Ngày 08/6/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án CĐS toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1488/QĐ-UBND. Đề án xác định CĐS là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp (DN) gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vừng chắc quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Đề án cũng lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực tạo ra sự đột phá của sự phát triển; là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Mục tiêu của Đề án là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh; xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số. Đồng thời, bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền số quốc gia; Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số CĐS (DTI) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về CĐS toàn diện cấp tỉnh.
Hiện nay, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác tuyên truyền đã được thực hiện trên các loại hình báo chí và cổng thông tin điện tử, thông tin cơ sở, các nền tảng mạng xã hội. Đáng chú ý, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện tích hợp trang zalo CĐS quốc gia vào trang zalo Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.
Công tác phát triển hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số và đảm bảo an toàn thông tin đang được các sở, ngành tiếp tục triển khai với 5 dự án quan trọng: triển khai chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước; triển khai nền tảng số hóa; kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở; đảm bảo an toàn thông tin.
Việc cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến cũng được thực hiện tích cực với việc cung cấp 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng DVC của tỉnh.
Công tác phát triển kinh tế số, xã hội số cũng được đẩy mạnh thực hiện với việc đưa các sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc; hoàn thành việc xây dựng và phát sóng 25/54 trạm phủ lõm sóng; triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho 43/114 thôn còn lõm cáp quang...
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy nhanh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, Quảng Ninh đã triển khai thí điểm giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ tiểu thương tại các quầy hàng kinh doanh tại chợ Hạ Long 1, chợ Hạ Long 2 theo mô hình chợ 4.0. Viettel Quảng Ninh là đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai CĐS được diễn ra đồng bộ và hiệu quả cao, Viettel Quảng Ninh tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng hình thành nên hệ sinh thái tài chính số.
Cụ thể, toàn bộ các tiểu thương ở hai chợ sẽ chấp nhận thanh toán bằng hình thức số qua Viettel Money như một hình thức thanh toán nhanh và nhiều tiện ích (thanh toán qua số điện thoại, thanh toán QR, chuyển khoản...); thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money (tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường...); thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau. Ban Quản lý chợ sẽ thanh toán số các khoản phí thu tại chợ…
Ông Lê Việt Hà, Phó Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán điện tử đạt 50% theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thanh toán số cần được đi vào từng giao dịch trong cuộc sống thường nhật, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là phục vụ cho các hoạt động thanh toán hàng ngày. Do đó, việc triển khai số hóa thanh toán tại chợ là một trong những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu này một cách bền vững.
Từ tháng 4/2022, thành phố Hạ Long đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025. Theo đó, thành phố phấn đấu có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 20 - 25%/năm; 100% số tiền học phí của cơ sở giáo dục và trường học trên địa bàn được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt…
Trung tâm Hành chính công thành phố Hạ Long đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai trên Cổng DVC quốc gia. Tính đến tháng 7, Trung tâm đã hướng dẫn cho trên 1.400 công dân thực hiện thanh toán nộp thuế, lệ phí trước bạ với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng bằng hình thức thanh toán số, chiếm 84% giao dịch của tỉnh Quảng Ninh trên Cổng DVC quốc gia
Số hóa hồ sơ, nâng cao hiệu cải cách hành chính
Dấu ấn rõ nét nhất về CĐS của Quảng Ninh phải kể đến lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), góp phần thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Từ đầu tháng 6/2022, Quảng Ninh đã đưa vào thử nghiệm nền tảng số hóa và trích xuất dữ liệu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với ngành tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế và TT&TT.
Theo trang quangninh.gov.vn, đến nay, Quảng Ninh đã kết nối chính thức Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với nhiều lĩnh vực và DVC thiết yếu. Đã có 9.327 DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% các đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho đến thời điểm hiện tại. Quảng Ninh là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1.
Việc cung cấp DVC trực tuyến cũng được thực hiện tích cực, tính đến ngày 25/5, tỉnh đã cung cấp 1.712 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính trên Cổng DVC của tỉnh. Hiện Quảng Ninh đã kết nối 1.180 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng DVC quốc gia. Đến giữa tháng 7/2022 đã có 229.000 hồ sơ/325.000 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 70%.
Những bước tiến bền vững
Quảng Ninh đã và đang phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ và tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2021 luôn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, năm 2021 quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt trên 238.000 tỷ đồng
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của Quảng Ninh ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 27.189 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2021; trong đó, thu nội địa đạt 20.740 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 42.310 tỷ đồng, tăng 10,9% cùng kỳ năm ngoái.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác CCHC, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh liên tục được cải thiện. Quảng Ninh giữ vững vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 5 năm liên tiếp (2016 - 2021); 3 năm liên tiếp (2019-2021) đứng thứ nhất toàn quốc Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Năm 2021, tỉnh cũng đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số CCHC (PAR Index)./.