COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hệ thống tài chính các quốc gia nhưng mặt khác đại dịch cũng tạo ra động lực thúc đẩy xu hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Các quá trình số hóa, chuyển đổi số (CĐS) nói chung và việc áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực cụ thể đã làm thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của các cơ quan quản lý, giám sát, các ngân hàng Trung ương và các tổ chức tài chính.
Xu thế CĐS cũng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý cũng như tuân thủ các quy định. Và RegTech chính là giải pháp giúp tối ưu hóa các quy trình này.
Vai trò của RegTech đối với ngành tài chính
RegTech (Regulatory Technology) là các công nghệ được sử dụng để giúp các tổ chức tài chính tối ưu hóa quy trình tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý, bao gồm chuẩn bị báo cáo cần thiết, tăng tốc độ và độ tin cậy của các quy trình, thủ tục nhận dạng khách hàng, nâng cao chất lượng phân tích giao dịch, cũng như đảm bảo quyền kiểm soát mức độ rủi ro và phòng, chống các mối đe dọa an ninh mạng.
Sự gia tăng các sản phẩm số đã làm gia tăng các vụ vi phạm dữ liệu, tấn công mạng, rửa tiền và các hoạt động gian lận khác. Và RegTech sẽ giúp giải quyết những thách thức phát sinh từ nền kinh tế dựa trên công nghệ thông qua tự động hóa.
Với việc sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ học máy, RegTech giảm rủi ro cho bộ phận tuân thủ pháp lý của công ty bằng cách cung cấp dữ liệu về các hoạt động rửa tiền được thực hiện trực tuyến - các hoạt động mà nhóm tuân thủ truyền thống có thể không được biết do sự gia tăng của các thị trường ngầm trực tuyến.
Các công cụ RegTech có thể giám sát các giao dịch diễn ra trực tuyến trong thời gian thực để xác định vấn đề hoặc bất thường trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Bất kì ngoại lệ nào cũng được chuyển đến các định chế tài chính để phân tích và xác định xem hoạt động gian lận có đang diễn ra.
Qua đó, các tổ chức xác định sớm được các mối đe dọa đối với an ninh tài chính giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí liên quan đến các khoản tiền bị mất và lỗ hổng dữ liệu.
Bên cạnh đó, RegTech có thể nhanh chóng phân tách và tổ chức các tập dữ liệu lộn xộn và đan xen thông qua các công nghệ trích xuất và chuyển tải. Regtech cũng có thể được sử dụng để tạo báo cáo một cách nhanh chóng. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng cho các mục đích tích hợp để có được các giải pháp chạy trong một khoảng thời gian ngắn. Cuối cùng, RegTech sử dụng các công cụ phân tích để khai thác các tập dữ liệu lớn và sử dụng chúng cho các mục đích khác nhau.
Một ví dụ cụ thể của RegTech là khi một ngân hàng nhận được lượng dữ liệu khổng lồ từ cả phía khách hàng và phía quản lý. Nguồn dữ liệu này có thể quá phức tạp, tốn kém và mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Ngân hàng bằng cách kết hợp với một công ty RegTech hoặc một dịch vụ về RegTech sẽ cùng tìm ra cách giải quyết thông tin phức tạp này. Thông qua CNTT và trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu sẽ được xử lý hiệu quả, dự đoán các khu vực tiềm năng hoặc rủi ro mà ngân hàng nên tập trung.
RegTech hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của không gian tài chính và quy định pháp lý. Các lĩnh vực áp dụng công nghệ RegTech phổ biến là: Kiểm tra sự tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý hoặc kiểm soát tuân thủ; Nhận dạng khách hàng; Giám sát giao dịch; Bảo mật thông tin, kiểm toán hệ thống; Quản trị công ty; Quản trị rủi ro; Báo cáo…
Tiềm năng phát triển và những rủi ro
Trước đại dịch, bối cảnh công nghệ RegTech của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được coi là triển vọng nhất trên toàn cầu. Trên thực tế, báo cáo của ReportLinker dự báo thị trường RegTech toàn cầu sẽ tăng từ 6,3 tỷ USD vào năm 2020 lên 16,0 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm là 20,3%.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn này do áp dụng ngày càng nhiều công nghệ mới, đầu tư nhiều cho CĐS, sự mở rộng nhanh chóng của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển rộng rãi của cơ sở hạ tầng và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), sự tăng trưởng dự kiến của lĩnh vực này song song với bối cảnh Fintech đang bùng nổ trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi chứng kiến các khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào năm 2019.
Ở các nền kinh tế phát triển như Hồng Kông, Singapore, Sydney và Tokyo, sự hấp dẫn của RegTech được thúc đẩy bởi một hệ sinh thái tài chính, và môi trường pháp lý phức tạp. Nhu cầu về quản trị và trách nhiệm giải trình, sự xuất hiện của những người tham gia thị trường mới và những lo ngại về an ninh phát sinh từ các công nghệ đột phá như AI và công nghệ sổ cái phân tán tạo động lực quy định cho việc áp dụng RegTech.
Điều này trái ngược với các nền kinh tế đang phát triển, nơi việc ứng dụng RegTech phụ thuộc vào khả năng thực tiễn của các tổ chức tín dụng, trong khi các cơ quan quản lý lại có nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển được dự báo có thể trưởng thành nhanh trong thời gian tới.
Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã buộc lĩnh vực dịch vụ tài chính coi việc số hóa là một điều cần thiết và phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng với tình hình mới. Điều này đã trở thành giải pháp tối ưu để các tổ chức cải thiện dịch vụ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh doanh và người tiêu dùng đang thay đổi. Nhu cầu về các giải pháp RegTech cũng mở rộng ra ngoài các dịch vụ tài chính, đó là lý do tại sao lĩnh vực này đang có xu hướng phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh tiềm năng phát triển mạnh mẽ thì việc ứng dụng Regtech trong lĩnh vực tài chính cũng cón những thách thức và rủi ro nhất định.
Phát biểu tại Tọa đàm khoa học "Kinh nghiệm triển khai RegTech, SupTech và các khuyến nghị đối với Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp cùng Enterprise Ireland (EI) - cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư thuộc Bộ Doanh nghiệp, Thương mại và Đổi mới Ireland đồng tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, dù các lợi ích và cơ hội của RegTech là đáng để quan tâm và theo đuổi nhưng vẫn cần nhận thức rằng, những rủi ro và thách thức có thể phát sinh từ việc áp dụng các công nghệ này cũng tồn tại song hành.
Đó có thể là các rủi ro dễ dàng nhận diện như rủi ro không gian mạng, rủi ro liên quan đến việc sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, nhà cung cấp công nghệ mới và thuê ngoài; hay thách thức xung quanh kỹ năng và nguồn cung ứng, chất lượng dữ liệu, việc tích hợp, quản trị và giải trình trách nhiệm đối với việc sử dụng các công cụ RegTech; thiếu hụt nguồn nhân lực; hạn chế trong kiến thức công nghệ; rủi ro trong ứng dụng AI; ứng dụng các mô hình phân tích, dự báo với kết quả không rõ nguyên nhân…
Đặc biệt, việc phụ thuộc quá mức vào các giải pháp RegTech có thể làm giảm khả năng phán đoán của con người.
Khuyến nghị về việc ứng dụng Regtech tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Regtech chưa thực sự phổ biến, nhưng nó đã đươc triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, thông qua việc ứng dụng CĐS trong các hoạt động quản lý, giám sát và tuân thủ về lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, để RegTech thực sự phát triển đúng nghĩa, có tổ chức, có hệ thống, báo cáo Fintech và Ngân hàng số do MB Bank phát hành đã đưa ra khuyến nghị các ngân hàng, công ty Fintech và các cơ quan quản lý giám sát cần có sự kết nối và việc này đòi hỏi phải có sự triển khai nghiêm túc, bài bản.
Theo đó, RegTech cần được nhận diện đúng và đầy đủ, tránh đồng nhất với việc CĐS trong giám sát và quản lý. Việc nhìn nhận một cách nghiêm túc về tính hiệu quả, khả năng ứng dụng cũng như những khó khăn khi sử dụng RegTech sẽ giúp cho các bên tham gia có kế hoạch triển khai phù hợp.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng RegTech cần triển khai ngay trước mắt ở phạm vi thử nghiệm với các ứng dụng tiện ích phù hợp với điều kiện Việt Nam như quản lý dữ liệu lớn (Big data), các tiện ích báo cáo kiểm tra, kết hợp với phòng, chống tội phạm tài chính. Việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư về nguồn lực phù hợp, tương xứng vì công nghệ là đòn bẩy tốt cho Việt Nam theo kịp các thị trường tài chính lớn trên thế giới.
Đặc biệt, Chính phủ, NHNN và các cơ quan giám sát ngân hàng phải cân bằng giữa sự an toàn, ổn định tài chính, tuân thủ pháp luật của hệ thống ngân hàng nhưng không được vô tình gây cản trở cho các sáng tạo trong ngành tài chính.
Các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan giám sát cần định vị lại vai trò của mình như là người kiến tạo nên một ngành công nghiệp tài chính mới lớn mạnh và bền vững, trong môi trường khuyến khích sáng tạo, từ đó giúp cho việc thực hiện các mục tiêu chính sách được thuận lợi hơn./.