Tại sao Amsterdam phát triển công nghệ giám sát đám đông của riêng mình

Ngọc Diệp| 08/10/2021 06:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi thị trường không thể cung cấp những gì Amsterdam cần, thành phố đã phát triển giải pháp công nghệ giám sát đám đông của riêng mình. Cách tiếp cận này cho phép thành phố kiểm soát hệ thống nhiều hơn và giúp các nhà cung cấp xây dựng các sản phẩm tốt hơn.

Public Eye: Giải pháp giám sát đám đông mã nguồn mở

Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu của các thành phố trong việc sử dụng công nghệ giám sát đám đông để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo an toàn, đồng thời phát triển kinh tế và định hình tương lai ngành du lịch. Tuy nhiên, các hệ thống này có thể làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và giám sát, dẫn đến những tranh luận về vấn đề đạo đức và quản trị của các công nghệ thu thập dữ liệu trong không gian công cộng.

Là một phần của mục tiêu trở thành thành phố hàng đầu về việc sử dụng công nghệ có đạo đức, Amsterdam đã phát triển một hệ thống giám sát đám đông được thiết kế riêng của mình.

Hệ thống có tên Public Eye sử dụng mã nguồn mở, được phát triển và xây dựng với sự hợp tác của các đối tác bên ngoài là Tapp và Life-Electronic.

Public Eye sử dụng các camera thành phố hiện có và thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và dự đoán quy mô, mật độ, hướng di chuyển và tốc độ của đám đông trong không gian công cộng. Nó cũng được điều chỉnh để đánh giá mức độ giãn cách xã hội trong thời kỳ đại dịch.

Boen Groothoff, Giám đốc dự án di chuyển thông minh tại Văn phòng Công nghệ của TP. Amsterdam, cho biết: "Amsterdam là một thành phố rất đông đúc với rất nhiều khách du lịch, điều này có thể dẫn đến một số tình huống không an toàn". Theo đó, các rủi ro có thể xảy ra bao gồm bạo lực, thương tích và rơi xuống các kênh rạch.

Vì vậy, Amsterdam áp dụng công nghệ giám sát đám đông trong các sự kiện lớn và tại các điểm nóng trong không gian công cộng. Bằng cách thu thập dữ liệu về số lượng người đi bộ, có thể thực hiện các biện pháp để có thể quản lý đám đông đi đúng hướng. Nếu xuất hiện một tình huống không an toàn do quá đông người, chính quyền thành phố có thể can thiệp. Điều này được thực hiện, ví dụ, bằng cách đặt các bảng thông tin kỹ thuật số, để mọi người được thông báo và tư vấn về các tuyến đường thay thế hoặc áp dụng giao thông một chiều. Quản lý đám đông giúp thiết lập dòng người đi bộ ổn định và an toàn trong một khu vực để tránh quá đông.

Tại sao Amsterdam phát triển công nghệ giám sát đám đông của riêng mình - Ảnh 1.

Bản đồ mật độ đám đông

Hiện hệ thống Public Eye, đang được thử nghiệm tại Đại lộ Johan Cruijff gần sân vận động đa năng của thành phố, bến tàu hải quân lịch sử Marineterrein và quảng trường Plein '40 - '45, nhằm mục đích giúp chống lại những rủi ro này.

Thông qua mô hình dự đoán, thành phố có thể hiểu nơi các vấn đề có thể xảy ra và đưa ra những hành động phù hợp. Ví dụ, trong đại dịch khi các phòng tập thể dục đóng cửa, Amsterdam đã sử dụng Public Eye tại một khu tập thể dục ngoài trời nổi tiếng ở Marineterrein. Nếu thuật toán phát hiện thấy mọi người ở quá gần nhau, các đèn LED sẽ chuyển sang màu xanh lam và thậm chí chuyển sang màu đỏ nếu có quá nhiều người trong khu vực.

Tại sao Amsterdam phát triển công nghệ giám sát đám đông của riêng mình - Ảnh 2.

Hiện có một số lo ngại về quyền riêng tư khi ngày càng có nhiều công cụ tiên tiến hơn xuất hiện. Chẳng hạn, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã cảnh báo rằng công nghệ phân tích video có thể biến camera thành "những vệ sĩ robot luôn theo dõi con người".

Groothoff cho biết: "Chúng tôi muốn tránh điều đó. Chúng tôi không muốn mọi người nhận vé phạt hoặc bị tiền phạt. Chúng tôi muốn ngăn chặn việc này bằng cách đảm bảo ngay từ đầu các khu vực không quá đông đúc và giúp mọi người đưa ra các quyết định sáng suốt".

Tom van Arman, người sáng lập và Giám đốc Tapp, cho biết công cụ này đã mang lại kết quả tích cực. Ví dụ, hệ thống xác nhận rằng mọi người đã rời khu vực Marineterrein đúng giờ khi có lệnh giới nghiêm liên quan đến COVID-19.

"Dữ liệu đang giúp hiển thị sự thật về những gì đang diễn ra, về hành vi và xu hướng của người dùng và chúng tôi đang sử dụng dữ liệu đó để nâng cao trải nghiệm dịch vụ", Van Arman nhấn mạnh.

Tại sao Amsterdam lại tự phát triển công nghệ giám sát đám đông của riêng mình?

Public Eye được phát triển với sự hỗ trợ của hệ thống giám sát đám đông Amsterdam (CMSA- Crowd Monitoring System Amsterdam). Đây là một hệ thống sử dụng các cảm biến và camera để đo mật độ người qua lại. Nó được triển khai cho sự kiện đua thuyền SAIL vào năm 2015 và hiện có mặt thường trực tại các khu vực đông đúc như quận De Wallen, trạm xe buýt trung tâm và gần bến phà. Khi thành phố Amsterdam bắt đầu xây dựng kế hoạch tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA Euro 2020, chính quyền thành phố muốn theo dõi tình trạng đông đúc xung quanh sân vận động và nhà ga gần đó.

Groothoff cho biết: "Hóa ra không có bất kỳ giải pháp nào trên thị trường thực sự có thể giám sát toàn bộ một khu vực rộng lớn. Hầu hết các giải pháp tập trung vào một con hẻm nhỏ hoặc tương tự".

Mối quan tâm về quyền riêng tư cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển Public Eye. Groothoff lưu ý rằng hệ thống giảm nhu cầu giám sát các nguồn dữ liệu cá nhân từ camera bằng cách chuyển chúng thành số và bản đồ nhiệt. Cảnh quay camera không được lưu hoặc ghi lại, ngoài một số lượng nhỏ hình ảnh để đào tạo thuật toán và được xử lý trên mạng được mã hóa do của chính quyền thành phố.

Tính minh bạch của thuật toán cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng đối với các thành phố.

Groothoff nhấn mạnh: "Rất khó để thành phố xác định được mức độ đảm bảo quyền riêng tư nếu bạn không biết công nghệ đằng sau nó hoạt động như thế nào. Vì vậy, khi bạn tự phát triển, bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn để đảm bảo đạo đức và quyền riêng tư".

Hệ thống này sử dụng mã nguồn mở và Amsterdam đã hợp tác với các trường đại học và các chuyên gia để đánh giá về mức độ đảm bảo quyền riêng tư. Public Eye cũng đã được bổ sung vào AI Register của thành phố ra mắt năm ngoái để giúp người dân hiểu cách dữ liệu đang được sử dụng.

Theo Van Arman, các mô hình dự đoán của Public Eye có tỷ lệ chính xác từ 85 - 90%. Sự tham gia của công chúng là một phần quan trọng của thí điểm Public Eye. Thông tin được hiển thị bên dưới mỗi camera để giải thích về nội dung nghiên cứu.

Ngoài ra, thành phố còn đang triển khai dự án Shuttercam để thử nghiệm các camera có cửa chớp đóng mở, giúp mọi người biết khi nào các cảm biến hoạt động. Ba camera nguyên mẫu đang được thử nghiệm trong Marineterrein Amsterdam Living Lab, trong đó 1 camera có màn trập hoạt động theo lịch thời gian đã định, 1 camera khác mà người dân có thể tắt tạm thời hoặc "chọn không tham gia" và 1 camera thứ ba phải được điều chỉnh thủ công mỗi tuần một lần như một rào cản vật lý để khiến thành phố lưu tâm hơn về việc có cần thiết phải bật camera vô thời hạn hay không.

Từ đây, Amsterdam muốn khám phá việc mở rộng hệ thống - của riêng mình hoặc do khu vực tư nhân cung cấp - để đếm người đi xe đạp và ô tô cũng như người đi bộ để giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Nó cũng có thể được sử dụng như một phần của quá trình thử nghiệm xe tự hành./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Amsterdam phát triển công nghệ giám sát đám đông của riêng mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO