Quảng Ninh: gần 20.000 bài dự thi Đại sứ văn hoá đọc

T.H| 08/06/2020 21:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Vừa qua, tại Quảng Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thông qua cuộc thi nhằm tìm ra những gương mặt tiêu biểu thắp sáng ngọn lửa đam mê đọc sách, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu với sách.

Thu hút gần 20.000 bài dự thi

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động qua hai vòng: Vòng sơ khảo tại các tỉnh, thành trong cả nước và vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội. Các em học sinh tham gia cuộc thi sẽ được lựa chọn các câu hỏi về chia sẻ cuốn sách yêu thích, sáng tác tác phẩm hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện, đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc… Bài dự thi được trình bày một trong hai hình thức viết hoặc quay video clip, bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt - Anh.

Tại Quảng Ninh, sau gần 3 tháng phát động (15/3 - 14/6/2020), cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh tham dự. Ban Tổ chức đã nhận được gần 20.000 bài dự thi/150 trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó có trên 18.000 bài thi viết và trên 100 bài thi dưới hình thức video clip. Một số trường tiêu biểu có số lượng bài dự thi lớn với nhiều bài thi chất lượng như: THCS Trọng Điểm, THCS Trần Quốc Toản, Chuyên Hạ Long (Tp. Hạ Long), THCS Xuân Sơn (Thị xã Đông Triều),…

Các bài dự thi được thể hiện sáng tạo với nhiều hình thức như: Viết tay, vẽ hình minh họa, làm bưu thiếp, xây dựng video… Một trong những điểm nhấn tại cuộc thi là thí sinh đã sáng tác các câu chuyện song ngữ, kết hợp trang trí thủ công xen kẽ trong từng tình tiết của câu chuyện. Qua những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh đã góp phần tạo sự sinh động, hấp dẫn và thể hiện niềm đam mê với sách của các thí sinh tham dự cuộc thi.

Quảng Ninh- tích cực đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 1.

Quảng Ninh- tích cực đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 2.

Hình ảnh một số bài dự thi

Bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng phòng Thông tin thư mục và Phong trào cơ sở, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: Qua đánh giá sơ bộ, rất nhiều bài dự thi có chất lượng tốt, ý tưởng hay, độc đáo ghi lại những cảm nhận sâu sắc của các em học sinh tạo sự xúc động và hiệu ứng mạnh đối với người đọc. Nhiều bài dự thi được các em viết tay với những nét chữ đẹp, tranh minh họa sinh động, bắt mắt, trang trí công phu, chi tiết phù hợp với nội dung.  

"Đọc những bài cảm nhận của các em thí sinh, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng vì thế hệ trẻ hôm nay thật sự không thờ ơ với văn hóa đọc, vẫn đam mê đọc sách. Hy vọng bằng những ý tưởng và giải pháp của mình, các em sẽ tiếp tục truyền lửa và lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến cộng đồng", bà Hiên chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, Giáo viên Trường THCS Trọng Điểm, Tp. Hạ Long cho biết: Cuộc thi được phát động tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, các em học sinh thực hiện học trực tuyến để đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội phòng dịch. 

Tuy nhiên, nhận thấy cuộc thi là một sân chơi bổ ích, thiết thực giúp cho các em học sinh rèn luyện thói quen và lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến với mọi người xung quanh, nhà trường đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích các em làm bài dự thi và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ các em học sinh cũng như phụ huynh. Theo tôi, đó là một tín hiệu rất mừng cho văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay.

Bộc lộ những gương mặt tiềm năng

Kể từ khi phát động, cuộc thi luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ phía các nhà trường, gia đình và các em học sinh. Nhiều bài dự thi đã thể hiện được tài năng, sự tự tin, chững chạc trong lối viết, logic trong tư duy, đưa ra cảm nhận sâu sắc về những cuốn sách.

Em Nguyễn Hoàng Yến, lớp 10A1, Trường THPT Đông Triều xây dựng video giới thiệu về cuốn sách "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế" của Adam Khoo, với cảnh quay đẹp, thuyết minh hay, trình bày sinh động, đưa ra được kế hoạch, biện pháp để thu hút các bạn đọc sách. 

Em chia sẻ: Với em, mỗi cuốn sách đều là một kho tàng tri thức quý báu để tìm hiểu, khám phá. Em duy trì thói quen đọc sách hàng ngày và mong muốn chia sẻ những cuốn sách hay đến mọi người. Qua bài thi, em muốn truyền tải những ý nghĩa tốt đẹp của cuốn sách: "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế" để ai cũng nỗ lực tìm được những đam mê và khơi dậy khả năng còn tiềm ẩn của bản thân để đạt được thành công trong cuộc sống.

Quảng Ninh- tích cực đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 3.

Các em học sinh Trường THPT Đông Triều đọc cuốn sách "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế" tại lớp học

Em Trần  Phương  Duy, lớp 11A8, Trường THPT Cẩm Phả với bài dự thi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt được minh họa bằng tranh đầy ấn tượng. Yêu thích đọc sách, ham học và khéo tay, tự hào về gia đình có truyền thống yêu đọc sách, em đã gửi niềm yêu thích, tâm huyết ấy vào bài dự thi của mình. Hay em Trần Mai Linh, lớp 7A5, Trường THCS Trọng Điểm, không những viết cảm nhận rất hay và xúc động mà còn tự minh họa cho tác phẩm dự thi của mình như một họa sỹ thực thụ.

Ngoài việc giới thiệu về cuốn sách mà mình yêu thích nhất, sáng tác tác phẩm hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện, các thí sinh tham dự cuộc thi còn trả lời câu hỏi "Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, em có kế hoạch gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn?". Ban Tổ chức đã rất bất ngờ với nhiều ý tưởng thú vị, sáng tạo của các em học sinh. Có những ý tưởng tuy chưa thực sự khả thi nhưng thể hiện nhận thức sâu sắc của các em học sinh về vai trò của việc đọc sách và mong muốn được làm những điều có ích cho xã hội và đóng góp cho sự phát triển của văn hóa đọc.

Các em không chỉ ý thức việc đọc sách của bản thân mà còn biết quan tâm đến những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có cơ hội được tiếp cận nhiều với sách vở. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc rất nhiều thí sinh có ý tưởng tương đồng như xây dựng những thư viện lưu động, chương trình quyên góp, trao đổi sách, những dự án kết nối cộng đồng người đọc sách…

Em Đinh Thanh Hương, Trường THCS Thị trấn Đầm Hà đã có nhiều ý tưởng để thực hiện nhiệm vụ "Đại sứ Văn hóa đọc" của mình, trong đó có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ những người yêu sách; tổ chức các buổi giao lưu giới thiệu sách trong lớp, trong trường để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn; lập "Tủ sách sẻ chia" để các bạn trong trường, trong khu dân cư... cùng quyên tặng, trao đổi, đọc sách trong dịp hè, sau đó mang tặng lại các bạn có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Có thể nói, cuộc thi đã phần nào khẳng định sự quan tâm của các em học sinh với văn hóa đọc, vai trò của sách trong xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, khẳng định vai trò của nhà trường, gia đình đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện thói quen đọc sách; tiếp tục khuyến khích và kết nối sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc tổ chức hoạt động khuyến đọc trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, vòng sơ khảo cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc năm 2020" tại Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn tổng hợp và chấm bài dự thi. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào cuối tháng 6/2020. Các bài thi xuất sắc sẽ tham gia Vòng Chung kết do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội từ 20/7 đến đầu tháng 9/2020.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: gần 20.000 bài dự thi Đại sứ văn hoá đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO