Make in Viet Nam

Xây dựng mạng blockchain "Make in Viet Nam": Bước chiến lược làm chủ hạ tầng số quốc gia

Anh Minh 06/05/2025 14:31

Không chỉ là một công nghệ, mạng Blockchain “Make in Việt Nam” sẽ là hạ tầng số phi tập trung cho dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và các ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán cho kinh tế số Việt Nam.

Ngày 6/5/2025, Công ty 1Matrix, thành viên Hệ sinh thái Techcombank - One Mount Group - Masterise Group - Techcom Securities, hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), chính thức ra mắt trước đông đảo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng trong, ngoài nước.

Mạng Blockchain “Make in Việt Nam” và sứ mệnh làm chủ công nghệ hạ tầng chiến lược

1Matrix có sứ mệnh xây dựng mạng Blockchain Layer 1 “Make in Viet Nam” như lời cam kết tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm góp phần đưa Việt Nam làm chủ công nghệ Blockchain, tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên công nghệ số.

“Việc làm chủ hoàn toàn về công nghệ và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực blockchain không chỉ giúp Việt Nam chủ động ứng dụng công nghệ vào tiến trình phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tương lai số mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty 1Matrix, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh tại Lễ ra mắt.

Theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH,CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, chuỗi khối (blockchain) được xác định là một trong những công nghệ chiến lược và việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên trọng tâm.

Còn tại Chiến lược Blockchain Quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024, mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain.

Trong chiến lược này, VB) được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN) phát triển các nền tảng chuỗi khối “Make in Viet Nam” xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam và tập hợp các DN công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các DN nước ngoài.

trung-tuong-dang-vu-son-phat-bieu-khai-mac.jpg
Trung tướng Đặng Vũ Sơn phát biểu khai mạc sự kiện

Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh để Việt Nam thực sự ghi danh trên bản đồ công nghệ số toàn cầu, sẽ cần nhiều hơn những con người đổi mới sáng tạo, cần những DN dám nghĩ lớn, làm thật như 1Matrix, cần một hệ sinh thái công nghệ có chiều sâu, có bản sắc.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, sự kết nối chặt chẽ của cộng đồng DN, các viện nghiên cứu và trường đại học, đặc biệt là sự lan tỏa từ các sáng kiến như VietChain Talents, chúng ta sẽ từng bước xây dựng một hệ sinh thái blockchain vững mạnh, một hạ tầng số an toàn, minh bạch, góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì một Việt Nam tự cường trong kỷ nguyên số”, Trung tướng Đặng Vũ Sơn nói.

Trong vai trò kiến trúc sư trưởng Mạng Blockchain “Make in Viet Nam”, ông Trung cho biết không chỉ là một công nghệ, mạng Blockchain “Make in Viet Nam” sẽ là hạ tầng số phi tập trung cho dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và các ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán DLT (Distributed Ledger Technology) cho kinh tế số Việt Nam.

“Chúng tôi đặt mục tiêu kiến tạo nền móng công nghệ gốc - công nghệ lõi - từ các thuật toán đồng thuận, cơ chế dữ liệu, bảo mật mạng lưới, cho tới trải nghiệm người dùng dựa trên kế thừa các công nghệ blockchain đã đi trước. Đây sẽ là mạng dịch vụ blockchain đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn kết nối liên thông quốc tế”, ông Phan Đức Trung chia sẻ.

Xây dựng hạ tầng blockchain quốc gia: Khởi đầu từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu, phát triển và vận hành mạng Blockchain Make in Việt Nam, công ty 1Matrix cũng là đơn vị cung cấp giải pháp blockchain toàn diện cho cho DN và tổ chức dịch vụ công - tư; đồng thời, góp phần xây dựng hệ sinh thái và mạng lưới blockchain quốc gia, thúc đẩy CĐS và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các lĩnh vực công nghệ mới.

blockchain.jpg
Bên cạnh nghiên cứu, phát triển và vận hành mạng Blockchain Make in Việt Nam, 1Matrix cũng góp phần xây dựng hệ sinh thái và mạng lưới blockchain quốc gia

Nhằm thực hiện các mục tiêu này, 1Matrix xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, không chỉ đối với riêng sự phát triển của công ty mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành blockchain Việt Nam. Vì vậy, cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam: VietChain Talents 2025” đã được ra đời, nhằm phát hiện, bồi dưỡng và từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ blockchain nước nhà.

Từ khởi nguồn ý tưởng ban đầu, cuộc thi đã được Ban Cơ yếu Chính phủ và VBA bảo trợ về chuyên môn và chỉ sau một thời gian ngắn công bố đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ hơn 50 đơn vị, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, các trường đại học uy tín, các cơ quan báo chính thống trên cả nước.

Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ (đơn vị Đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi), thành viên Hội đồng Giám khảo, nhấn mạnh cam kết đồng hành cùng các tài năng không chỉ trong cuộc thi này mà cả trong hành trình dài hạn, thông qua đào tạo và các hình thức hỗ trợ thu hút và trọng dụng nhân tài. “Tài năng trẻ là nền tảng của quốc gia số. Chúng tôi tin rằng thông qua cuộc thi VietChain Talents 2025, một thế hệ kỹ sư blockchain người Việt sẽ trưởng thành, dám nghĩ, dám làm và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế”.

VietChain Talents 2025 có tổng giải thưởng lên tới 3,5 tỷ đồng tiền mặt, tập trung vào 4 chủ đề. Trong đó, Giải nhất chủ đề Blockchain Layer 1 có giá trị 1 tỷ đồng. Giải Nhất của 3 chủ đề còn lại: (1) Sàn giao dịch tập trung và phi tập trung, (2) Truy vết blockchain, (3) Cầu nối blockchain có trị giá 500 triệu đồng/giải.

Đặc biệt, các trường đại học, tổ chức giáo dục có cơ hội nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng/trường khi cử các đội thi và đạt giải Nhất ở bất kỳ chủ đề nào.

Các thí sinh tham dự được đánh giá, bầu chọn bởi Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Chuyên môn uy tín đến từ nhiều cơ quan, đơn vị đầu ngành như Ban Cơ yếu Chính phủ, VBA, Công ty 1Matrix, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Viện Khoa học Kỹ thuật Mật mã và nhiều tập đoàn lớn như Boston Consulting Group (BCG), Công ty CP Công nghệ Sotatek, Tập đoàn Công nghệ CMC, Viettel Security, AlphaTrue, Tether, Verichains, Nami Foundation, Holdstation, Onus, OKX... giúp đảm bảo tính chuyên môn, chất lượng, sự công bằng, minh bạch của cuộc thi.

Các giải pháp tham dự sẽ được đánh giá trên nhiều yếu tố, bao gồm mức độ tự đánh giá của các nhóm dự thi và cam kết gắn bó thúc đẩy giải pháp trong tương lai.

Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam: VietChain Talents 2025 chính thức khởi động từ ngày 6/5/2025 và đóng cổng nhận bài dự thi vào ngày 20/6/2025. Đăng ký tham dự tại website https://Vietchain.1matrix.com - hoặc qua email: info@1matrix.com./.

Bài liên quan
  • Thái Nguyên hướng tới trung tâm ứng dụng blockchain của quốc gia
    Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng, Thái Nguyên đang hướng tới việc xây dựng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo với những lĩnh vực như nghệ thuật số, tài sản số... Do đó, blockchain sẽ được sử dụng như một công cụ mới để giải quyết những vấn đề mà trước đây chưa làm được.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mạng blockchain "Make in Viet Nam": Bước chiến lược làm chủ hạ tầng số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO