Sự tham gia tích cực của các Telco, ISP trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên internet

PV| 27/12/2019 08:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nhà mạng viễn thông (Telco), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) như: Viettel Telecom, FPT Telecom. CMC Telecom, VNPT, SCTV, Netnam, SPT, Mobifone trong năm 2019 đã tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các website vi phạm bản quyền nội dung truyền hình.

Cùng với sự phát triển của công nghệ truyền dẫn băng rộng, các nội dung truyền hình hoàn toàn có thể được tìm thấy và dễ dàng tiếp cận trên mạng internet. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm bản quyền truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Bởi đặc điểm của vi phạm bản quyền trên mạng internet là các vi phạm thường xuyên xảy ra trước khi chủ sở hữu bản quyền hoặc cơ quan quản lý nhà nước phát hiện vi phạm. Việc vi phạm có khi là vô thức, có khi là cố ý để nhằm thu quảng cáo, thu phí người dùng.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình trên mạng internet, các dạng xâm phạm bản quyền trên mạng internet; điều kiện về kỹ thuật, chế tài để kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm …  còn thiếu, chưa được triển khai đồng bộ. Ý thức và sự tuân thủ pháp luật về bản quyền truyền hình còn rất hạn chế.

Công tác quản lý bản quyền nội dung truyền hình ở Việt Nam hiện nay đang tập trung chủ yếu vào công tác hậu kiểm; quy trình và thời gian xử lý vi phạm bản quyền lại mất nhiều thời gian và công sức. Giống như nhiều nước trên thế giới, cách thức xử lý đối với vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên mạng internet của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam là ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là đối với các websites có tên miền quốc tế, sử dụng máy chủ lưu trữ hostting/caching tại nước ngoài; chủ thể những trang này đều ẩn danh hoặc khai báo thông tin không đúng.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình, trong phạm vi, nhiệm vụ tham gia quản lý bản quyền đối với phát thanh, truyền hình, trong thời gian qua, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực thực hiện việc ngăn chặn vi phạm bản quyền truyền hình trên môi trường mạng internet. 

Năm 2018, Cục đã tiếp nhận 15 trường hợp khiếu nại vi phạm bản quyền, trong đó có khiếu nại của 4 đơn vị nước ngoài. Số lượng website bị khiếu nại vi phạm là 124 websites (cả trong nước và quốc tế). Đối với các website có tên miền quốc tế, sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây có địa chỉ IP máy chủ tại nước ngoài, Cục đã có văn bản đề nghị các nhà mạng viễn thông (telco), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP), như: Viettel Telecom, FPT Telecom. CMC Telecom. VNPT, SCTV, Netnam, SPT, Mobifone phối hợp, sử dụng biện pháp kỹ thuật chặn phổ biến nội dung vi phạm bản quyền. Đã có 28 website bị ngăn chặn dứt điểm. Đặc biệt trong đó có 2 website vi phạm nghiêm trọng bản quyền sự kiện thể thao đã được các DN thực hiện ngăn chặn truy cập thành công ngay tại thời điểm diễn ra sự kiện, gồm: xoilac.tv (AFF Cup 2018), banhkhuc.tv (02 giải đấu EPL, Serie A).

Một trong những bộ phim “ăn khách” của Đài THVN bị nhiều website vi phạm bản quyền

Trong năm 2019, Cục đã tiếp nhận 4 trường hợp khiếu nại vi phạm bản quyền. Số lượng website bị khiếu nại vi phạm là 23 website (trong đó có 21 website có tên miền quốc tế, máy chủ tại nước ngoài như: vntv.net, funny-video-online.com, kenhvideo.com,  phim33.com, vuviphim.com, phim7z.com, khoai.tv, phimvn2.com, phimonl.net, hamphim.net...).  Các websites này đã vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim truyền hình của một số đơn vị như: Đài Truyền hình Việt Nam (43 phim Việt Nam, trong đó có phim Hoa hồng trên ngực trái hiện đang phát sóng trên kênh VTV3; 18 phim nước ngoài; 66 chương trình tin tức VTV24h; 5 chương trình truyền hình khác); Công ty VietContent (6 phim nước ngoài với 287 tập)... Trên cơ sở yêu cầu của Cục, 21 website này đã bị các telco, ISP phối hợp, sử dụng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn, không phổ biến các nội dung vi phạm bản quyền đến thuê bao sử dụng dịch vụ internet của doanh nghiệp.

Có thể nói, việc ngăn chặn này nhằm chấm dứt tình trạng các website hoạt động trái pháp luật, vi phạm bản quyền trên môi trường Internet, bảo vệ quyền lợi của người dùng và nhà sản xuất, nhà cung cấp nội dung - chủ sở hữu quyền,h ướng đến mục tiêu xây dựng thị trường nội dung số phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng của các đơn vị kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý chặn website vi phạm bản quyền gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức do các website vi phạm sau khi bị ngăn chặn đã sử dụng các phương thức kỹ thuật, chuyển tên miền liên tục nhằm qua mặt giám sát của cơ quan chức năng, tường lửa của nhà mạng cung cấp dịch vụ truy cập Internet để tiếp tục cung cấp nội dung vi phạm bản quyền.

Vì vậy, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ bản quyền truyền hình và ngăn chặn phổ biến nội dung vi phạm trên môi trường mạng internet, năm 2020 cần có sự chung tay của cả xã hội tham gia vào hoạt động này như: tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nói không với nội dung vi phạm bản quyền; tiếp tục hoàn thiện pháp luật đặc biệt là quy định chế tài nghiêm khắc; tăng cường kiểm tra, rà soát và ngăn chặn phổ biến nội dung vi phạm bản quyền; không gián tiếp hay trực tiếp gợi ý, phổ biến các nội dung vi phạm bản quyền.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sự tham gia tích cực của các Telco, ISP trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO