Tập đoàn Accor được xem là một trong những tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng nhất thế giới, sở hữu các chuỗi hệ thống khách sạn lừng danh, trong đó phải kể đến những cái tên như Mercure, Sofitel, Novotel, Pullman,..
Với hệ thống các khách sạn và thương hiệu ngày càng mở rộng ở Đông Nam Á, Accor muốn giảm bớt hạ tầng phần cứng và sẵn sàng mở rộng các dịch vụ của mình tại khắp các khách sạn trong tương lai. Vì vậy, tập đoàn quản lý khách sạn của Pháp này đã bắt đầu triển khai sáng kiến chuyển đổi các khách sạn ở Đông Nam Á lên đám mây vào cuối năm 2019.
"Mặc dù phần lớn các khách sạn ở ASEAN ngày nay vẫn sử dụng các máy chủ tại chỗ, định hướng tương lai là phát triển các khách sạn mới chủ yếu bằng công nghệ đám mây và dần dần chuyển đổi hệ thống của các khách sạn hiện có lên đám mây", Khang Nguyen Trieu, kiến trúc sư trưởng nhóm công nghệ tại Accor, cho biết.
Accor hiện đang quản lý hơn 5.100 khách sạn tại 110 quốc gia trên thế giới. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Accor cũng vận hành 1.200 khách sạn tại 22 quốc gia với nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm Sofitel, Pullman, MGallery, Novotel, Mercure và Ibis.
Accor bắt đầu triển khai sáng kiến của mình với các khách sạn mới, cụ thể là triển khai các hệ thống quản lý tài sản trên đám mây vào năm 2020 tại Thái Lan và Hàn Quốc.
Những thách thức từ hạ tầng cũ hiện có
Các khách sạn hiện tại sẽ được chuyển đổi lên đám mây dựa trên việc đánh giá từng trường hợp cụ thể với các chủ khách sạn về ROI, bởi nhiều khách sạn vẫn đang khấu hao các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hiện có của mình. Tiếp cận sử dụng hạ tầng tại chỗ thường đi kèm với chi phí phát sinh riêng mà khi chuyển sang đám mây có thể giảm bớt. Với các hạ tầng tại chỗ, việc vận hành đỏi hỏi phải quản lý hệ thống ở tất cả chuỗi hệ thống khách sạn, làm tăng chi phí bảo trì tổng thể cũng như các rủi ro về an ninh mạng
Hơn nữa, theo Khang, một số chủ khách sạn còn triển khai những ứng dụng nội bộ mà không có gì đảm bảo rằng nó có thể hoạt động tốt theo thời gian và tuân thủ các tiêu chuẩn của Accor.
"Không giống như châu Âu, Mỹ hoặc Trung Quốc - có sự đồng nhất khá nhiều về tiền tệ, quy định, thuế, kết nối và ngôn ngữ - ASEAN rất đa dạng về tất cả các khía cạnh này," Khang cho biết. "Điều này làm cho việc áp dụng một giải pháp, triển khai và bảo trì trở nên phức tạp hơn: các yêu cầu về cấu hình và giải pháp cho từng quốc gia cũng như quy trình triển khai phải được địa phương hóa cho từng quốc gia."
Việc chuyển sang các ứng dụng khách sạn dựa trên đám mây có thể làm giảm bớt những thách thức này, bằng cách cung cấp phần cứng, hệ điều hành và các ứng dụng phổ biến được lưu trữ trên đám mây.
Thúc đẩy chuyển đổi lên đám mây
Hiện tại, quá trình chuyển đổi lên đám mây tại bất kỳ khách sạn nào sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Nhiều bên liên quan khác nhau sẽ tham gia trong quá trình chuyển đổi lên đám mây và rất nhiều điều chỉnh được thực hiện để phù hợp với môi trường CNTT của mỗi quốc gia hoặc khách sạn cụ thể. Khi giới thiệu hệ thống quản lý tài sản dựa trên đám mây, cần có đánh giá sơ bộ để xác định các tác động đến môi trường CNTT như kết nối.
Accor đang làm việc để tạo ra một "khách sạn trên đám mây" tiêu chuẩn, toàn cầu, trong đó sẽ đóng gói cả các ứng dụng đám mây và không phải đám mây. "Tham vọng của chúng tôi là giảm 80% phần cứng phía máy chủ cho các khách sạn khi tăng cường cung cấp dịch vụ đám mây của mình".
Hiện tại, Accor đang sử dụng các đám mây khác nhau, bao gồm Amazon Web Services, Microsoft Azure và Google Cloud. Khang cho biết: "Chúng tôi hiện đang củng cố chiến lược của mình để đẩy nhanh tiến độ chuyển sang đám mây và lựa chọn khi nào sử dụng đám mây nào".