Kinh tế số

Tác động của kỹ năng công nghệ số tới năng suất lao động của các DN Việt Nam

ThS. Đặng Phong Nguyên, PGS. TS. Đặng Thị Việt Đức - Lab Kinh tế số, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông 18/07/2023 09:19

Bài viết sẽ làm rõ tác động của việc đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ số cho nguồn nhân lực đến năng suất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Giới thiệu

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số chính là xu hướng tất yếu. Mỗi DN cần có sự đổi mới, cập nhật liên tục, nâng cao kỹ năng công nghệ, và ứng dụng công nghệ cao vào quy trình vận hành DN để nâng cao hiệu suất nhằm mang đến lợi nhuận tốt nhất. Nhiều tác giả khẳng định rằng đối vớiDN, số hóa là cơ hội để tăng hiệu quả (Alibekova, Medeni, Panzabekova, & Mussayeva, 2020; Fitzgerald, Kruschwitz, Bonnet, & Welch, 2013). Ở mức độ thấp, ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu hóa các quy trình kinh doanh hiện tại, từ đó cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của DN. Ở cấp độ cao hơn, DN thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số, sử dụng công nghệ số và kỹ thuật số để tạo ra những đổi mới lớn trong kinh doanh hoặc tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

photo-1632366863638-1632366864425650707521.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)

Một trong những nguồn lực luôn luôn hiện hữu và có khả năng tác động thuận tiện nhất là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực số là nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa nền kinh tế số, quyết định sự tồn tại của nền kinh tế số, có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số, vận hành nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế.

Để nguồn nhân lực trở thành một lợi thế cạnh tranh, một nguồn lực nội tại, DN cần trau đồi và đào tạo các kỹ năng tới một mức độ có thể tạo ra giá trị, trở nên quý hiếm, không thể bắt chước và không có nguồn lực thay thế so với đối thủ cạnh tranh. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động của kỹ năng công nghệ số tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Arifuddin, Nurul Qamari, and Surwanti (2022); Olubiyi Phd (2022); Heredia et al. (2022))

Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đang tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Nguồn lao động có chất lượng có xu hướng tăng, biểu hiện thông qua tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ trong quý II/2022 là 26,2%, ước tính 13,4 triệu người cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý I/2022 và cùng kỳ năm trước và tăng 0,8% so với năm 2020 (khoảng 24,5%). Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển khá đứng thứ 115/191 quốc gia theo báo cáo 09/9/2022 của Tổ chức Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc.

Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nguồn nhân lực của Việt Nam có khả năng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số để xây dựng KTS trong thời kỳ Cách mạng 4.0. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế số, phát huy mạnh mẽ giá trị con người và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

Bài viết sẽ làm rõ tác động của việc đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ số cho nguồn nhân lực đến năng suất kinh doanh của doanh nghiệp bằng phương pháp định lượng và dữ liệu đáng tin cậy của 7.814 DN Việt Nam trong năm 2020 thông qua cuộc điều tra doanh nghiệp được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Nghiên cứu một mặt đóng góp vào lý thuyết chung và thực trạng cụ thể tại Việt Nam về mối quan hệ giữa kỹ năng công nghệ số và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là trong trường hợp các nước đang phát triển mà nhiều tác giả kêu gọi nghiên cứu thêm (Cataldo, G. Pino, & McQueen, 2020).

Dữ liệu nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả không có điều kiện để thực hiện điều tra DN, do vậy, sử dụng dữ liệu sẵn có từ Phiếu thu thập thông tin về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp năm 2020 (Phiếu 2 Cách mạng công nghiệp). Trong đó trình độ kỹ năng công nghệ số được đo lường trên 4 mức độ: Tốt (4), Đáp ứng yêu cầu (3), Yếu (2), và Không liên quan (1). Như vậy theo chiều tăng lên của điểm số trả lời, kỹ năng công nghệ số sẽ càng thể hiện trình độ cao. Để có thông tin thêm về đặc điểm của các DN, nghiên cứu sử dụng thêm dữ liệu điều tra thông tin đối với DN và hợp tác xã (Phiếu 1A). Dữ liệu điều tra bao gồm 7.814 DN trên cả nước, được phân loại theo 3 nhóm loại hình doanh nghiệp và 4 nhóm quy mô.

bang-1_chi-tieu-du-lieu-ve-ky-nang-cong-nghe-so.png
Bảng 1. Chỉ tiêu dữ liệu về kỹ năng công nghệ số trong  (Nguồn: Tác giả tập hợp theo nhóm chỉ tiêu từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê)
bang-2_phan-loai-dn.png
Bảng 2. Phân loại DN (Nguồn: Tác giả tập hợp theo nhóm chỉ tiêu từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê)

Thực trạng và kết quả

Thực trạng năng lực kỹ năng công nghệ số tại các doanh nghiệp Việt Nam

Thông tin thống kê các DN tham gia điều tra được trình bày trong Bảng 2 và Bảng 3.

Theo loại hình DN, nhóm các DN có vốn đầu tư tư nhân nội địa (DPE) chiếm số lượng chủ đạo với 79,4%. Đây cũng là nhóm DN có sự gia tăng ấn tượng nhất về năng suất lao động (từ 5,77 lên 6,1). Nhóm doanh nghiệp nhà nước cho thấy năng suất lao động cao nhất trong cả 3 loại hình DN. Xét về kỹ năng công nghệ số, nhóm các DN SOE và FIE có trình độ cao nhất, lần lượt đạt 2,45 và 2,49 điểm.

Nhóm doanh nghiệp vừa, chiếm tỷ trọng thấp nhất (8,77%) nhưng cho thấy tiến bộ rõ ràng nhất trong năng suất lao động (từ 6,01 tới 6,53). Nhóm DN quy mô lớn có mức tăng trưởng năng suất lao động thấp nhất. Theo thống kê kỹ năng công nghệ số, theo mức tăng của quy mô, trình độ kỹ năng của người lao động tại DN cũng tăng dần, từ 1,98 điểm tới 2,51 điểm.

Từ kết quả điều tra có thể nhận ra trình độ kỹ năng công nghệ số tại các DN Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ nằm trong ngưỡng yếu và đạt yêu cầu. Theo loại hình DN, 4/7 kỹ năng công nghệ số của người lao đông chưa đạt tiêu chuẩn yêu cầu trong nhóm DN có vốn đầu tư tư nhân trong nước. Đây cũng là nhóm có trình độ kỹ năng công nghệ số thấp nhất. Nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài có kỹ năng công nghệ số cao nhất. Trình độ kỹ năng công nghệ số nền tảng tại nhóm DN nhà nước cao nhất, nhưng vẫn dưới tiêu chuẩn yêu cầu, đạt 2,92 điểm. Kỹ năng này tại nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng được yêu cầu khá cao, đạt 2,81 điểm.

bang-4_thong-ke-dn-theo-quy-mo.png
Bảng 4. Thống kê doanh nghiệp theo quy mô (Nguồn: Thống kê của nhóm tác giả)
bang-5_thong-ke-trinh-do-ky-nang.png
Bảng 5. Thống kê trình độ kỹ năng công nghệ số theo loại hình DN (Nguồn: Thống kê của nhóm tác giả)

Theo quy mô DN, với mức độ tăng của quy mô, trình độ kỹ năng công nghệ số tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng dần. Khoảng cách về trình độ kỹ năng của nhóm DN quy mô lớn và DN quy mô siêu nhỏ là tương đối xa. DN càng lớn càng có yêu cầu cao về kỹ năng công nghệ của người lao động. Kỹ năng nền tảng vẫn luôn được chú trọng, bên cạnh đó là các kỹ năng về bảo mật thông tin, đều đạt gần mức 3 điểm, tương đương đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu.

Theo kết quả điều tra, 3 kỹ năng công nghệ số được chú trọng đào tạo và nâng cao nhất là kỹ năng nền tảng công nghệ số; kỹ năng bảo mật thông tin và kỹ năng ứng dụng các phần mềm cộng tác.

bang-6_thong-ke-trinh-do-ky-nang-cns.png
Bảng 6. Thống kê trình độ kỹ năng công nghệ số theo quy mô (Nguồn: Thống kê của nhóm tác giả)
bang-7_anh-huong-cua-ky-nang-cns.png
Bảng 7: Ảnh hưởng của kỹ năng công nghệ số tới năng suấ)t lao động theo loại hình DN tại Việt Nam (Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả)

Kết quả nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng ứng dụng công nghệ số tới hoạt động của DN Việt Nam

Khái quát mức ảnh hưởng của kỹ năng công nghệ số lên năng suất lao động của toàn bộ các DN trong cuộc điều tra được thể hiện dưới các bảng sau:

Từ kết quả tính toán từ mô hình có thể thấy việc nâng cao năng lực kỹ năng công nghệ số có tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN. Theo loại hình DN, duy nhất nhóm doanh nghiệp SOE không cho thấy tồn tại mối quan hệ này. Duy nhất kỹ năng sử dụng công nghệ tự động hóa và kỹ năng phân tích dữ liệu có tác động tới năng suất lao động, mức tác động tương đối cao. Với mỗi doanh nghiệp có lao động được trang bị kỹ năng này, năng suất lao động tăng lần lượt 13,03% và 14,95%.

Tất cả các kỹ năng công nghệ số đều đem lại mức tăng năng suất lao động cho 2 nhóm DN DPE và DN FIE. Tác động của kỹ năng số tới năng suất lao động của nhóm DN FIE là cao hơn. Trung bình việc có kỹ năng công nghệ số giúp năng suất lao động của 2 nhóm DN DPE và FIE lần lượt là 7,15% và 11,18%.

Với nhóm DN DPE, kỹ năng sử dụng phần mềm cộng tác số có tác động lớn nhất tới năng suất lao động, mức tăng 8,17%. Tác động của kỹ năng phân tích dữ liệu tới năng suất lao động đứng thứ 2, mức tăng 7,58%. Kỹ năng phát triển hoặc áp dụng các hệ thống hỗ trợ mang lại mức tăng năng suất lao động thấp nhất, nhưng không thấp hơn nhiều so với các kỹ năng còn lại, ở mức 6,43%.

Với nhóm doanh nghiệp FIE, hai kỹ năng có tác động lớn nhất tới năng suất lao động tại doanh nghiệp là kỹ năng bảo mật thông tin và kỹ năng phân tích dữ liệu, với mức tác động lần lượt là 15,3% và 13,03%. Duy nhất kỹ năng ứng dụng phần mềm cộng tác có mức ảnh hưởng tới năng suất lao động dưới 10%, ở mức 9,14%. Có thể thấy, nhóm các DN có vốn đầu tư nước ngoài rất chú trọng tới hoạt động quản trị dữ liệu, cụ thể là phân tích dữ liệu và bảo mật thông tin.

Từ bảng kết quả có thể khẳng định, theo mức độ gia tăng của quy mô doanh nghiệp, tác động tích cực của việc trang bị kỹ năng công nghệ số cho người lao động tới năng suất lao động ngày cũng đồng thời gia tăng.

Nhóm DN siêu nhỏ là nhóm duy nhất không nhận được tác động từ phần lớn các kỹ năng công nghệ số. Ứng dụng các phần mềm hợp tác là kỹ năng duy nhất mang lại tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giúp gia tăng năng suất thêm 4,84%.

bang-8_anh-huong-cua-ky-nang-cns.png
Bảng 8: Ảnh hưởng của kỹ năng công nghệ số tới năng suất lao động theo quy mô DN tại Việt Nam (Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả)

Việc trang bị cho nguồn nhân lực tất cả 7 kỹ năng công nghệ số ở 3 nhóm DN nhỏ, vừa và lớn đều có tác động tích cực tới năng suất lao động. Trong đó, nhóm DN có quy mô vừa có mức độ tác động lớn nhất, trung bình gia tăng 13,82% năng suất lao động. Đứng thứ 2 là nhóm DN lớn, trung bình gia tăng 11,77% năng suất lao động khi trau dồi kỹ năng công nghệ số. Giá trị này ở nhóm DN nhỏ chỉ đạt 7,20%.

Trong nhóm DN có quy mô vừa, nâng cao năng lực bảo mật thông tin giúp tăng 9,21% năng suất lao động, cao nhất trong số 7 kỹ năng. Kỹ năng mang lại mức tăng năng suất lao động thấp nhất trong nhóm này là các kỹ năng phi kỹ thuật, mức tăng đạt 5,27%.

Trong nhóm DN có quy mô vừa, tất cả các kỹ năng công nghệ số khi được nâng cao đều mang lại trên 10% mức tăng năng suất lao động. Mức tác động cao nhất thuộc về kỹ năng ứng dụng các phần mềm cộng tác, đạt 17,03%. Mức tác động thấp nhất thuộc về kỹ năng phân tích kỹ thuật, gia tăng 10,56% năng suất lao động.

Trong nhóm DN có quy mô lớn, trái ngược lại với các DN quy mô vừa, hai kỹ năng mang lại mức tác động dương lên năng suất lao động cao nhất là kỹ năng tự động hóa và kỹ năng phân tích dữ liệu, lần lượt đạt 15,02% và 14,45%. Kỹ năng ứng dụng phần mềm cộng tác mang lại mức tác động thấp nhất, ở mức 8,55% tăng năng suất lao động.

Kiến nghị và đề xuất

Nghiên cứu này đánh giá mối quan hệ giữa nâng cao kỹ năng công nghệ số và năng suất lao động của DN Việt Nam sử dụng dữ liệu Khảo sát DN năm 2020. Kết quả cho thấy, kỹ năng công nghệ số thể hiện qua 7 kỹ năng phổ biến có tác động tích cực đến năng suất lao động của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, DN có nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ số cao có năng suất lao động cao hơn so với các DN có kỹ năng thấp. DN có vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài có mức gia tăng năng suất lao động cao hơn khi nâng cao kỹ năng công nghệ số. Theo quy mô DN tăng dần, tác động của việc nâng cao kỹ năng công nghệ số tới năng suất lao động cũng gia tăng.

Tuy vậy, thực trạng đồng thời chỉ ra trình độ kỹ năng công nghệ số tại các DN Việt Nam vẫn còn hạn chế. Các kỹ năng công nghệ số chưa được chú trọng đào tạo đồng đều. Nhóm kỹ năng đạt trình độ cao nhất là các kỹ năng nền tảng công nghệ số, kỹ năng phân tích và bảo mật dữ liệu và kỹ năng ứng dụng phần mềm cộng tác. Các kỹ năng quan trọng trong Cách mạng công nghiệp 4.0 như kỹ năng tự động hóa, kỹ năng phát triển phần mềm ứng dụng hay tư duy hệ thống chưa đạt được trình độ yêu cầu.

Để nâng cao năng suất lao động, trước hết, các DN cần tập trung đào tạo và cải thiện kỹ năng công nghệ số cho người lao động. Trong ngắn hạn, DN cần chủ động tổ chức những buổi tập huấn và đào tạo về công nghệ số cho người lao động. Chương trình đào tạo cần được xây dựng một cách có kế hoạch, đi từ thay đổi nhận thức của người lao động về tầm quan trọng, yêu cầu cần thiết của kỹ năng công nghệ số cho tới chuyên môn chuyên sâu của từng kỹ năng, lĩnh vực theo nhu cầu.

Trong dài hạn, DN nên hợp tác với các tổ chức tạo có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ số. Việc hợp tác với các trường đại học có chuyên môn về công nghệ như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Bách Khoa hay trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội... vừa có thể mang lại những chương trình đào tạo phù hợp, vừa có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận một nguồn nhân lực có chất lượng đầu ra tốt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giảm thiểu chi phí đào tạo.

Mặt khác, DN cần đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, về nền tảng, hạ tầng công nghệ. Những lĩnh vực rất cần được nâng cao trình độ được chỉ ra là các kỹ năng nền tảng công nghệ số, các kỹ năng về quản trị dữ liệu và các kỹ năng ứng dụng phần mềm. Thông qua tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thuê chuyên gia trong lĩnh vực hay đẩy mạnh outsource công nghệ nhằm cải thiện năng lực kỹ năng công nghệ số của nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động trong DN./.

Tài liệu tham khảo:

1. Alibekova, G., Medeni, T., Panzabekova, A., & Mussayeva, D. (2020). Digital Transformation Enablers and Barriers in the Economy of Kazakhstan. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(7), 565-575. doi:https://doi. org/10.13106/JAFEB.2020.VOL7.NO7.565

2. Arifuddin, M., Nurul Qamari, I., & Surwanti, A. (2022). Digital Literacy, Digital Culture and Business Performance: A Comprehensive Conceptual Framework. 2, 59-67.

3. Cataldo, A., G. Pino, & McQueen, R. (2020). Size matters: the impact of combinations of ICT assets on the performance
of Chilean micro, small, and medium firms. Information Technology for Development 26(2), 292-315.

4. Fitzgerald, M., Kruschwitz, N., Bonnet, D., & Welch, W. (2013). Embracing Digital Technology: A New Strategic Imperative. MIT Sloan Management Review.

5. Heredia, J., Castillo-Vergara, M., Geldes, C., Gamarra, F., Flores, A., & Heredia, W. (2022). How do digital capabilities affect firm performance? The mediating role of technological capabilities in the “new normal”. Journal of Innovation & Knowledge, 7, 100171. doi:10.1016/j.jik.2022.100171

6. Olubiyi Phd, T. (2022). Measuring Technological Capability and Business Performance Post-Covid Era: Evidence From Small and Medium-Sized Enterprises(Smes) In Nigeria. Management & Marketing, 20, 234-248. doi:10.52846/ MNMK.20.2.09

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tác động của kỹ năng công nghệ số tới năng suất lao động của các DN Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO