Kinh tế số

Giải pháp số để “mỗi làng một sản phẩm” lan toả bền vững

Hoàng Linh 15:47 06/04/2023

Phong trào "Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) xuất phát từ Nhật Bản. Trong kỷ nguyên số, OVOP thậm chí có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu có thể tận dụng các yếu tố mới như thương mại điện tử (TMĐT).

TMĐT là phương tiện quan trọng để OVOP bền vững

Tại hội thảo APEC thúc đẩy OVOP thông qua TMĐT diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/4/2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết OVOP lần đầu tiên được khởi xướng bởi TS. Morihiko Hiramatsu, người đã từng giữ chức Thống đốc tỉnh Oita, vào năm 1979 tại Nhật Bản và mở rộng toàn cầu.

ong-nguyen-the-quang-06042023.jpg
Ông Nguyễn Thế Quang: TMĐT nên được coi là một phương tiện quan trọng để thúc đẩy ảnh hưởng bền vững của OVOP

“OVOP có những đặc tính ưu việt đã được công nhận. OVOP được cho là cách tiếp cận đơn giản để sản xuất các sản phẩm địa phương, kết nối các thị trường đa dạng nhằm giải quyết các vấn đề của địa phương”.

Trong quá trình đó, có 3 nguyên tắc được sử dụng và nhấn mạnh để đảm bảo việc triển khai hiệu quả”: (1) địa phương nhưng toàn cầu, là sản xuất các sản phẩm được chấp nhận trên toàn cầu với hương vị và văn hoá của địa phương; (2) tự lực và sáng tạo, có nghĩa là thúc đẩy đổi mới sản xuất các sản phẩm, dịch vụ OVOP thông qua tận dụng các nguồn lực tiềm năng ở địa phương; (3) phát triển nguồn nhân lực sẵn có trong địa phương, khơi dậy tinh thần cách thức sáng tạo.

Với các cách thức này, kể từ khi lần đầu được giới thiệu, OVOP đã đạt được sự phát triển đáng kể ở các nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Riêng ở châu Á, OVOP đã được triển khai thành công ở cả cấp trung ương và địa phương, như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Phillipines và Việt Nam.

Với tiềm năng và thành quả đã đạt được cho đến nay, ông Quang cho biết OVOP sẽ tiếp tục là một chính sách thiết thực và hiệu quả để các nền kinh tế theo đuổi trong dài hạn như kể từ khi ra đời trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý để có thể tiếp tục phát huy hiệu quả của OVOP, cần tính đến các yếu tố, hoàn cảnh mới nổi, trong số đó TMĐT nên được coi là một phương tiện quan trọng để thúc đẩy ảnh hưởng bền vững của OVOP.

Cùng với đó từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp (DN) đã thích nghi với tình trạng phong toả, gián đoạn của chuỗi cung ứng và cũng đã ngày càng biết cách khai thác TMĐT. Theo đó, TMĐT đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và ngày càng góp phần vào việc tái định hình và đổi mới hoạt động kinh doanh từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Ông Katsura Seiichiro, Bộ thương mại và Kinh tế Nhật Bản cho biết kể từ khi ra đời, Nhật Bản đã có những phong trào xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nhưng có giá trị cộng thêm và sau đó được nhân rộng ra ngoài tỉnh Oita. Các sản phẩm OVOP được bán mạnh qua nền tảng TMĐT. OVOP cũng có trang web riêng và toàn bộ các sản phẩm OVOP được giới thiệu. Cơ quan JETRO đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động quảng bá OVOP.

Không chỉ quảng bá trên nền tảng số, OVOP của Nhật Bản còn được đưa đến các không gian ở sân bay, trường đại học để gắn kết, thôi thúc người dân đến các làng xã OVOP. Việc kết nối gian hàng trực tiếp và gian hàng TMĐT rất quan trọng trong phát triển OVOP ở Nhật Bản.

Thách thức và giải pháp thúc đẩy OVOP trên các nền tảng số

Chia sẻ về mô hình phát triển OVOP tại Inđonesia, ông Eddy Siswan, đến từ cơ quan quản lý chất lượng ngành công nghiệp Indonesia cho biết nước này có chính sách phát triển ngành công nghiệp theo cụm, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa (SME). Các cụm công nghiệp là 1 nhóm các SME sản xuất chung 1 sản phẩm, sử dụng chung nguyên luyện đầu vào, cùng quy trình sản xuất, nên thúc đẩy hạ tầng chung, máy móc và kết nối họ với các trường viện nghiên cứu để được chuyển giao kiến thức, tham gia các chương trình chất lượng và đảm bảo đầu vào, công nghệ đóng gói cho các cụm công nghiệp này.

hoi-thao-apec-06042023.jpg
Các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm về thúc đẩy OVOP qua các nền tảng số

Indonesia cũng có trang web về OVOP và thúc đẩy SME tham gia vào thị trường số để quảng bá các sản phẩm của mình. Tháng 4/2018, Tổng thống Indonesia đã tuyên bố các chương trình, chính sách 4.0 cho các ngành: thực phẩm và đồ uống, dệt may, hoá học, thiết bị điện tử, ô tô, dược, thiết bị y tế, khuyến khích sự tham gia của SME… Indonesia cũng giới thiệu robotics, các công nghệ số, hội thảo tập huân về kinh doanh trên môi trường số cho các SME để tham gia cuộc cách mạng 4.0.

Indonesia còn có chương trình I-SMART IKM (SMI) thúc đẩy SME tham gia triển khai nền tảng số, trong đó có chợ điện tử, phổ cập kỹ năng số, tối ưu hoá TMĐT, hỗ trợ kỹ thuật phát triển sản phẩm… Năm 2022, có hơn 15.000 SME tham gia và số DN tiếp tục tăng lên.

Khi tham gia môi trường số, ông Eddy cũng cho biết SME cũng đối mặt với các thách thức như nhân lực tiếp cận môi trường mạng thiếu, chụp ảnh, định giá sản phẩm… Theo đó, chính sách hỗ trợ các SME theo hướng là mỗi cụm công nghiệp 2 người thiết kế nội dung số, hướng dẫn chụp, sử dụng ảnh sản phẩm làm sao có thiết kế sản phẩm hấp dẫn nhất. Khi đưa sản phẩm lên các chợ/thị trường số cũng có một chuyên gia tập huấn cho các cụm công nghiệp.

Ông Eddy cũng cho rằng chúng ta đang có thế hệ trẻ tuổi mới có thể thúc đẩy giới thiệu sản phẩm qua Facebook, Instagram và trong thời gian tới các SME sẽ tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động TMĐT.

Còn theo chia sẻ của ông Mohd Faizal Dolah, Malaysia có kế hoạch mạng lưới số quốc gia để tăng cường sử dụng 5G để phổ cập Internet ở nông thôn, tạo thuận lợi cho doanh nhân đưa sản phẩm OVOP lên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, thúc đẩy OVOP phải có cơ sở hạ tầng logistics mạnh để đảm bảo vận chuyển hàng hoá theo thời gian và làm hài lòng khách hàng. Malaysia cũng có chương trình vận tải hàng hoá qua đường sắt, giúp cho năng lực vận tải cao hơn. 

Bên cạnh đó, Malaysia cũng có chương trình nâng cao năng lực số giúp người dân chụp ảnh sản phẩm OVOP sao cho hấp dẫn, nâng cao năng lực quảng bá sản phẩm trên môi trường số… khi mà doanh nhân khu vực nông thôn là người trung niên, cao tuổi nên năng lực về số, CNTT, máy tính không cao.

Để thúc đẩy OVOP, DN OVOP cũng cần phải tuân thủ các quy chuẩn để xuất khẩu sản phẩm trong thời đại xuyên biên giới như hiện nay. Ông Katsura Seiichiro cho biết thêm hộ sản xuất hiện nay có thể dùng thêm các nền tảng số như Facebook, Instagram, Twitter… để kết nối các sản phẩm thông qua sàn TMĐT. “Sự phát triển trong tương lai diễn ra nhanh chóng khó đưa ra chiến lược dài hạn nhưng có thể đưa ra các mục tiêu để thực hiện chiến lược”.

Bên cạnh các trao đổi của các diễn giả, các đại biểu cũng chia sẻ các nước APEC có thể nghiên cứu xây dựng một nền tảng số chung cho các sản phẩm OVOP của APEC.

Chuyển đổi số là cơ hội để Thừa Thiên Huế phát triển OVOP

Chia sẻ những đề xuất về phát triển OVOP cho Thừa Thiên Huế, TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Huế cho biết nhu cầu sản phẩm nông nghiệp đang tăng cao trên thế giới về cả lượng và chất. Theo đó, Huế cần thúc đẩy xây dựng nông sản thành thương hiệu quốc tế và việc áp dụng sản xuất công nghệ cao là yếu tố quyết định sự thành công này. Chính ngay lúc này Thừa Thiên Huế đang có nhiều thuận lợi, thế mạnh đặc biệt nên là thời cơ để phát triển tổng lực.

“Cơ hội đưa Thừa Thiên Huế phát triển về nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ cao khi nhiều DN người Huế đang là công ty, tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong mảng công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao muốn đầu tư”, ông Cường cho hay.

Việt Nam đang hướng đến là “Bếp ăn của thế giới”. Trong khi đó, theo TS. Cung Trọng Cường, Huế là trung tâm ẩm thực với nhiều món đặc sản tuyệt vời. Thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ này chính là cơ hội để đưa Huế lên tầm cao mới và trở thành bếp ăn của Việt Nam, của thế giới và Chương trình OVOP là một cơ hội”, TS. Cung Trọng Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Cung Trọng Cường cho hay nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ Thừa Thiên Huế chưa thực sự trở thành lĩnh vực thúc đẩy cho phát triển kinh tế xã hội, ứng dụng công nghệ và các mô hình ĐMST chỉ mới bắt đầu và chưa được nhân rộng.

Quan điểm phát triển của Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 54/NQ-TW là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Theo đó, TS. Cung Trọng Cường đề xuất để phát triển OVOP cần thành lập tổ công tác/đơn vị giúp việc để quản lý và xúc tiến phát triển công nghiệp sáng tạo, lĩnh vực phát triển sản phẩm địa phương của Thừa Thiên Huế; đặt hàng, nghiên cứu tiềm năng và quy hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo/sản phẩm truyền thống; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh, đào tạo nhân lực lĩnh lực thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống và sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các trung tâm sáng tạo (creative hub) và khởi nghiệp lĩnh vực sản phẩm về văn hóa ngà ngành nghề truyền thống; khuyến khích nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu hiện tại; tổ chức Festival, hội chợ xúc tiến thủ công truyền thống, thiết kế, hội chợ sản phẩm sáng tạo, nghệ̣ thuật, ngành nghề truyền thống…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định điều động, bổ nhiệm Tổng Giám đốc VTV
    Chiều 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Cùng dự lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và VTV.
  • Tạo "hệ sinh thái" KOL trẻ vì cộng đồng
    Sau hành trình của Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam năm 2018, vượt ra ngoài khuôn khổ trận đấu, mỗi cầu thủ sau khi trở về đều trở thành niềm tự hào của quê hương, đồng thời truyền cảm hứng, nối ước mơ cho thế hệ trẻ. Cùng công thức ấy, liệu có thể áp dụng cho lĩnh vực chính trị-xã hội?
  • Chiến lược "4 Mới" - chìa khóa then chốt để khai phóng giá trị kinh doanh của nhà mạng
    Trước làn sóng chuyển đổi số thông minh, chiến lược "4 Mới" không chỉ đại diện cho nỗ lực đổi mới công nghệ mạng, mà còn là động lực quan trọng để không ngừng khai phóng giá trị kinh doanh của mạng.
  • Bưu điện ra quân vận động 150.000 người tham gia BHXH
    Phát huy khí thế của ngày ra quân, các Bưu điện trung tâm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành mục tiêu, phấn đấu đến 31/12/2024 đạt được 15.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 900.000 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
  • ‏YouTube Shopping Affiliate ra mắt tại Việt Nam
    Ngày 2/11, YouTube chính thức ra mắt chương trình YouTube Shopping Affiliate tại Việt Nam, mở đầu hợp tác cùng Shopee. Chương trình này sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp số để “mỗi làng một sản phẩm” lan toả bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO