Sự phát triển của CNTT tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí

Hoàng Linh| 31/12/2021 15:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong một xã hội mở về thông tin, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là CNTT. Đây là môi trường nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí...".

Sáng 31/12, phiên chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã diễn ra tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; cùng hơn 550 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên, sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.

Với phương châm "Đoàn kết - kỷ cương - đổi mới - sáng tạo - phát triển", Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Báo chí cả nước từng bước nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã bày tỏ vui mừng trước sự trưởng thành vững vàng của báo chí cả nước, ngày thêm nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại; không ngừng đổi mới sáng tạo. Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao.

Sự phát triển của CNTT tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ những người làm báo

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là đạo đức, phong cách làm báo của Người, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha, có mặt tại những "điểm nóng", thực hiện tốt trách nhiệm sứ mệnh người làm báo cách mạng; tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tích cực phát hiện, cổ vũ, động viên gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực.

Đội ngũ những người làm báo đã chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, hăng hái thâm nhập thực tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thiên tai, bão lũ...

Nhiều bài báo mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị các giải pháp thiết thực trong từng lĩnh vực.

Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận chính xác, góp phần phát hiện sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Đặc biệt, trong hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an, cán bộ cơ sở, những cá nhân, cộng đồng tích cực, tình nguyện tham gia phòng, chống dịch.

"Trong các thành tích xây dựng, bảo vệ Tổ quốc những năm qua, nhất là từ năm 2015 đến nay, có công lao to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo hội viên trên cả nước".

Môi trường CNTT tạo ra nhiều cơ hội lớn cho báo chí

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những thời cơ to lớn cũng có không ít những khó khăn, thách thức.

Bối cảnh mới đặt ra cho báo chí Cách mạng nước ta và Hội Nhà báo Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới. Báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị - xã hội; nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực, trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết những người làm báo vào tổ chức; phấn đấu để Hội thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; là "ngôi nhà chung ấm áp" của hội viên và giới báo chí.

Thường trực Ban Bí thư cũng nêu rõ: mỗi cấp hội, cơ quan báo chí, mỗi người làm báo trước hết hãy học tập, noi gương Bác - một nhà báo lớn về phong cách, đạo đức làm báo. Đồng thời phải thấm nhuần lời dạy của Người: "Cán bộ, chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ" và "Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng". Trên cơ sở đó, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng; tích cực tuyên truyền, phổ biến Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, chúng ta đang sống trong một xã hội mở về thông tin, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là CNTT. Đây là môi trường nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí... Chúng ta phải nắm bắt cơ hội, tạo nên bước phát triển vượt bậc, toàn diện của báo chí về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức...

Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang báo chí cả nước, theo đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thường tin tưởng với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, là "ngôi nhà chung" tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước.

Sự phát triển của CNTT tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí - Ảnh 2.

Đại hội đã bầu ra 52 người vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Các ông Nguyễn Đức Lợi, Trần Trọng Dũng trúng cử chức vụ Phó Chủ tịch Hội. Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TT&TT Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo VietNamNet được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khóa XI.

Thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, Đại hội diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới.

Sự phát triển của CNTT tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí - Ảnh 3.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI do Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (khóa X) Hồ Quang Lợi trình bày cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức tốt Giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng, nhằm hướng tới nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.

Từ Trung ương Hội đến các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc đã triển khai học tập Luật Báo chí 2016 và đóng góp xây dựng Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đã đi vào hoạt động, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên 20 trường hợp vi phạm; đồng thời khiển trách và nhắc nhở phê bình, rút kinh nghiệm các trường hợp vi phạm khác trong sử dụng mạng xã hội.

Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm các nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 7.109 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 1.500 hội viên, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Về phương hướng và nhiệm vụ nhiệm kỳ XI, Báo cáo Chính trị nhấn mạnh việc tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Báo cáo cũng nhấn mạnh xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên.

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh tăng cường ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, khai thác tối đa nền tảng Internet để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh…

Tham luận tại Đại hội, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng nhấn mạnh đến việc coi trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ, giúp hội viên tự tin làm báo đa loại hình, đa nền tảng, đa ngôn ngữ và đa phương tiện./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Sự phát triển của CNTT tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO