tivi.
Đối với nhóm thứ 2 là các đại lý quảng cáo, nhãn hàng, các nhà sản xuất nội dung, Cục PTTH&TTĐT cũng thực hiện một số giải pháp và đã đạt những bước tiến mới. Quan trọng nhất vẫn là nắn chỉnh được những dòng tiền từ các nhãn hàng, đại lý quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang, kênh "sạch".
Cục đã thực hiện 2 biện pháp rất quyết liệt. Đầu tiên là xử phạt đối với các nhãn hàng đăng quảng cáo lên nền tảng XBG và các trang có nội dung vi phạm.
Biện pháp thứ 2 là tổ chức các sự kiện gặp gỡ các đại lý quảng cáo, nhãn hàng để truyền đi thông điệp các nền tảng XBG không đảm bảo an toàn cho các nhãn hàng. Đồng thời, xây dựng các danh sách các báo, các trang tin tổng hợp, MXH đã được cấp phép, các trang, kênh có đăng ký với Bộ (white list) để gửi cho các đại lý quảng cáo, nhãn hàng ưu tiên lựa chọn. Cùng với đó, Cục cũng liên tục rà quét và gửi danh sách các trang, kênh, tài khoản vi phạm (black list) để yêu cầu các nền tảng không cho bật kiếm tiền, các DN không quảng cáo trên đó.
Sau một thời gian, hiện các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn đều cam kết với Bộ không quảng cáo vào black list, và sẽ nghiên cứu ưu tiên quảng cáo trong white list.
Còn với các nhà sản xuất nội dung, Bộ TT&TT đã kết nối được khoảng 200 công ty là các đại lý, công ty truyền thông lớn, quản lý khoảng 5.000 người có ảnh hưởng (KOLs), các thần tượng (idol), người nổi tiếng trên không gian mạng. Qua cuộc làm việc này, Bộ TT&TT đã phổ biến pháp luật và đề nghị phối hợp với nhà nước trong truyền thông chính sách cũng như thông báo chính sách hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung sạch tiếp cận với các nhãn hàng và đại lý quảng cáo để được lựa chọn ưu tiên quảng cáo.
Trong 6 tháng cuối năm, Cục PTTH&TTĐT sẽ tiếp tục phát huy, duy trì những kết quả đã đạt được bao gồm: Tập trung hoàn thiện và tham mưu cho Bộ trình CP ban hành Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2023 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng: Duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng XBG ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn.
Cuối cùng, căn cứ kết quả kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt và buộc TikTok phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng XBG khác.
Tạo sự sòng phẳng hơn cho các DN công nghệ
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, với việc quản lý các nền tảng XBG, cơ quan quản lý đã giúp tạo sự sòng phẳng hơn cho tất cả các DN công nghệ, dù trong nước hay nước ngoài trên cùng một mặt phẳng pháp lý. Vì vậy, các DN trong nước đã có một cơ hội mới, được cạnh tranh bình đẳng với những đơn vị nước ngoài, thay vì bị “trói chân trói tay” như trước.
Ngoài ra, trên môi trường truyền thông số, theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các lợi thế cũng đang thuộc về các đơn vị trong nước. Ví dụ như các mạng quảng cáo (ad network) trong nước có lợi thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì có thể hạn chế những quảng cáo, nội dung xấu độc. "Các mạng quảng cáo nước ngoài không thể hiểu và tinh tế như các đơn vị trong nước. Do đó, có thể nói, đây sẽ là cơ hội cho các DN công nghệ trong nước"./.