Thanh toán không dùng tiền mặt: Cơ hội trong đại dịch?

Yên Lam| 03/08/2021 10:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù nhiều ngành nghề đã và đang đối mặt với thách thức đến từ các biến động kinh tế do dịch Covid-19, nhưng ngành tài chính vẫn cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ và sức tăng trưởng đột phá nhờ vào các giải pháp thanh toán điện tử.

Đó là nhận định được đưa ra khá nhiều từ các chuyên gia tài chính thế giới và trong nước thời gian gần đây.

Tăng trưởng bứt phá

Nhận định trên cũng phù hợp với diễn biến của thị trường tài chính Việt Nam. Còn nhớ sau nhiều năm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn chưa như mong đợi, thị trường thanh toán lần đầu chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc đáng kinh ngạc rơi vào thời điểm giãn cách xã hội trong tháng 4-2020.

Số liệu cho thấy trong 20 ngày đầu của tháng cả nước thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ NH tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Sự tích cực này được tiếp nối khi đến cuối tháng 11-2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 1.044 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 10,9 triệu tỷ đồng (tăng 118,5% về số lượng và 121% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 421,8 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 24,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% về số lượng và 24,4% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Và theo số liệu thống kê mới nhất được NHNN công bố, đến cuối tháng 4-2021, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh Code QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị.

Một số thống kê cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, có rất nhiều người lần đầu tiên tiếp cận các hình thức TTKDTM. Chẳng hạn năm 2020, số lượng người dùng đăng ký ví điện tử Momo đạt con số 23 triệu, tăng gần 2 lần so với 2019. Năm 2020 số lượng giao dịch của ví Momo đạt hơn 403 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng trên 3,5 lần so với năm 2019.

Năm 2020, số lượng mở mới thẻ NH tăng đột biến, giao dịch thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng tăng trưởng khá tốt so với năm 2019. Số lượng giao dịch tăng khoảng 185% và giá trị giao dịch tăng khoảng 200%.

Đại dịch được xem là chất xúc tác khiến mức độ sử dụng ứng dụng di động tăng trưởng bùng nổ. Cụ thể, rất nhiều ý kiến đồng tình rằng, tăng trưởng của lĩnh vực TTKDTM xuất phát từ yếu tố dịch Covid-19 khiến người dân cảm thấy ngại dùng tiền mặt nhiều hơn, vì tiền mặt được cho là một trong những yếu tố có thể làm lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, khi mà nhiều công ty phải đóng cửa và mọi người đều phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đặt hàng online và thanh toán online cũng trở nên phổ biến hơn.

Phép thử cho lĩnh vực tài chính

Xét về hạ tầng, cả nước đã có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Và nhiều tổ chức thanh toán cũng kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Quý I-2021, tỷ lệ tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch TMĐT tăng 5,5 lần so với quý IV-2020. Theo đó, kênh TTKDTM qua thẻ, ví điện tử cũng gia tăng do tâm lý ngại giao dịch bằng tiền mặt như đã đề cập ở trên.

Hơn nữa, trước xu hướng của người dùng, các nền tảng TMĐT đã kết hợp cùng đơn vị thanh toán triển khai ưu đãi kép để người dùng ưu tiên thanh toán điện tử, cũng là một cú hích cho TTKDTM.

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), đại dịch Covid-19 đã tác động to lớn và toàn diện tới kinh tế - xã hội, trong đó có TMĐT. Ước tính chung năm 2020, TMĐT của Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Đồng thời, trong đại dịch Covid-19 lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Chỉ 6 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh TMĐT tăng tới 81%.

Tuy nhiên, TTKDTM tuy có chuyển biến đáng kể song điều này chỉ mới diễn ra ở khu vực đô thị, chủ yếu tập trung ở giới trẻ am hiểu về công nghệ. Thanh toán tiền mặt tuy có giảm nhưng vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu. Do đó, TTKDTM dù tăng trưởng nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn.

Thực tế cho thấy, mặc dù lạc quan về những kết quả đã đạt được nhưng cơ quan quản lý cũng đang rất “sốt ruột” muốn đẩy nhanh hơn nữa tỷ trọng TTKDTM trong nền kinh tế. Hiện nay, khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ phục vụ hoạt động TTKDTM cũng đang được đẩy mạnh.

Chẳng hạn, NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về TTKDTM và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực NH; trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; triển khai thí điểm mobile money…

Ở góc độ NHTM, bà Phạm Châu Loan, Phó trưởng phòng Phát triển kênh số Đối tác của Vietcombank cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến hành vi của người tiêu dùng. Thời điểm này, rất nhiều người đang làm việc ở nhà, phải hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan virus. Trong bối cảnh như vậy, TTTKDTM được xem là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế, để các hoạt động trong nền kinh tế được vận hành và diễn ra bình thường. Năm 2020, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm nhưng Việt Nam tăng trưởng GDP dương 2,91%, trong đó có phần đóng góp từ TMĐT và thanh toán điện tử.

Đại dịch được xem là chất xúc tác khiến mức độ sử dụng ứng dụng di động tăng trưởng bùng nổ. Hơn nữa, khi mà nhiều công ty phải đóng cửa và mọi người đều phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đặt hàng online và thanh toán online cũng trở nên phổ biến hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không dùng tiền mặt: Cơ hội trong đại dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO