Sôi động hoạt động mua bán bản quyền

28/04/2020 15:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020, đúng tròn 15 năm Việt Nam gia nhập công nước Bern. Mặc dù khoảng thời gian 15 năm chưa phải là quá dài nhưng cũng đủ để ngành xuất bản của Việt Nam được có cơ hội hoàn thiện mình và tham gia vào thị trường xuất bản quốc tế chuyên nghiệp hơn.

Hiện nay, thị trường xuất bản Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường năng động trong khu vực Đông Nam Á và tiềm năng của Châu Á. Với sự hiện diện chính thức tại các hội sách quốc tế lớn trên thế giới như Hội sách Frankfurt Đức, Hội sách Bologna Italy, Hội sách Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, Hội sách Doha Qatar, Hội sách Beijing Trung Quốc, Hội sách La Habana CuBa,… hình ảnh của xuất bản của Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt đẹp với các đối tác xuất bản quốc tế. Hơn lúc nào hết công việc được hưởng lợi nhất từ những hoạt động này là hoạt động mua bán bản quyền sách.

Sôi động hoạt động mua bán bản quyền  - Ảnh 1.

Thị trường xuất bản Việt Nam đang ngày một phát triển

Ngay sau khi gia nhập công ước Bern, các đơn vị xuất bản của Việt Nam đã mạnh dạn liên hệ với các đơn vị xuất bản nước ngoài để ký kết hợp đồng bản quyền mua những tác phẩm nổi tiếng, những tác phẩm của những tác giả có tên tuổi, từ những nhà xuất bản tầm cỡ thế giới để xuất bản bản tiếng Việt tại Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hợp đồng các đơn vị luôn tuân thủ những điều khoản rất chi tiết và khắt khe với thái độ cầu thị và chuyên nghiệp. Chính việc làm này đã một phần khẳng định chất lượng của các đơn vị làm xuất bản, một phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người đọc.

Trong những năm gần đây với sự kết nối của mạng xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc nắm bắt được những đầu sách ‘hot’ trở nên dễ dàng hơn và các đơn vị xuất bản trong nước nhanh chóng tiếp cận được với những thông tin đó, kết nối với nhà xuất bản và tác giả nhanh chóng ký kết bản quyền và xuất bản bản tiếng Việt tại Việt Nam như các đơn vị Thái Hà, Nhà xuất bản Trẻ, Nhã Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Alphabooks, … Có những đầu sách mà bản tiếng Việt được in tại Việt Nam ngay trong cùng một năm xuất bản tại nước ngoài. Thậm chí có những cuốn sách mà bản tiếng Việt được xuất bản song song cùng một thời điểm với sách của nhà xuất bản gốc, thậm chí là trước. 

Để sở hữu những đầu sách hay, hấp dẫn của các tác giả nước ngoài đang được độc giả mong đợi thì cuộc đua giữa các nhà xuất bản, công ty sách trong việc tìm kiếm, mua bản quyền được xem là những bước đi âm thầm và quyết liệt. Đây cũng là hành trình để hướng tới sự chuyên nghiệp và được xem là công đoạn quan trọng bậc nhất của hoạt động xuất bản. Những cuốn sách có nội dung tốt thường có nhiều đơn vị xuất bản muốn sở hữu bản quyền.

Vấn đề đầu tiên mà các đối tác nước ngoài chú ý và quan tâm đối với các đơn vị xuất bản tại Việt Nam là kinh nghiệm xuất bản, uy tín tại Việt Nam và quốc tế, số lượng đầu sách phát hành hàng năm, kế hoạch truyền thông, khả năng kiểm soát ấn bản trên thị trường, các phương án chống sách giả,...

Tuy nhiên, công việc này còn nhiều hạn chế bởi nhìn chung, chúng ta chưa thực sự có tiếng vang lớn, chưa có uy tín cao trên thị trường xuất bản thế giới. Tại các Hội sách của thành phố Hà Nội tổ chức các năm 2017, 2018, 2019, đã có sự tham gia của khoảng 30 đơn vị xuất bản nước ngoài, với hơn 40 cuộc gặp gỡ, trao đổi bản quyền. Tuy nhiên phần lớn những cuộc gặp này đều phải thông qua đại diện bản quyền để giao dịch. Hơn nữa những con số này còn quá thấp so với các hội sách trong khu vực ASEAN cũng như châu Á.

Như đã trình bày ở trên, việc mua bản quyền diễn ra rất sôi động đã tạo tiền đề có các đơn vị có hội để quảng bá sản phẩm của mình với các nhà xuất bản nước ngoài. Ban đầu chỉ là các chuyến thăm làm việc tìm hiểu thị trường, sau đó là các thỏa thuận hợp tác cụ thể cho việc xuất bản. Đã có một số đơn vị xuất bản đưa được sách của tác giả Việt ra nước ngoài, được chuyển ngữ ra tiếng bản địa, đưa các tác giả, diễn giả, biên tập viên đi diễn thuyết và giới thiệu sách tại các hội sách lớn trên thế giới… Tuy nhiên hoạt động trên vẫn còn hạn chế bởi nhiều yếu tố như ngôn ngữ, văn hóa quốc gia, thương hiệu của đơn vị xuất bản Việt Nam và đặc biệt là thương hiệu của quốc gia. Thường những quốc gia có thương hiệu mạnh có nhiều cơ hội bán bản quyền sản phẩm của mình sang các quốc gia khác.

Hoạt động giao dịch mua bán bản quyền gắn liền với các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, chính trị,… do vậy sẽ bị ảnh hưởng chung. Hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc mua bán bản quyền như việc cạnh tranh về giá bản quyền, không thực hiện đúng điều khoản hợp đồng, in lậu,… Những điều này làm cản trở tình hình phát triển thực chất, nhiều khi tạo những hiện tưởng ‘sốt giả’ của thị trường, ảnh hưởng chính tới các đơn vị tham gia giao dịch. Đây cũng là rào cản lớn nhất để xuất bản Việt Nam thực sự khẳng định trên thị trường xuất bản quốc tế. 

Từ đầu năm 2020 nền kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất bản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Một loạt các hội sách quốc tế đã bị hủy bỏ như London, Bologna, Bangkok, Kuala Lumpur, … Tất cả các cuộc gặp bị hủy. Các giao dịch cũng được lùi lịch vô thời hạn. Tuy nhiên các đối tác xuất bản rất linh động, các công việc vẫn được giao dịch qua email, video call… Toàn bộ thông tin sách mới, catalog, sự kiện về sách và xuất bản đều được cập nhật kịp thời qua các thiết bị thông minh. Đây được xem là những hành động xử lý tình huống rất nhanh nhạy kịp thời và hiệu quả. Hoạt động giao dịch mua bán bản quyền hầu như không bị ảnh hưởng nhiều mặc dù lượng giao dịch có giảm hơn so với cùng kì năm trước.

Theo thống kê, lượng giao dịch bản quyền giảm một phần vì một loạt các cuộc hẹn và hội sách bị huỷ vô thời hạn. Tuy nhiên lý do chính yếu là bởi hầu như các hoạt động kinh doanh bị đóng băng, độc giả có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn để dành cho các nhu yếu phẩm nên lượng sách phát hành ra thị trường giảm. Điều này khiến cho các đơn vị xuất bản phải cân nhắc nhiều hơn trước khi đặt bút mua bản quyền và tính toán số lượng bản quyền sẽ mua cũng như số lượng đầu sách, bản in sẽ xuất bản. 

Có thể nói hoạt động giao dịch bản quyền với các đơn vị xuất bản nước ngoài là hoạt động rất năng động và cập nhật với tình hình quốc tế. Các đơn vị trong và ngoài nước bằng những thế mạnh của mình đã luôn tạo ra nhiều cơ hội để cùng phát triển ổn định. Mặt khác các cơ quan quản lý của nhà nước luôn tạo mọi điều kiện để các đơn vị phát huy tối đã khả năng của mình, bên cạnh đó còn thể hiện được vai trò giám sát và quản lý trong các hoạt động xuất bản bằng các điều luật và chế tài rõ ràng cụ thể.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sôi động hoạt động mua bán bản quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO