Giải quyết thông tin phản ánh trực tuyến của người dân nhanh chóng, kịp thời
Ứng dụng Smart Quảng Ninh được tỉnh Quảng Ninh đưa vào vận hành từ tháng 8/2019, là 1 trong 5 chức năng thành phần của Trung tâm điều hành Thành phố thông minh (TPTM) tỉnh Quảng Ninh, để nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, phục vụ người dân.
Thông qua ứng dụng Smart Quảng Ninh, người dân có thể tiếp cận các thông báo từ chính quyền và một số các tiện ích cơ bản khác như: Giao thông, y tế, giáo dục… trong đó có chức năng "Ý kiến người dân", giúp tiếp nhận ý kiến, phản ánh hiện trường của người dân trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo Trung tâm thông tin, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân đã được triển khai đến 64 đầu mối bao gồm các đơn vị Sở/ban/ngành, và 13 UBND cấp huyện/thị xã/thành phố. Riêng UBND thành phố Hạ Long, UBND thành phố Móng Cái đã triển khai đầu mối tiếp nhận đến cấp xã, phường và Sở Giao thông Vận tải triển khai hệ thống đến cấp phòng.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động, đến nay Smart Quảng Ninh đã tiếp nhận 646 ý kiến phản ánh hiện trường của người dân trên toàn tỉnh (Số liệu cập nhật tính đến ngày 13/8/2021). Các ý kiến công dân phản ánh đều được Trung tâm điều hành TPTM của tỉnh tiếp nhận 24/24h.
Các lĩnh vực được người dân, tổ chức quan tâm phản ánh nhiều đó là điện, nước, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị, môi trường. Trong đó, thành phố Hạ Long là đơn vị hành chính tiếp nhận được nhiều phản ánh nhất với 450 phản ánh.
Theo một số người dân, trước đây, mỗi lần có kiến nghị gì thì chỉ có cách viết đơn rồi gửi qua bưu điện hoặc đến trực tiếp phòng tiếp dân của các cơ quan chức năng. "Việc này không chỉ mất thời gian, công sức bởi phải ngồi soạn đơn, ra bưu điện gửi, mà các cơ quan chức năng có xử lý hay xử lý chậm thì người dân cũng không thể giám sát được", một người dân cho biết.
Với Smart Quảng Ninh, người dân dễ dàng đăng nội dung ý kiến, ảnh, video clip để gửi cơ quan chức năng, đồng thời có các phần để theo dõi, giám sát tiến trình xử lý… Nhiều ý kiến, kiến nghị đã nhanh chóng được kiểm tra, giải quyết, giúp đem lại niềm tin của người dân về hiệu quả của kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến – Smart Quảng Ninh
Ứng dụng Smart Quảng Ninh là kênh giao tiếp với người dân thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp người dân phản ánh các vấn đề bất cập đến chính quyền thay vì viết văn bản theo cách truyền thống. Việc xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng và công tác thực hiện được tỉnh Quảng Ninh tổ chức rất bài bản.
Bên cạnh đó là việc ban hành quy chế tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh hiện trường, trong đó quy định cụ thể về quy trình, nhiệm vụ và thời hạn xử lý các phản ánh của người dân. Ý kiến phản ánh của người dân được Tổ vận hành tiếp nhận đảm bảo an toàn thông tin và chuyển cho các đầu mối đơn vị hữu quan có trách nhiệm xử lý, đảm bảo tiến độ và thời gian được quy định tại quy chế. 100% quy trình tiếp nhận, chuyển cho các đơn vị liên quan để xử lý ý kiến phản ánh hiện trường đều được thực hiện trên phần mềm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai hệ thống còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã thực hiện truyền thông về ứng dụng Smart Quảng Ninh, nhưng số lượng người dân biết đến ứng dụng và sử dụng chưa nhiều. Hiện tại số lượng tải ứng dụng mới đạt trên 44.000 lượt cài đặt, số lượng câu hỏi còn hạn chế.
Nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa thông tin
Để đảm bảo các kiến nghị của người dân được giải quyết nhanh chóng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 13/3/2020 về quy chế vận hành thí điểm hệ thống phản ánh hiện trường. Theo đó, trong vòng 1 ngày sau khi nhận được phản ánh, thông tin phản ánh hiện trường sẽ được chuyển cho các cơ quan chuyên môn liên quan để xử lý, tối đa không quá 5 ngày làm việc.
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan xử lý và cá nhân, tổ chức gửi phản ánh có quyền đánh giá kết quả xử lý của cơ quan nhà nước với 5 tiêu chí: Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không bình thường.
Đến nay, Smart Quảng Ninh đã và đang phát huy hiệu quả, từng bước trở thành kênh thông tin chính thống mà người dân trong tỉnh có thể gửi ý kiến, phản ánh hiện trường và theo dõi giải đáp. Ứng dụng tiện ích, thông minh này là cách giảm các thủ tục hành chính liên quan đến kiến nghị, phản ánh. Đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân, nâng cao sự tương tác giữa người dân và chính quyền, đi đến hiệu quả phục vụ người dân trong các vấn đề chính sách công của tỉnh Quảng Ninh.
Việc triển khai hệ thống đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính quyền công khai, minh bạch, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp (DN). Cụ thể, về phía người dân và DN, hệ thống giúp phản ánh mọi vấn đề bất cập trên địa bàn nhanh chóng, kịp thời. Cùng với đó, còn giúp người dân và DN tiếp cận thông tin từ chính quyền một cách chính thống, chuẩn xác, đồng thời có thể giám sát các cấp chính quyền giải quyết các bất cập; giám sát việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, kế hoạch đã vạch ra. Về phía chính quyền, hệ thống giúp chính quyền nắm bắt, tiếp nhận và giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Hiện nay ứng dụng Smart Quảng Ninh vẫn là kênh tương tác giữa người dân và chính quyền hoạt động tương đối hiệu quả. Thông qua các ý kiến, phản ánh hiện trường đã giúp người dân trong toàn tỉnh phản ánh kịp thời những vấn đề còn tồn tại giúp các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo đơn vị sở, ngành, địa phương nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề còn bất cập trên địa bàn tỉnh; qua đó xây dựng chính quyền công khai, minh bạch, phục vụ lợi ích của người dân và DN.
Năm 2020 tỉnh Quảng Ninh vinh dự được đón nhận những kết quả nổi bật khi lần đầu tiên cả 4 Chỉ số (PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI) của tỉnh đều đứng vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) 4 năm (2017-2020) liên tiếp giữ ngôi vị quán quân; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) liên tiếp dẫn đầu vị trí xếp hạng trong 2 năm 2019 và 2020; lần đầu tiên Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng./.