Chính phủ số

Thái Lan ưu tiên công nghệ đám mây trong xây dựng chính phủ số

Anh Minh 07:54 17/10/2024

Chiến lược chuyển đổi số của Thái Lan, với trọng tâm là công nghệ đám mây, đang tái định hình cách thức cung cấp dịch vụ công. Thông qua đổi mới và hợp tác giữa các cơ quan, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu về quản trị số trong ASEAN.

Hệ thống đám mây giúp đơn giản hóa các quy trình, cải thiện sự liên kết giữa các cơ quan

Thái Lan đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công (DVC), thông qua việc tận dụng công nghệ đám mây và tích hợp dữ liệu. Một bước quan trọng trong nỗ lực này là Biên bản ghi nhớ (MoU) gần đây giữa Bộ Kinh tế và Xã hội số (DE) và Văn phòng Tòa án Hành chính.

Biên bản ghi nhớ được ký bởi GS. Wisit Wisitsora-at, Thư ký thường trực DE, và ông Chamnong Thawornwisit, Phó Tổng thư ký Văn phòng Tòa án Hành chính.

Nội dung chính của thỏa thuận tập trung vào hai mục tiêu: Phát triển công nghệ số để cải thiện DVC và triển khai hệ thống văn phòng điện tử (e-Office) thông qua Dịch vụ đám mây trung tâm của Chính phủ (GDCC).

article-sam_thai-oct-7-emb-1-768.jpg
Bộ Kinh tế và Xã hội số (DE) và Văn phòng Tòa án Hành chính Thái Lan đã ký MoU thông qua việc tận dụng công nghệ đám mây và tích hợp dữ liệu. (Ảnh: Opengovasia)

Đây là một phần của chiến lược rộng hơn của Thái Lan nhằm xây dựng CPS, giúp DVC hiệu quả, minh bạch và dễ tiếp cận hơn. Trọng tâm của chiến lược này là đám mây Chính phủ (Gov Cloud), một hạ tầng quan trọng giúp chia sẻ dữ liệu liền mạch giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Hệ thống đám mây tập trung này giúp đơn giản hóa các quy trình, cho phép dịch vụ được cung cấp nhanh hơn và cải thiện sự liên kết giữa các cơ quan. Bằng việc ứng dụng công nghệ đám mây, chính phủ có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan. Ngoài ra, công nghệ này cũng giúp xử lý khối lượng lớn dữ liệu hiệu quả hơn, đảm bảo chất lượng DVC ngày càng cao.

Trong những năm gần đây, Thái Lan đã mở rộng việc sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) vào nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp. Một dự án thí điểm chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, được hỗ trợ bởi AI và IoT, đã chứng minh cách những công nghệ này có thể nâng cao năng suất và đổi mới.

Nhờ nền tảng đám mây, dữ liệu được chia sẻ theo thời gian thực, giúp cải thiện hiệu quả ra quyết định và cung cấp DVC.

Sáng kiến ​​"Chính phủ như một nền tảng" (GaaP) cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình CĐS của Thái Lan. GaaP tích hợp dữ liệu và dịch vụ chính phủ để tăng tính minh bạch và khả năng truy cập cho người dân. Sáng kiến này hướng đến các lĩnh vực như tài chính, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, du lịch, giao thông và hậu cần, giúp xây dựng lòng tin của công chúng và cải thiện tương tác giữa người dân và chính phủ.

Một số cơ quan chính phủ đã tích cực ứng dụng công nghệ đám mây để nâng cao hoạt động và DVC. Ví dụ, Văn phòng Chính sách Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) đã triển khai hệ thống dịch vụ một cửa EEC-OSS, giúp đơn giản hóa quy trình đầu tư và cung cấp dịch vụ nhanh hơn, chính xác hơn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.

Trong lĩnh vực giao thông, Bộ Giao thông Vận tải Đường bộ đã áp dụng công nghệ đám mây vào dự án “Bến xe buýt thông minh”, theo dõi lịch trình xe buýt theo thời gian thực bằng GPS tại 81 trạm, nâng cao độ tin cậy và tiện lợi cho hành khách.

Ngành thực thi pháp luật cũng đang hưởng lợi từ dự án POLICE 4.0. Nền tảng số này cung cấp các tính năng như lập bản đồ tội phạm và báo cáo thời gian thực, giúp lực lượng cảnh sát giám sát và phản ứng với các sự cố nhanh chóng, nâng cao an ninh công cộng.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK), Bộ Y tế Công cộng đã phát triển Nền tảng CSSK số, tập trung dữ liệu liên quan đến bệnh nhân COVID-19 và các thông tin y tế công cộng khác. Nền tảng này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ CSSK truy cập dữ liệu theo thời gian thực, cải thiện việc quản lý dịch vụ và nâng cao hiệu quả điều trị.

Ngành năng lượng cũng đã có những bước tiến với việc thành lập Trung tâm Thông tin Năng lượng Quốc gia thuộc Văn phòng Chính sách và Kế hoạch Năng lượng. Trung tâm này giúp dự báo chính xác và quản lý tài nguyên năng lượng hiệu quả hơn, hỗ trợ các mục tiêu về phát triển bền vững của Thái Lan.

Chiến lược CĐS của Thái Lan, với trọng tâm là công nghệ đám mây, đang tái định hình cách thức cung cấp DVC. Thông qua đổi mới và hợp tác giữa các cơ quan, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu về quản trị số trong ASEAN. Những khoản đầu tư liên tục vào hạ tầng số giúp chính phủ trở nên hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Khuyến khích áp dụng hệ thống đám mây, cải tổ hạ tầng số, nâng cao chất lượng dịch vụ công

Theo kế hoạch CĐS năm 2024 của Thái Lan, quốc gia này tập trung vào 7 lĩnh vực then chốt, trong đó có thúc đẩy đổi mới, nâng cao DVC và kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua việc triển khai các công nghệ số.

Và một trong những sáng kiến chính là “Chính sách ưu tiên đám mây đầu tiên” (Cloud First Policy) với định hướng đưa Thái Lan trở thành Trung tâm đám mây hàng đầu của khu vực. Chính sách này khuyến khích áp dụng các hệ thống đám mây nhằm cải tổ hạ tầng số, nâng cao chất lượng DVC và thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu lớn. Đây là bước chiến lược giúp tối ưu hóa hiệu quả DVC và giảm đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng công nghệ, dự kiến cắt giảm tới 50%.

“Chương trình nghị sự về AI” (AI Agenda) cũng là một lĩnh vực trọng tâm, với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng AI quốc gia, bao gồm Nền tảng dịch vụ AI quốc gia và Mô hình ngôn ngữ lớn của Thái Lan (Thai LLM). Trong khi đó, sáng kiến “1 District 1 IT Man” lại nhắm đến việc thúc đẩy CĐS ở các vùng nông thôn.

Các trung tâm CNTT sẽ được thành lập tại 878 quận và 2.222 trung tâm kỹ thuật số cộng đồng. Thông qua việc cung cấp Internet công cộng cho 24.654 ngôi làng, sáng kiến này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số.

Kế hoạch toàn diện của Thái Lan cho năm 2024 thể hiện cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy quá trình CĐS và nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia trong nền kinh tế số toàn cầu. Với trọng tâm vào công nghệ đám mây, AI, lực lượng lao động số và an ninh mạng, Thái Lan đặt mục tiêu mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

shutterstock_351751730-1120x747.jpg
DGA đã xây dựng "Lộ trình dịch vụ CPS dành cho người nước ngoài" với tầm nhìn 5 năm. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, Dịch vụ một cửa Thái Lan dành cho tất cả cư dân tại Thái Lan. Theo cơ quan phát triển CPS của Thái Lan (DGA), dịch vụ này tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và công dân Thái Lan trong việc tiếp cận các DVC, bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống tại Thái Lan.

Hiện tại, việc cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài của các cơ quan chính phủ vẫn còn rời rạc, mỗi cơ quan cung cấp dịch vụ riêng biệt, không được hợp nhất thành một điểm liên hệ duy nhất. Điều này dẫn đến bất tiện cho người nước ngoài, dù họ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và năng lực phát triển của Thái Lan.

Nhằm khắc phục vấn đề này, DGA đã xây dựng "Lộ trình dịch vụ CPS dành cho người nước ngoài" với tầm nhìn 5 năm, từ 2023-2027. Mục tiêu của lộ trình là phát triển một hệ thống trung tâm để thu thập dữ liệu và dịch vụ của chính phủ, giúp người nước ngoài dễ dàng thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Để xây dựng lộ trình này, DGA đã thu thập được nhiều ý kiến và đề xuất từ các cơ quan chính phủ liên quan thông qua các cuộc thảo luận, phỏng vấn chuyên sâu, nhóm tập trung và phiên điều trần công khai. Những phản hồi này sẽ giúp đất nước cải thiện mức độ DVC dành cho người nước ngoài, đảm bảo họ có thể tiếp cận các dịch vụ chính phủ một cách hiệu quả và toàn diện.

Lộ trình cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ Thái Lan tích hợp dữ liệu và thiết lập quản lý dịch vụ chung dành cho người nước ngoài. Điều này không chỉ tạo ra giá trị, trải nghiệm tích cực và hình ảnh tốt đẹp cho du khách và người nước ngoài tại Thái Lan, mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia, đưa Thái Lan ngang bằng với các nước phát triển khác./.

Theo Opengovasia, dga.or.th
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan ưu tiên công nghệ đám mây trong xây dựng chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO