Quản lý hoạt động của các nền tảng số xuyên biên giới - bài toán cần nhiều lời giải

TS. Hoàng Thị Tuyết, Bộ Tài chính | 13/12/2022 08:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Nền tảng xuyên biên giới (NTXBG) là một hình thức điển hình của kinh tế nền tảng (digital economy) và kinh tế nền tảng là một dạng đặc biệt của giao dịch điện tử (GDĐT).

Tóm tắt nội dung

* 5"Khoảng trống"quản lý cần hoàn thiện đối với NTXBG tại Việt Nam:

Một là, hiện nay, người tiêu dùng đang phải gánh chịu rất nhiều phiền hà từ việc quảng cáo thương mại trực tuyến trên NTXBG.

Hai là, tạo những thách thức gây ảnh hưởng về nhận thức, đưa các nội dung thông tin vi phạm pháp luật, thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, xu hướng và nhận thức của giới trẻ.

Ba là, vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu cá nhân đang ngày càng phổ biến.

Bốn là, các NTXBG hiện nay đều đang nắm giữ lượng dữ liệu khổng lồ đang gây ra những lo ngại và ảnh hưởng đến lợi ích của người dùng.

Năm là, các quy định về NTXBG còn phân tán trong nhiều văn bản khác nhau, thiếu văn bản thống nhất quy định cụ thể đối với các nền tảng số, kinh doanh trên nền tảng số.

* 5 giải pháp đề xuất hoàn thiện để quản lý các NTXBG tại Việt Nam:

Một là, hoàn thiện khoảng trống pháp lý quy định trách nhiệm của các NTXBG, đặc biệt các nền tảng số nắm giữ nhiều dữ liệu người dùng bằng việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Hai là, cần hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với các NTXBG.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, các quy định về thu thập dữ liệu liên quan đến các NTXBG; tăng cường giám sát NTXBG có thể gây tác động tiêu cực đến an toàn thông tin mạng, chủ quyền dữ liệu.

Bốn là, cần xây dựng và ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các NTXBG bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật.

Năm là, cần có những quy định rõ ràng về các hoạt động, đối tượng điều chỉnh liên quan đến chất lượng hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Các NTXBG không chỉ tạo ra không gian mở cho quan hệ kinh tế xã hội giữa các cá nhân, cộng đồng không chỉ giới hạn trong cùng một nhóm người, một cộng đồng cư dân, hay một quốc gia, vùng lãnh thổ, mà còn mở rộng, vượt qua giới hạn về mặt địa lý, sắc tộc, tôn giáo. Nó không chỉ xóa nhòa giới hạn về không gian mà còn tạo lập một thế giới phẳng mà ở đó mọi người liên hệ với nhau thông qua không gian mạng Internet, thông qua phương thức điện tử, phương thức “số”.

Với tiện ích ưu việt đó, NTXBG tạo ra nhiều tiện ích cho người dùng và đưa cơ hội kinh doanh tới nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, thậm chí trên phạm vi rộng của quả địa cầu này. Vì lẽ đó, NTXBG là mô hình có tính toàn cầu và những thách thức cùng các bài toán khó không chỉ là vấn đề đối với riêng Việt Nam mà với nhiều quốc gia.

Sự phát triển mạnh mẽ và hoạt động của các NTXBG đã đặt Việt Nam trước một số bài toán quản lý thực sự mới mẻ, chưa có tiền lệ.

Khái quát nhận thức về bản chất NTXBG và hoạt động của các NTXBG tại Việt Nam

Các NTXBG là hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, hoạt động trực tuyến, tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, nhiều quốc gia, thậm chí phạm vi toàn cầu.

Là một mô hình kinh doanh mới dựa trên các mạng lưới nền tảng trực tuyến và quá trình xử lý dữ liệu bằng các thuật toán được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin để tổ chức, sắp xếp các hoạt động kinh tế, xã hội nên các NTXBG “có thể đánh bại mô hình ống bởi vì lợi ích kinh tế cận biên cao và vì giá trị được tạo ra bởi những hiệu ứng mạng tích cực, tái tạo lại giá trị nhằm tạo ra những nguồn cung cấp mới, định hình lại sự tiêu dùng giá trị bằng việc kích hoạt các dạng hành vi tiêu dùng mới và định hình lại cách quản lý chất lượng thông qua quản lý cộng đồng” [1].

NTXBG là đặc trưng của thời đại 4.0, sự xuất hiện của nền tảng, NTXBG đã khởi đầu và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh trên các nền tảng này và hình thành phạm trù kinh tế mới có tên gọi là “kinh tế nền tảng” (platform economy), hay còn gọi là “kinh tế số” (digital economy), “kinh tế sáng tạo” (creative economy), “kinh tế chia sẻ” (sharing economy),... Hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên NTXBG vào lãnh thổ Việt Nam như Facebook, Google, Netflix, YouTube, TikTok,... phát triển khá mạnh mẽ. Cùng với đó, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng gia tăng tạo nên bức tranh hoạt động sôi động của các nền tảng này.

Hiện nay, tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 03 Công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các Sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

“Khoảng trống” quản lý cần hoàn thiện đối với NTXBG tại Việt Nam hiện nay

Các NTXBG mang đến lợi ích cho người tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung như tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, mở ra các thị trường mới, tạo cơ hội tiếp cận việc làm linh hoạt cho người lao động... Bằng việc xóa bỏ các tổ chức trung gian truyền thống (như các hãng taxi, khách sạn hay ngân hàng...), các nền tảng trực tuyến cho phép các cá nhân trực tiếp tham gia cung cấp các hàng hóa, dịch vụ với chi phí giao dịch thấp hơn, tạo ra một nền kinh tế có tính bao trùm hơn, đồng thời, uy tín kinh doanh được tạo ra từ phản hồi của các khách hàng một cách minh bạch, từ đó tạo ra áp lực nâng cao chất lượng đối với những người cung cấp dịch vụ. [2]. 

Đồng thời, các nền tảng này đã tạo ra những bước khởi đầu và bứt phá của nhiều thương hiệu và “những người khổng lồ” đang trỗi dậy nhưng thực sự,... thì hoạt động của các NTXBG đã đặt Việt Nam trước một số bài toán thực sự mới mẻ, chưa có tiền lệ quản lý, khá “hóc búa” và cần nhiều lời giải. Cụ thể:

Một là, hiện nay, người tiêu dùng đang phải gánh chịu rất nhiều phiền hà từ việc quảng cáo thương mại trực tuyến trên NTXBG. Trên các nền tảng này, các hoạt động quảng cáo thương mại sai sự thật và tin giả. Không ít đối tượng lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của các NTXBG để thực hiện một cách có hệ thống, có tổ chức nhằm mục đích trục lợi về kinh tế. Hàng loạt hàng hóa, dịch vụ liên quan được hiển thị trên các trang web mà người tiêu dùng truy cập, thậm chí có trường hợp nhà quảng cáo thương mại còn cố ý tạo ký tự nhầm lẫn để người tiêu dùng truy cập và trở thành nạn nhân của quảng cáo thương mại. Một vấn nạn khác là việc quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm dẫn đến sự nhầm lẫn về chất lượng gây ảnh hưởng đến kinh tế và tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. 

Ví dụ một dạng vi phạm phổ biến hiện nay là quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có sự kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo thương mại trực tuyến, nhất là kiểm soát nội dung của quảng cáo. 

Hai là, tạo những thách thức gây ảnh hưởng về nhận thức, đưa các nội dung thông tin vi phạm pháp luật, thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, xu hướng và nhận thức của giới trẻ. Bằng cách kiểm soát nội dung luồng thông tin trên các nền tảng số, họ (chủ sở hữu các nền tảng số) và người dùng của họ có thể định hướng thông tin của cộng đồng (xu hướng, nội dung) theo cách họ mong muốn mặc dù đó là thông tin sai lệch, gây hiểu lầm theo cách suy nghĩ thông thường, các thông tin được cung cấp, lan truyền trên các nền tảng số ảnh hưởng rất mạnh tới cộng đồng. 

Chẳng hạn như việc tung tin giả (fake news) trên NTXBG mạng xã hội (MXH) (Facebook) về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trong những ngày đầu tháng 10/2022 vừa qua đã đặt SCB “suýt” nguy cơ đổ vỡ với hiệu ứng domino của hàng triệu khách hàng vào cùng một thời điểm. Đặc biệt là, còn có một rủi ro, nguy hiểm mang màu sắc “ngọt ngào” là sự xuất hiện của các nền tảng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay các nền tảng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, với khoảng 40 triệu người chơi, chủ yếu là giới trẻ. Đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp, trong đó, tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt các thông tin cá nhân của người chơi hoặc sử dụng các thông tin này vào mục đích xấu, tác động xấu đến văn hóa, đạo đức, lối sống của giới trẻ - thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam.

 Hiện nay, nhiều nền tảng cung cấp và phát hành trò chơi điện tử lớn tại Việt Nam như VNG, Appota, Garena, Funtap đều có DN nước ngoài chiếm cổ phần chi phối. Đặc biệt, có đến 87% trò chơi điện tử trên mạng phát hành tại Việt Nam có xuất xứ nước ngoài. Đây thực sự là điều đáng lo ngại nếu như không có các biện pháp quản lý phù hợp và kịp thời.

Ba là, vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), dữ liệu cá nhân đang ngày càng phổ biến. Việc xâm phạm quyền SHTT vẫn tồn tại tràn lan trên các NTXBG. Mặc dù các NTXBG cũng có cơ chế bảo vệ quyền SHTT bằng hệ thống kỹ thuật được sử dụng để xác định tính hợp pháp của nội dung. Việt Nam đã có nhiều quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật khi thu thập thông tin cá nhân và mua, bán dữ liệu cá nhân trái phép, nhưng với các NTXBG, việc xử phạt vẫn còn khá lúng túng, chưa được thực hiện triệt để bởi vì việc này hoàn toàn không đơn giản.

Bốn là, các NTXBG hiện nay đều đang nắm giữ lượng dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu của người sử dụng được thu thập bởi các ông lớn như Google, Facebook... đang gây ra những lo ngại và ảnh hưởng đến lợi ích của người dùng. Điển hình cho các nền tảng số này là nền tảng MXH Facebook (Mỹ) có đến 76 triệu người dùng Việt Nam, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc; nền tảng tìm kiếm trực tuyến và MXH Google (Mỹ); nền tảng YouTube (Mỹ); nền tảng Zalo (Việt Nam, có Alibaba Trung Quốc chiếm 40% cổ phần); nền tảng TikTok (Trung Quốc); nền tảng Instagram (Mỹ); nền tảng Grab (Singapore); nền tảng Gojek (Indonesia); v.v.. 

Trong khi đó với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dữ liệu [3] trở thành nguồn tài nguyên quý của mỗi quốc gia, đóng vai trò quan trọng để chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) cho phép xử lý khối lượng lớn, đa dạng dữ liệu để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau trong kinh tế, xã hội và cả quốc phòng, an ninh, tình báo. 

Dữ liệu và phân tích dữ liệu lớn được đánh giá đóng vai trò định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới. Quốc gia cũng như tổ chức, DN nào nắm giữ được càng nhiều nguồn tài nguyên dữ liệu thì sẽ càng có lợi thế cạnh tranh và quyền lực trong kinh doanh cũng như các lợi thế khác.

Việc để cho các NTXBG thu thập, nắm giữ khối lượng dữ liệu khổng lồ thông qua các hành vi rất “vô tư” của người tiêu dùng Việt Nam, chẳng hạn như thói quen truy cập vào mạng Facebook là điều rất đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi vì quyền lực của chủ thể nắm giữ dữ liệu lớn có thể thuộc về các NTXBG. 

Năm là, các quy định về NTXBG còn phân tán trong nhiều văn bản khác nhau, thiếu văn bản thống nhất quy định cụ thể đối với các nền tảng số, kinh doanh trên nền tảng số. Đến nay vẫn chưa có văn bản Luật nào quy định, điều chỉnh về hoạt động của NTXBG nên việc quản lý còn lúng túng và nhiều hạn chế. Các quy định quản lý, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xây dựng trên các giao dịch trực tiếp, không qua nền tảng, tạo nên những khoảng trống pháp lý. 

Cụ thể như: Thiếu quy định về địa vị pháp lý của nền tảng, trung gian; Chưa quy định về thủ tục, hình thức của giao dịch trên các nền tảng số nói chung và NTXBG nói riêng; Chưa có cơ chế bảo đảm an toàn, tin cậy trong trường hợp có tranh chấp (là các nền tảng số trực tuyến quy mô lớn, có khả năng chi phối thị trường). Mặc dù hiện nay, đã có khung khổ pháp lý điều chỉnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng cũng như các quy định riêng biệt để điều chỉnh một số loại hình dịch vụ trên Internet (ví dụ: mạng xã hội ở Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; website, sàn TMĐT ở Nghị định số 52/20213/NĐ-CP), chúng ta chưa có một quy định ở tầm luật để bao trùm, thống nhất điều chỉnh đối với tất cả các loại hình DN cung cấp dịch vụ trung gian nói chung, DN nền tảng số nói riêng, cũng như các dịch vụ khác được chuyển đổi, cung cấp trên môi trường số (ví dụ: dịch vụ chiếu phim; dịch vụ dạy học trực tuyến...). Điều này đã dẫn tới nhiều khoảng trống pháp lý liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan trong các giao dịch phát sinh trên các nền tảng số nói chung và các NTXBG nói riêng.

Một số giải pháp hoàn thiện để quản lý các NTXBG tại Việt Nam

NTXBG đang là đặc trưng của nền kinh tế theo xu thế công nghệ 4.0. “Khoảng trống” quản lý cần hoàn thiện cũng là những thách thức đau đầu của Chính phủ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, môi trường kinh doanh, pháp lý của mỗi quốc gia mà lời giải đối với bài toán chung có sự khác biệt nhất định. Đối với Việt Nam các giải pháp quản lý đối với các nền tảng xuyên biên giới cần tập trung chủ yếu vào lời giải hoàn thiện hành lang pháp lý, giải pháp hoàn thiện công tác quản lý thuế, tăng cường nhận thức và kỹ năng cho người dùng, giải pháp quản lý và hạn chế các NTXBG nắm giữ dữ liệu lớn. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện khoảng trống pháp lý quy định trách nhiệm của các NTXBG, đặc biệt các nền tảng số nắm giữ nhiều dữ liệu người dùng bằng việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Xét trên quan điểm nền tảng số, NTXBG là phương tiện, là môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử (GDĐT), là trung gian kết nối các bên trong dịch vụ số và giao dịch trực tuyến. Do đó, cần bổ sung vào Luật GDĐT sửa đổi các quy định về nền tảng số, theo đó tập trung vào các chính sách quản lý hệ thống GDĐT, hoạt động GDĐT trên nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến, hạn chế các tác động tiêu cực của các dịch vụ này đến sự phát triển kinh tế, xã hội... 

Hiện nay, Luật GDĐT sửa đổi đang được xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, để quản lý một cách có hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam, Luật GDĐT sửa đổi cần bổ sung quy định về: Nghĩa vụ chung của các nền tảng số, dịch vụ số và hệ thống GDĐT, giao dịch trực tuyến; Nghĩa vụ riêng của các nhà cung cấp nền tảng số, dịch vụ số, GDĐT đặc thù như NTXBG; Nghĩa vụ bổ sung đối với các nền tảng số lớn, trong đó có các NTXBG; Cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát hoạt động nền tảng số, dịch vụ số và hệ thống GDĐT.

Hai là, cần hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với các NTXBG. Theo đó, cần xác định rõ các chủ thể có hoạt động kinh doanh, thương mại liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới để xác định trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế cũng như các trách nhiệm khác có liên quan. Hiện nay, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Đây được coi là công cụ để siết chặt công tác quản lý thuế đối với các NTXBG. Tuy nhiên, thực tế là các văn bản tuy có quy định nhưng chưa có những biện pháp cụ thể, chế tài để thực thi. Do đó, đồng thời với việc xây dựng hoàn thiện các biện pháp thì cần có các cơ chế phối hợp về mặt kỹ thuật và chuyên môn liên ngành giữa các cơ quan quản lý thuộc các bộ, ngành liên quan để triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp quản lý thuế đối với các NTXBG.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, các quy định về thu thập dữ liệu liên quan đến các NTXBG; tăng cường giám sát đối với các NTXBG có thể gây tác động tiêu cực đến ATTT mạng, chủ quyền dữ liệu. Cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước; mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN, có biện pháp cảnh báo các DN không quảng cáo ở những trang web hoặc MXH xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, cần thực hiện rà soát các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện kinh doanh và các điều ước cam kết quốc tế trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, MXH, nội dung số, nền tảng số, TMĐT, trung gian thanh toán, trò chơi trực tuyến,... để xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp về tỷ lệ nắm giữ vốn cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và giám sát các hoạt động tập trung kinh tế có yếu tố nước ngoài trong các DNnắm giữ nhiều dữ liệu Việt Nam của các NTXBG.

Bốn là, cần xây dựng và ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các NTXBG bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật. Điều này là không dễ dàng nhưng là yêu cầu cần thiết bởi lẽ nhiều quy định trong tiêu chuẩn cộng đồng của một số NTXBG không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần nghiên cứu để có thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật giữa nhà quản lý với các NTXBG và đại lý của họ tại Việt Nam để có cơ chế thực thi rõ ràng. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các NTXBG phải cung cấp sự rõ ràng cho người dùng về quy tắc kiểm duyệt của họ và các quyền khiếu nại của người dùng.

Năm là, cần có những quy định rõ ràng về cac hoạt động, đối tượng điều chỉnh liên quan đến chất lượng hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng có các giao dịch mua bán và sử dụng dịch vụ trên các NTXBG cũng như các quy định về quảng cáo trên các NTXBG, trong đó cần quy định nhà quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về quảng cáo sản phẩm, chất lượng của mình đối với người tiêu dùng và có yêu cầu bắt buộc các DN, cá nhân bán hàng trên các NTXBG có hoạt động kê khai hàng hóa, quy cách chất lượng sản phẩm.

Đối với Việt Nam - một quốc gia đang thực sự quyết tâm và triển khai CĐS mạnh mẽ, xây dựng và hoàn thiện chính phủ số, kinh tế số và xã hội số - thì mục tiêu mà các giải pháp quản lý cần hướng tới đó là cần phải tiếp cận, bám sát những vấn đề phát sinh trong hoạt động của các NTXBG như đã đề cập ở các nội dung nói trên. 

Những vấn đề phát sinh cần tập trung giải quyết hướng tới điều chỉnh các hoạt động tính chất gian lận, vi phạm, trái với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế ở nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội và kinh tế. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh phức tạp về công nghệ, kỹ thuật trong môi trường số hiện nay, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, sự khác biệt về trình độ, văn hóa, xã hội. Đây thực sự là thách thức đối với Việt Nam nhưng lại là việc không thể không làm bởi vì bài toán quản lý các NTXBG buộc phải có lời giải cho một Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan” hùng cường và thịnh vượng.

[1]. Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne &Sangeet Paul Choudary, "Cuộc Cách mạng nền tảng", Nxb Công Thương, 2017, tr.116.

[2]. Ayesha Khanna & Parag Khanna, "How should we regulate the sharing economy?", ngày 29/9/2014, xem tại https://www.weforum.org/agenda/2014/09/sharing-economy- regulation-disruption/

[3] Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự. Phần lớn dữ liệu được sinh ra và ghi nhận lại trong quá trình hoạt động của con người, máy móc, thiết bị hoặc sự vận động của tự nhiên.

Tài liệu tham khảo:

1. Parker, Marshall W. Van Alstyne &Sangeet Paul Choudary, "Cuộc Cách mạng nền tảng", NXB Công Thương, 2017

2. Ayesha Khanna & Parag Khanna, "How should we regulate the sharing economy ngày 29/9/2014, https://www.weforum. org/agenda/2014/09/sharing-economy-regulation- disruption/

3. OECD, "An Introduction to Digital Platforms and their Roles in the Digital Transformation", 2019, tr.23, https://read. oecd-ilibrary.org/science-and-technology/an-introduction- to-online-platforms-and-their-role-in-the-digital- transformation_53e5f593-en#page23

4. Regulation (EU) 2019/1150 of the European Parliament and of the Council of 20 June 2019 on Promoting Fairness and Transparency for Business users of online Intermediation Services, 2020.

5. Policies and Initiatives on E-Commerce and Digital Economy for APEC MSMEs' Participation in the Region APEC Electric Commerce Steering Group

6. Weihua Su et al., Creating a Sustainable Policy Framework for Cross-Border E-Commerce in China, researchgate.net, 2018

7. Bộ Tài chính, tài liệu báo cáo QH khóa XV, kỳ họp thứ 4 về quản lý thuế nền tảng xuyên biên giới

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động của các nền tảng số xuyên biên giới - bài toán cần nhiều lời giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO