An toàn thông tin

Tập đoàn thiết kế kiến trúc Arup trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo deepfake

TH 17/05/2024 15:22

Arup, tập đoàn thiết kế và kỹ thuật đa quốc gia của Anh, đã xác nhận là mục tiêu của một vụ lừa đảo deepfake khiến một trong những nhân viên ở Hồng Kông của họ phải trả 25 triệu USD cho những kẻ lừa đảo.

picture1.png

Arup là một trong những tập đoàn thiết kế kiến trúc hàng đầu thế giới, nổi tiếng với các công trình như Nhà hát Opera Sydney hay công trình Centre Pompidou tại Paris.

Người phát ngôn của Arup tại trụ sở ở London nói với CNN rằng họ đã thông báo cho cảnh sát Hồng Kông vào tháng 1 về vụ lừa đảo và xác nhận rằng giọng nói và hình ảnh giả mạo đã được sử dụng.

“Thật không may, chúng tôi không thể đưa ra thông tin chi tiết ở giai đoạn này vì vụ việc vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xác nhận rằng giọng nói và hình ảnh giả mạo đã được sử dụng”, người phát ngôn cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.

Người phát ngôn nói thêm rằng: “Sự ổn định tài chính và hoạt động kinh doanh của chúng tôi không bị ảnh hưởng và không có hệ thống nội bộ nào của chúng tôi bị xâm phạm”.

Theo Cảnh sát Hồng Kông thông tin, hồi tháng 2, một nhân viên tài chính tại Arup đã bị lừa tham gia một cuộc gọi video với những người mà anh ta nghĩ là giám đốc tài chính và các nhân viên khác trong công ty, nhưng tất cả đều chỉ là sản phẩm của công nghệ deepfake.

Trước đó, nhân viên này đã nhận được nội dung email được cho là từ giám đốc tài chính của công ty có trụ sở tại Anh. Ban đầu, anh nghi ngờ đó là email lừa đảo vì nội dung cho biết cần thực hiện giao dịch bí mật. Tuy nhiên, nhân viên này đã gạt bỏ mối nghi ngờ ban đầu sau khi tham gia cuộc gọi video bởi những người tham dự họp có vẻ ngoài và giọng nói giống như các đồng nghiệp của anh.

Sau đó, nhân viên này đã đồng ý chuyển tổng cộng 200 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 25,6 triệu USD) cho đối tượng lừa đảo. Số tiền này đã được chuyển thông qua 15 giao dịch.

Vụ lừa đảo chỉ bị phát hiện khi nhân viên sau đó kiểm tra với trụ sở chính của tập đoàn.

“Deepfake” thường dùng để chỉ các video giả mạo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và trông cực kỳ chân thực.

Đầu năm nay, những hình ảnh khiêu dâm do AI tạo ra về ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift đã lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy những rủi ro do công nghệ AI gây ra. Những bức ảnh đã bị xóa khỏi các nền tảng xã hội, song đã có hàng chục triệu lượt xem.

Các cuộc tấn công "tăng mạnh"

Là tập đoàn thiết kế và tư vấn kỹ thuật hàng đầu, Arup có 18.500 nhân viên tại 34 văn phòng trên khắp thế giới.

“Giống như nhiều doanh nghiệp khác trên toàn cầu, chúng tôi thường xuyên bị tấn công mạng, bao gồm gian lận hóa đơn, lừa đảo trực tuyến và deepfake. Những gì chúng tôi thấy là số lượng và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công này đã tăng mạnh trong những tháng gần đây”, Rob Greig, Giám đốc thông tin toàn cầu của Arup, cho biết trong tuyên bố gửi qua email.

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đang ngày càng lo ngại về sự tinh vi và phức tạp của công nghệ deepfake và những mục đích sử dụng bất hợp pháp./.

Theo cnn
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn thiết kế kiến trúc Arup trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo deepfake
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO