Chuyển đổi số

Tăng cường sử dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước

Gia Bách 22/12/2023 16:22

Trước sự phát triển mạnh của CNTT, chữ ký số (CKS) ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Với mục tiêu hướng tới Chính phủ số (CPS), CKS cũng tiếp tục được đẩy mạnh trong cơ quan nhà nước (CQNN) giúp tích cực chuyển đổi số (CĐS) trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

CĐS góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giảm thủ tục hành chính và giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả. Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

cks-trong-cqnn(1).jpeg
Việc triển khai, sử dụng CKS chuyên dùng trong các CQNN đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử (GDĐT), tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành.

Sử dụng CKS góp phần đảm bảo an ninh thông tin

Cùng với việc áp dụng hiệu quả công nghệ số thì tình hình mất an toàn, an ninh thông tin ở nước ta diễn biến phức tạp, hệ thống mạng thông tin nước ta nằm trong nhóm các quốc gia phải đối mặt với nhiều mã độc nhất và thường xuyên bị tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, tính chất tinh vi, có tổ chức và ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng.

Đặc biệt, tình trạng lộ lọt thông tin, bí mật nhà nước trên không gian mạng gia tăng đáng báo động cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương với nhiều biểu hiện và hình thức khác nhau. Tình hình đó đã gây hậu quả nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại của đất nước.

Ban Cơ yếu Chính phủ xác định nhiệm vụ cung cấp, quản lý dịch vụ CKS chuyên dùng Chính phủ là nhiệm vụ mới và vô cùng quan trọng; việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trên sẽ tạo yếu tố tác động thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới CPS, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc gia vừa tạo điều kiện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc triển khai, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các GDĐT, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành.

Những bất cập trong việc sử dụng CKS

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng CKS vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Một số sở, ngành, địa phương chưa mạnh dạn thay đổi thói quen làm việc, ký số văn bản; việc áp dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, các hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi…

Từ thực trạng trên, các CQNN đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó là việc khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới CPS, thúc đẩy CĐS quốc gia.

Đồng thời, tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật cho Hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ đảm bảo bảo mật, an toàn trước sự phát triển của công nghệ lượng tử đặc biệt là các công nghệ xác thực mới.

Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ đề xuất việc tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành địa phương để kiến nghị, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của CQNN các cấp. Tất cả nỗ lực, hành động vì mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) và hướng tới CPS.

Tích hợp giải pháp CKS vào cổng dịch vụ công

Ở thời điểm hiện tại, với dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đặc biệt với một số DVCTT mức độ 3, mức độ 4, người dân chỉ cần ngồi nhà hay bất cứ đâu có mạng Internet đã có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà không cần phải đến cơ quan công quyền.

Hiện nay, trên cổng dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 3.000 DVCTT, tuy nhiên, Chính phủ đã quyết định trước mắt ưu tiên chọn 25 DVC trọng điểm thiết yếu để phục vụ người dân từ đăng ký khai sinh, khai tử, hộ chiếu online, đăng ký kết hôn, đến nộp lệ phí vi phạm giao thông...

Với các hoạt động cải cách hành chính, các ứng dụng CNTT chính là động lực và yếu tố thúc đẩy quá trình cải cách, tạo điều kiện để các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Phát triển CPĐT giúp đổi mới phương thức hoạt động của các CQNN, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền; Giúp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp.

Ngoài ra là nâng cao hiệu lực pháp luật, quản lý Nhà nước hiệu quả và minh bạch hơn, bên cạnh đó giúp cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN). Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước sẽ giảm chi phí, thời gian, tăng tính tiện lợi cho người dân và các tổ chức trong việc giải quyết công việc.

Tuy nhiên, các GDĐT trên môi trường mạng luôn tồn tại các nguy cơ về an toàn thông tin như: đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin, mạo danh người gửi… Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có phương thức đảm bảo để thông tin, tài liệu trao đổi trên mạng phải được toàn vẹn, xác định được nguồn gốc và chống chối bỏ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch.

Đối với văn bản giấy, việc xác thực được thông qua chữ ký tay của người gửi và con dấu của tổ chức. Đối với văn bản, tài liệu điện tử, thì việc xác thực được thực hiện bằng CKS là giải pháp đảm bảo tính an toàn. Ngoài ra, việc nhận hồ sơ, trả kết quả hồ sơ đúng hẹn, công khai minh bạch cũng cần được nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hơn trong quá trình quản lý nhà nước. Do đó, CKS hay chữ ký điện tử ngày càng được áp dụng rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, DN và người dân./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sử dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO