Chuyển động ICT

Sắp phát hành tem họa sỹ Nguyễn Sáng, nhạc sỹ Văn Cao, ruộng bậc thang

Hoàng Linh 01/07/2023 08:30

Bộ TT&TT dự kiến phát hành 2 bộ tem kỷ niệm và 2 bộ tem chuyên đề trong 6 tháng cuối năm 2023.

Ngày 30/6/2023, Hội đồng tem Bưu chính quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì đã có phiên họp cho ý kiến về thiết kế của các bộ tem sẽ phát hành trong 6 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

tem-30062023_1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch Hội đồng tem bưu chính quốc gia đã chủ trì phiên họp. Tham dự phiên có các thành viên Hội đồng có đại diện các đơn vị trong và ngoài ngành TT&TT.

Hai bộ tem kỷ niệm về hoạ sỹ Nguyễn Sáng, nhạc sỹ Văn Cao

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2023, hai bộ tem kỷ niệm sẽ được phát hành. Đầu tiên là bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-2023)”, gồm 01 mẫu, phát hành tháng 8/2023.

Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 01/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1938 ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8/1945 ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa hiện đại Việt Nam.

Về đề tài chiến tranh, ông có tác phẩm: “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ”, “Hành quân đêm mưa”, “Bộ đội nghỉ trưa trên đồi”, “Thanh niên thành đồng”. Về thể loại tranh chân dung, ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Tư hoạ và Không gian. Ông là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm của nhân vật. Ngoài ra, ông còn vẽ theo nhiều đề tài khác nhau, như phụ nữ và hoa (thiếu nữ bên hoa sen), cảnh đẹp vừa cổ kính vừa lộng lẫy của chùa chiền (Tháp Phổ Minh), cảnh núi rừng thâm u mà hùng vĩ (Pác Bó), cảnh nông thôn bình dị, hiền hòa (thiếu nữ trong vườn chuối), cảnh ghi lại những trò chơi dân gian (Chọi trâu, Đấu vật) v.v…

Họa sĩ Nguyễn Sáng là người thiết kế con tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đánh giá về những mẫu tem do Nguyễn Sáng thiết kế, họa sĩ Phan Kế An, Trưởng bộ môn Đồ họa - Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, người chuyên vẽ Bác Hồ đã viết: Nguyễn Sáng khi sáng tác hội họa là một tác giả có bút pháp phóng khoáng, có thể nói là tung hoành nữa, nhưng khi vẽ tem, vẽ giấy bạc lại là một nhà đồ họa vững vàng, tỉ mỉ, chính xác, biết tìm những biện pháp tối ưu, thích hợp với kỹ thuật thô sơ của thủa sơ khai... Con tem đầu tay của anh vẽ chân dung "Cụ Hồ" là con tem chững chạc, vẽ với tinh thần trách nhiệm cao, với tình cảm sâu đậm, hình ảnh Bác được mô tả đúng tinh thần, toàn thể con tem trang trọng.

Họa sĩ Nguyễn Sáng mất ngày 16/12/1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse - Pháp. Ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 1 vào năm 1996.

Tiếp theo là bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sỹ Văn Cao (1923-2023)”, gồm 01 mẫu tem, phát hành tháng 11/2023.

Nhạc sĩ Văn Cao, tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại Hải Phòng. Từ năm 1943, ông tham gia hoạt động Việt Minh, trong đội trừ gian. Thời gian này, ông sáng tác nhiều ca khúc yêu nước, nổi tiếng như “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Tiếng rừng”… làm phóng viên viết báo, làm thơ, vẽ tranh...

Nhạc phẩm “Tiến quân ca” do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cùng những kỷ niệm khó quên của tác giả. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946, tại Điều 3, ghi rõ: Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

tem-30062023_3.jpg
Các thành viên Hội đồng tem Bưu chính quốc gia cho ý kiến về thiết kế dự kiến của các mẫu tem

2 bộ tem chuyên đề về ruộng bậc thang và cây gỗ quý

Hai bộ tem chuyên đề được dự kiến phát hành cuối năm 2023 gồm ruộng bậc thang và cây gỗ quý.

Bộ tem "Ruộng bậc thang" được dự kiến phát hành vào tháng 9/2023, gồm 04 mẫu tem và 01 blốc.

Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo. Những thửa ruộng trải dài như những cung đàn, nốt nhạc, đan khắp các sườn núi.

Tại Việt Nam, hệ thống ruộng bậc thang là phương thức sản xuất của rất nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc, những thửa ruộng cứ chồng lấn lên nhau từ lớp này đến lớp khác giống như những bậc thang. Mùa đổ nước, ruộng bậc thang lấp loáng như mặt gương soi cả mây trời xanh ngắt; Mùa lúa mới, ruộng bậc thang lại “khoác áo” xanh mướt, đẹp và bình yên; Đến mùa lúa chín, ruộng bậc thang vàng rực những sườn đồi, đẹp trù phú và thơ mộng.

Tại Việt Nam có 07 địa danh có ruộng bậc thang, gồm: (1) Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải (Yên Bái); (2) Ruộng Bậc Thang Sapa (Lào Cai); (3) Ruộng Bậc Thang Hoàng Su Phì (Hà Giang); (4) Ruộng Bậc Thang Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang); (5) Ruộng bậc thang của người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát, Lào Cai); (6) Ruộng bậc thang Pù Luông (Thanh Hóa); (7) Ruộng bậc thang Quang Bình (Hà Giang)

Trong đó, 02 khu vực có ruộng bậc thang với diện tích lớn, thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan và được đánh giá là những ruộng bậc thang đẹp nhất, gồm: Ruộng Bậc Thang Sapa - Lào Cai và Ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải - Yên Bái.

Bộ tem thứ hai là bộ tem “Cây gỗ quý”, gồm 03 mẫu tem dự kiến được Bộ TT&TT phát hành tháng 10/2023 để góp phần tuyên truyền về công tác bảo tồn đa dạng sinh thái Việt Nam.

Mất rừng, suy thoái rừng là một trong những nguyên nhân làm giảm giá trị đa dạng sinh học, và cũng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài bao gồm cả các loài cây gỗ.

Để thực hiện công tác thiết kế mẫu tem, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã làm việc với các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về tư liệu 05 loài gỗ quý thuộc ngành thông (ngành hạt trần - thân to, gỗ tốt và thơm) có giá trị đặc biệt, đang trong tình trạng nguy cấp, trong đó có 04 loài được giới thiệu trong sách đỏ (2007), gồm: (1) Bách tán đài loan (tên tiếng Việt phổ thông;(2) Thông nước (tên tiếng Việt phổ thông; (3) Vân sam phan xi păng (tên tiếng Việt phổ thông; (4) Thông đỏ nam (tên tiếng Việt phổ thông).

tem-30062023_2.jpg
Hội đồng Tư vấn tem quốc gia đã thống nhất chọn những mẫu tem tốt nhất và những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung để các họa sĩ hoàn thiện các mẫu tem được dự kiến phát hành.

06 bộ tem bưu chính dự kiến sẽ được phát hành vào đầu năm 2024

Theo kế hoạch phát hành, tại phiên họp Hội đồng lần này, các thành viên Hội đồng cũng cho ý kiến góp ý cho các thiết kế của các bộ tem cho 6 tháng đầu năm 2024, gồm các bộ tem “Kỷ niệm 1100 năm sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924-979)”, gồm 01 mẫu, phát hành tháng 3/2024; “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024)”, gồm 01 mẫu tem, phát hành tháng 5/2024.

Vị thế của kênh Vĩnh Tế trong quốc phòng giữ vai trò chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố chủ yếu góp nên “Đất nước của ngàn chiến công”.

Bộ tem thứ ba trong chuỗi bộ “Tem Tình yêu”, gồm 01 mẫu tem, phát hành tháng 2/2024 với ý tưởng thiết kế về giai đoạn "Tình yêu vĩnh cửu", tiếp nối ý tưởng thể hiện các cung bậc của tình yêu của bộ 1 (năm 2020) giai đoạn "Tình Yêu mới chớm- mối tình đầu" và bộ 2 (năm 2023) giai đoạn “Hạnh Phúc- Kết nối yêu thương”.

“Hà Nội 12 mùa hoa” là bộ tem chuyên đề tiếp theo dự kiến được phát hành tháng 3/2024, gồm 03 mẫu tem và 01 blốc.

Bộ tem được lấy ý tưởng từ ca khúc “Hà Nội 12 mùa hoa”, nói về sự chuyển giao bốn mùa của Hà Nội, mỗi mùa sẽ có sự chuyển biến về thời tiết một cách tinh tế và nhẹ nhàng được thể hiện qua 12 loài hoa ứng với 12 tháng trong năm.

Tổng công ty sẽ thể hiện 12 loài hoa được chia thành 04 bộ tem (biểu tượng của 4 mùa), mỗi bộ gồm 03 mẫu tem và 01 blốc. Thiên nhiên, cảnh sắc của Hà Nội hiện lên một cách sống động qua những con tem, tạo nên một bức tranh uyển chuyển với nét truyền thống và hiện đại đan xen.

Nhằm giới thiệu về vẻ đẹp cũng như các giá trị kinh tế của các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp của Việt Nam, Tổng công ty BĐVN đã xây dựng phương án, đề xuất Bộ T&TT phát hành chuỗi tem về chủ đề này. Năm 2022, Bộ TT&TT đã phát hành bộ tem “Cây cà phê”, năm 2024 sẽ phát hành “Cây chè” gồm 2 mẫu tem và 1 blốc, dự kiến vào ngày 21/5/2024.

Bộ TT&TT cũng sẽ phát hành bộ tem “Truyện cổ tích: Cây tre trăm đốt”, gồm 04 mẫu tem và 01 blốc, phát hành tháng 6/2024, nhằm truyền tảicâu chuyện cổ tích phổ biến nhất của Việt Nam, chứa đựng nhiều bài học hay, người tốt, lương thiện sẽ luôn được giúp đỡ vào những lúc khó khăn và luôn nhận được sự đền đáp xứng đáng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Sắp phát hành tem họa sỹ Nguyễn Sáng, nhạc sỹ Văn Cao, ruộng bậc thang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO