Truyền thông

Sức mạnh cộng hưởng từ ba trụ cột đối ngoại

Tú Anh 25/11/2024 14:22

Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam.

malay.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại họp báo chiều ngày 21/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra từ ngày 21/11 - 23/11/2024. (Ảnh: TTXVN).

Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân” nhằm phục vụ, đáp ứng những yêu cầu trong thời kỳ mới.

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhấn mạnh, dù có vị trí, chức năng, vai trò và lợi thế khác nhau, song ba trụ cột đối ngoại có quan hệ rất chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau bởi cùng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

“Việc triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân sẽ phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống và bài học quý báu, vừa là nghệ thuật độc đáo của đối ngoại cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục gìn giữ và phát huy trong giai đoạn mới”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Đồng thời, đây cũng là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong bối cảnh mới.

Tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội; với tất cả đối tác, địa bàn, khu vực, trọng tâm là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược.

2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại sứ Việt Nam mới nhận quyết định bổ nhiệm, ngày 14/10/2024. (Nguồn: baoquocte.vn).

Tính hiện đại thể hiện ở tính chất nền ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, bản sắc ngoại giao của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng qua các thời kỳ và tinh hoa ngoại giao thời đại; ở vận hành nền ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình.

Ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho biết, qua đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, để thúc đẩy sự hiểu biết, sự ủng hộ quốc tế rộng rãi với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước; tranh thủ nghiên cứu, trao đổi lý luận, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế, phục vụ việc xây dựng đường lối, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, góp phần tranh thủ nguồn lực, phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và ở các địa phương.

Cũng theo ông Lê Hoài Trung, một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng khác đó là bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đối ngoại, các ban, bộ, ngành cả Trung ương và địa phương, trong đó đặc biệt chú ý tới phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Đóng góp tích cực của ba trụ cột đối ngoại

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ đối ngoại của ngoại giao Việt Nam, luôn có sự tham gia đầy đủ của cả ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Ba trụ cột đối ngoại phối hợp với nhau thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, như “nghiên cứu, kiến nghị và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại; tạo dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, cùng có lợi với các đối tác; tổ chức thông tin đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, đấu tranh với âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”.

Không chỉ vậy, sự không thể tách rời của ba trụ cột này còn được thể hiện qua các hoạt động đối ngoại; trong đó, đối ngoại đảng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung toàn bộ hệ thống chính trị, ngoại giao nhà nước tổ chức thể chế hóa và quản lý hiệu quả.

Bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng, đối ngoại Đảng đóng vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng có vai trò quyết định đến đường lối, chính sách đối ngoại của các nước. Đây là cơ sở vững chắc để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị, tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất. Đồng thời, vừa thích ứng linh hoạt với những chuyển biến nhanh chóng, khó lường trên chính trường của các nước, vừa vận động sự ủng hộ của các đảng cầm quyền, đảng tham chính của các nước đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương, trong bài viết “Đối ngoại nhân dân phát huy vai trò trụ cột trong nền đối ngoại, ngoại giao” đăng tải trên Tạp chí Cộng sản ngày 19/05/2024, cho biết, đối ngoại nhân dân có đóng góp quan trọng vào thành tựu của mặt trận đối ngoại Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, qua đó góp phần củng cố, tăng cường, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước. Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương đã được các tổ chức nhân dân của Việt Nam ký kết với các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác ngày càng có trọng tâm, thiết thực và hiệu quả.

Bên cạnh việc phát triển quan hệ song phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân đã quán triệt chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương”, “giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế”; trên cơ sở đó, tích cực tham gia các hoạt động đa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm, sáng kiến tại các cơ chế đa phương mà Việt Nam là thành viên.

“Các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, gia nhập nhiều cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực mới trên các lĩnh vực hoạt động đa dạng, như Hội Nông dân Việt Nam gia nhập Tổ chức Nông dân Thế giới, Hiệp hội Sữa Việt Nam gia nhập Liên minh Thực phẩm đồ uống ASEAN và Liên hiệp Sữa quốc tế, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam gia nhập Hiệp hội Cảng biển quốc tế, Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam gia nhập Hiệp hội Pháp luật Xây dựng quốc tế, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam gia nhập Hội Bệnh mạch máu châu Á...”, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân nêu.

Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”, trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản tháng 11/2023, cố Tổng Bí thư viết: “Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hoá, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại trong các lĩnh vực khác”.

Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống quý báu, vừa thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật đối ngoại cách mạng Việt Nam được cố Tổng Bí thư phân tích, lý giải cụ thể và định hướng sâu sắc bằng nhãn quan chính trị và tầm tư duy chiến lược. Đây là bước phát triển về tư duy đối ngoại Việt Nam, vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh cộng hưởng từ ba trụ cột đối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO