Thành công của Cốc Cốc là một nỗ lực rất lớn của người Việt Nam
Sau hơn 10 năm, Cốc Cốc đã chiếm được gần 10% thị phần tìm kiếm với khoảng 25% thị phần trình duyệt. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá rất cao nỗ lực này của Cốc Cốc với phần lớn kỹ sư CNTT người Việt.
Tham vọng đóng góp nhiều hơn để người dân tận hưởng lợi ích từ chuyển đổi số (CĐS)
Ông Nguyễn Vũ Anh, CEO Cốc Cốc cho biết, đơn vị này vinh dự và tự hào được Bộ TT&TT công nhận sản phẩm Make in Viet Nam từ năm 2021 và đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023).
Trong nhiều năm liên tiếp, Cốc Cốc đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm. Hiện nay, Cốc Cốc có trên 30 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động.
Trong 2 năm qua, Cốc Cốc rất nỗ lực đồng hành cùng Bộ TT&TT trong các hoạt động, dự án thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân. Cốc Cốc cũng sẵn sàng tiếp tục tham gia các hoạt động về truyền thông, đào tạo, bảo vệ người dân trên không gian mạng, và số hóa các sản phẩm, dịch vụ phục vụ người dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa được như tham vọng của Cốc Cốc - một nền tảng số phục vụ cho người dân, khi mà trên thế giới không có nhiều quốc gia có các công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa.
“Mục tiêu của Cốc Cốc là có thể vượt qua hay tương đương với những sản phẩm nước ngoài. Dù vậy, việc này gặp rất nhiều khó khăn do những hạn chế nhất định về nguồn lực. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý có thể hỗ trợ hoặc có cơ chế cho Cốc Cốc nói riêng và những nền tảng số quốc gia nói chung để có thể cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới”, ông Vũ Anh nói.
Với “Nền tảng số quốc gia phục vụ người dân”, Cốc Cốc còn muốn thể hiện một tham vọng lớn hơn, với những đóng góp lớn hơn cho tiến trình CĐS quốc gia, để mọi người dân Việt Nam được tận hưởng tối đa lợi ích từ CĐS, nâng chất lượng và trải nghiệm sống lên một tầm mới. Cốc Cốc có khát vọng và tự tin vào năng lực công nghệ để làm được sản phẩm trình duyệt và công cụ tìm kiếm quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga...
Do đó, Cốc Cốc đã không ngại đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng như AI tạo sinh. Nhưng với nguồn lực hạn chế nên Cốc Cốc rất mong muốn hợp tác với những doanh nghiệp Việt khác. Bởi vì, nếu không liên kết thì sẽ rất khó để cạnh tranh sòng phẳng với những gã khổng lồ từ Mỹ.
“Chúng tôi sẵn sàng đóng góp về mặt dữ liệu thu thập được từ công cụ tìm kiếm”, CEO Cốc Cốc khẳng định.
Tiếp theo, Cốc Cốc mong muốn có những chính sách để khuyến khích, thúc đẩy hơn nữa người dân sử dụng những nền tảng số quốc gia nhiều hơn, cũng như truyền thông nhiều hơn nữa đến những đối tượng này.
Cuối cùng, đối với Dịch vụ công trực tuyến, Cốc Cốc đã xây dựng một Portal liên quan cho công cụ tìm kiếm. Vì vậy, đơn vị này sẵn sàng làm việc với các tỉnh thành để đưa dịch vụ công địa phương lên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.
Bởi vì, hành vi của người dùng là sẽ đi từ công cụ tìm tiếm. Vì vậy, Cốc Cốc mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương để đưa dịch vụ công của tỉnh, thành phố đến gần hơn với người dùng khi họ có nhu cầu thông qua các công cụ tìm kiếm, trình duyệt của mình.
Thời gian tới, Cốc Cốc cam kết sẽ nỗ lực đồng hành với Chính phủ, với Bộ TT&TT cũng như đóng góp giá trị cho người dân theo 2 tiêu chí: Phục vụ - Hợp tác. Cụ thể, để phục vụ người dùng tốt, Cốc Cốc sẽ tối ưu, cập nhật các tính năng, tập trung nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng AI cũng như các công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng.
Cốc Cốc đã phải rất xuất sắc và kiên trì mới tồn tại được đến ngày hôm nay
Với Cốc Cốc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá rất cao nỗ lực của đơn vị này với phần lớn kỹ sư CNTT người Việt Nam khi mà lĩnh vực trình duyệt - công cụ tìm kiếm không hề dễ dàng. Vậy mà sau hơn 10 năm, Cốc Cốc đã chiếm được gần 10% thị phần tìm kiếm cùng 25% thị phần trình duyệt.
“Cốc Cốc đã phải rất xuất sắc, kiên trì mới có thể tồn tại được đến ngày hôm nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, hiện nay, với việc xuất hiện những công nghệ mới như AI nếu doanh nghiệp (DN) nào khéo léo biết cách sử dụng thì có thể chiến thắng những ông lớn nước ngoài. Do các sản phẩm nước ngoài hiện chỉ có thể đưa ra hàng nghìn đường dẫn đến thông tin mà người dùng tìm kiếm, còn nếu các công ty Việt Nam có thể đưa ra công cụ tìm kiếm thế hệ mới giảm thiểu thời gian cho người dùng nên sẽ luôn có cơ hội để chiến thắng và đây cũng là bản chất của công nghệ.
Cốc Cốc gặp khó khi thu hút nguồn vốn Việt Nam
Cũng theo ông Vũ Anh, mặc dù tỷ lệ sở hữu của người Việt tại Cốc Cốc chỉ chiếm khoảng 15%, nhưng vì là sản phẩm “Make in Viet Nam” nên đơn vị này mong muốn tăng tỷ lệ này lên. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì đối thủ của Cốc Cốc là Google.
Về vấn đề này, người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, để cơ quan quản lý có thể hỗ trợ thì các DN công nghệ Việt phải cố gắng để giữ tỷ lệ sở hữu cao của người Việt.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị các DN lớn như các nhà mạng có thể quan tâm đến các nền tảng số Việt Nam.
Theo các chuyên gia về đầu tư, một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc này là do thiếu các quỹ đầu tư nội địa đủ lớn để đầu tư các vòng kế tiếp (Series B, C). Chưa kể đến, việc lựa chọn quỹ ngoại cũng là bởi vì những đơn vị này do đầu tư ở nhiều ở các nước nên sẽ biết được sản phẩm Việt đang ở đâu, và làm thế nào để có thể tiệm cận hay bằng các sản phẩm tương tự trên thế giới.
Tuy nhiên, dù là nguồn vốn ngoại nhưng điều quan trọng nhất là các sản phẩm nội vẫn đặt trụ sở văn phòng, tư cách pháp nhân ở Việt Nam./.