“Tân cổ giao duyên” nơi làng đá vùng biên ải

Minh Thiện| 26/01/2020 17:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Linh hồn của đá và người giao thoa tạo nên nét đặc sắc trong cảnh sắc và văn hóa Làng đá Khuổi Ky.

Đặc sắc làng đá 

Làng đá Khuổi Ky là tên của một ngôi làng khá đặc biệt trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), nằm bên tỉnh lộ 206, trên đường vào khám phá động Ngườm Ngao.

Nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá, cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo của người dân vùng biên giới này đã khiến nhiều du khách tò mò đến và khám phá nơi đây. 

Biển chỉ đường vào làng đá nằm bên đường quốc lộ 

Đường vào làng đá Khuổi Ky

Làng đá Khuổi Ky có 14 mái nhà sàn nằm nép mình dưới chân núi, phía trước là dòng suối Khuổi Ky ngày đêm róc rách như một bản nhạc nước vui tai. Kế bên là cánh đồng quanh năm trù phú. Đến nơi đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng bức họa thiên nhiên giống như người xưa ca ngợi “sơn thủy hữu tình”.  

Dòng suối Khuổi Ky trong vắt chảy qua làng 

Những ngôi nhà, từ tường cho đến các cột, trụ được làm hoàn toàn bằng đá. Bà con đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức tường đá một cách kiên cố, chắc chắn như một pháo đài.  

Tương tự các dân tộc khác ở các vùng miền trên đất nước ta, nhà sàn đối với người dân tộc Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng, nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ. Đặc biệt, đồng bào Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Giữa vùng biên cương, những ngôi nhà sàn đá vẫn bền bỉ, kiên trì, bao bọc, chở che những con người hiền lành, chất phác trước những khắc nghiệt của thiên nhiên.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cho tới ngày nay trong tâm thức người Tày, “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm. Trong phong tục của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng.

Thông qua những buổi tế lễ, họ mong muốn có thể truyền đạt, cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Tập tục tế thần đá này còn thể hiện ý thức trách nhiệm của một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên. Có lẽ bởi vậy, người Tày nơi đây đã sáng tạo ra những ngôi nhà sàn bằng đá chắc chắn, mộc mạc, bình dị và độc đáo. 

Ngôi nhà đẹp nhất làng Khuổi Ky được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên

Từ thác Bản Giốc đi vào làng Khuổi Ky chỉ cách khoảng 2 km. Khi bước vào làng Khuổi Ky, bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt của làng bởi thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, bà con ở đây đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách kiên cố. Du khách sẽ cảm nhận như lạc giữa một chiến lũy được bày binh bố trận bởi những bức tường đá bao bọc các ngôi nhà. 

Những bức tường như chiến lũy, những ngôi nhà sàn cổ kính với kiến trúc độc đáo ấy được tạo ra từ bàn tay khéo léo, từ tấm lòng đầy trân trọng của người Tày nơi đây. Nhưng có lẽ ít người biết để xây dựng hoàn thiện một ngôi nhà đá là điều không dễ dàng. Từ lúc có ý định dựng nhà, người Tày đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó. Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2 - 3 năm.

Những viên đá cứng, đẹp là nguyên liệu bắt buộc, quan trọng nhất để dựng nhà. Việc chọn đá cũng mang ý nghĩa tâm linh sâu xa bởi họ cho rằng những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên mang trong mình nguồn năng lượng và linh khí rất cao. 

Lối đi trong Làng đá vòng vèo qua những nếp nhà sàn

Việc chọn địa điểm dựng nhà cũng được cân nhắc cẩn thận. Nơi dựng nhà thường là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. Khi đã định vị được ngôi nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp từng viên đá.

Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát. Để xếp được những bức tường đã rất khó, nhưng để lên tầng cho ngôi nhà càng khó hơn. Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt những cây cột dài, thẳng làm kèo. Sau đó người ta xếp những tấm ván hoặc tre để rải làm nền, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2.

Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỷ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến nhà đá bị siêu vẹo, dễ đổ. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8m.

Giai đoạn cuối cùng trong việc dựng một ngôi nhà đá chính là lợp ngói. Những ngôi nhà bằng đá chỉ nên lợp ngói âm dương. Loại ngói này sẽ giữ cho ngôi nhà đá mang đậm vẻ cổ kính. Theo các tài liệu ghi lại, vào những năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên dành riêng cho những bậc quyền quý. Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên viễn.  

Nơi giao thoa của văn hóa và công nghệ

Cả làng Khuổi Ky có 14 căn nhà sàn bằng đá. Để bảo tồn, phục dựng lại, các cơ quan chức năng Cao Bằng phải tiêu tốn ngót ba năm trời xếp đá và giúp người dân sửa chữa lại cho khang trang hơn. Mãi đến năm 2010 “làng đá” này được chỉnh trang hoàn tất với những nét kiến trúc độc đáo. Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người. 

Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó trưởng Phòng VHTT huyện Trùng Khánh

Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó trưởng Phòng Văn hoá thông tin (VHTT) huyện Trùng Khánh, cho biết: Làng Đá Khuổi Ky hiện tại có 14 hộ, trong đó có 7 hộ tham gia thực hiện chương trình du lịch cộng đồng (HomeStay). Hàng năm khách du lịch đến tương đối đông, đặc biệt vào những kỳ nghỉ lễ, Tết… Khách du lịch tới làng đá thường là đi “phượt” hoặc du khách nước ngoài muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa. Họ quan tâm đến ẩm thực, cảnh đẹp, sự an bình trong cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Chương trình phát triển du lịch cộng đồng này nằm trong dự án bảo tồn làng đá của UBND tỉnh nhằm gìn giữ nét đặc sắc văn hóa bản địa gắn liền với đời sống của bà con nhân dân, đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch non nước Cao Bằng. Đá làm nhà được bà con tự khai thác từ trong núi rồi tự xây nhà sàn. Chất liệu đá ngăn chặn hữu hiệu cái nóng mùa hè và đảm bảo độ ấm áp trong mùa đông lạnh giá của miền núi.

Năm 2018 có khoảng hơn 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan làng đá. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, đã có khoảng hơn 250.000 lượt khách đến chiêm ngưỡng cảnh quan và tìm hiểu văn hóa nơi đây.

Anh Triệu Ích Sỹ, 34 tuổi, dân tộc Tày, chủ nhà HomeStay Yến Nhi, cho biết: Ngôi nhà sàn đá anh đang ở được truyền từ đời cụ, đời ông của anh. Đến thế hệ anh tiếp quản, ngôi nhà đã có tuổi gần trăm năm rồi. Kiến trúc của ngôi nhà vẫn vững chãi và chỉ trải qua vài lần sửa chữa nhỏ như thay ngói, sửa lại sàn nhà cho vững vàng hơn.  Trước đây nhà anh làm nương rẫy. Tình cờ, năm 2016 anh đi chơi ở Hoàng Su Phì, thấy mô hình HomeStay có hiệu quả nên cũng tìm hiểu và học làm theo. Gia đình anh triển khai HomeStay đầu tiên ở huyện. Yến Nhi là tên của cô con gái đầu lòng của anh (năm nay 7 tuổi). 

Anh Triệu Ích Sỹ, chủ nhà HomeStay Yến Nhi, chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm làm HomeStay 

Anh Sỹ chia sẻ, anh và người dân ở đây không biết tiếng Anh nên lúc đầu rất khó khăn trong giao tiếp với người nước ngoài. Đồng thời, sự hiểu biết về pháp luật trong làm dịch vụ HomeStay cũng hạn chế. Sau quá trình làm và tìm hiểu dần, được sự tư vấn của chính quyền sở tại, hoạt động kinh doanh HomeStay của người dân nơi đây bắt đầu ổn định và gặp nhiều thuận lợi.

Thời gian mấy tháng đầu nhà anh không có khách, một phần vì không mấy ai biết. Dần dần, anh sử dụng các công cụ quảng bá trên mạng như tham gia vào hệ thống booking.com, làm các clip giới thiệu và chủ yếu là du khách tới thấy cảnh quan đặc sắc đã tự làm clip để quảng bá rộng rãi giúp nhiều người biết đến dịch vụ HomeStay ở đây. 

Ngôi nhà sàn đá của gia đình anh Sỹ hiện là Yến Nhi HomeStay

Hiện nay, hoạt động kinh doanh của anh Sỹ khá bài bản, ngoài việc trang bị đầy đủ những đồ dùng thường thấy trong các nhà nghỉ, khách sạn như máy giặt, tủ lạnh, anh còn thực hiện quảng cáo trên mạng nhằm quảng bá rộng rãi hơn tới du khách.

Bây giờ chỉ cần vào Google tìm kiếm với từ khóa “khuổi ky homestay” sẽ hiện lên hơn 10.000 kết quả trong 0,4 giây. Anh kết hợp với các công ty du lịch đưa khách du lịch theo đoàn, nhưng mỗi tháng chỉ khoảng 2 lần đưa khách vào. Còn lại chủ yếu là khách lẻ, tự tìm kiếm và đặt phòng tại nhà anh. Lượng khách này khá đều, hầu hết là người nước ngoài. 

Cách trang trí nhà trong HomeStay Yến Nhi. Các thiết bị gia dụng khác cũng khá đầy đủ 

Ngay cả việc quảng cáo trên trang mạng là nhờ vợ anh có điện thoại thông minh, thường xuyên vào mạng và biết về các thông tin dịch vụ quảng cáo nên việc này anh giao cho vợ. Sau 3 năm kinh doanh dịch vụ này, gia đình anh Sỹ đã có thu nhập tốt hơn trước, mua được thêm nhiều thiết bị, đồ dùng gia đình, như xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt…vừa phục vụ nhu cầu khách du lịch, vừa phục vụ cuộc sống hàng ngày của gia đình. 

Thấy gia đình anh Sỹ làm dịch vụ HomeStay có thu nhập tốt, bà con nơi đây cũng học tập làm theo. Chủ HomeStay Quang Thuận cho biết, gia đình ông cũng mới làm HomeStay hơn một năm. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, hoạt động dịch vụ HomeStay đã đi vào quy củ. 

Vợ và con gái ông tâm sự, vì không biết tiếng Anh nên lúc đầu khó giao tiếp với người nước ngoài. Sau gia đình dùng tính năng dịch của Google Translate và bây giờ là Google Assistant trên smartphone để nói chuyện với khách nước ngoài. Phương pháp này đơn giản nhưng khá hiệu quả để hai bên hiểu nhau, biết du khách yêu cầu cái gì và đáp ứng nhanh chóng. 

Người trong gia đình Quang Thuận HomeStay chia sẻ với du khách về cách giao tiếp với khách nước ngoài bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh

Trong các HomeStay đều dán bảng giá dịch vụ bằng tiếng Anh và tiếng Việt rất rõ ràng. Đặc biệt các nhà đều cung cấp WiFi miễn phí cho du khách, dù là chỉ đến tham quan hay nghỉ lại. Nhà nào cũng có sảnh khách chung, vườn và sân hiên nhìn ra phong cảnh thoáng đãng. Phòng nghỉ được trang bị bếp đầy đủ tiện nghi với tủ lạnh, ấm đun nước và bếp nấu. Phòng vệ sinh hiện đại, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi.

Nhìn trên trang booking.com, nhận xét của người du lịch từng ở các HomeStay tại Làng đá, cả người trong nước và nước ngoài, đều đánh giá rất tích cực từ thái độ phục vụ tới sự nhiệt tinh của người dân. Ngay cả những món ăn do bà con nơi đây tự nấu cho du khách cũng được đánh giá rất cao. 

Đánh giá rất tốt của du khách về HomeStay tại làng đá

Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao, vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên ải. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, vẻ đẹp của những sắc màu tự nhiên và cuộc sống sinh hoạt yên bình hòa quyện vào nhau, tạo nên những màu sắc, hình khối khắc sâu trong tâm tưởng du khách. Tâm hồn của đá, tâm hồn của người Tày chịu thương, chịu khó đã tạo nên hồn cốt của làng Khuổi Ky, cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ.

Giờ đây, những công nghệ mới, mạng Internet toàn cầu lại đang giúp dân làng nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa bảo tồn, vừa phát huy truyền thống cả vẻ đẹp tự nhiên và con người nơi đây. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và công nghệ đang từng giờ, từng ngày giúp đời sống của bà con nơi đây ngày một tốt đẹp hơn. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Tân cổ giao duyên” nơi làng đá vùng biên ải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO