Đây là hoạt động thường niên thuộc chương trình khuyến mại tập trung do UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở Công Thương TP Hà Nội chủ trì tổ chức cùng các sở ban ngành khác như Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở TT&TT Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hà Nội phối hợp thực hiện.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, MoMo đồng hành cùng TP Hà Nội trong sự kiện này. Ngay tại gian hàng MoMo, khách tham quan sẽ được tư vấn, giải đáp về các giải pháp tài chính (tín dụng và đầu tư vi mô) có trên nền tảng MoMo hiện nay. MoMo cũng tham gia tọa đàm mở về chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới hướng tới tiêu dùng thông minh
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, sự kiện Tiêu dùng không tiền mặt 2022 tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới hướng tới tiêu dùng thông minh, kết nối nhanh hơn giữa DN và người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và tiêu dùng bền vững, hợp lý.
Ngoài hoạt động mua sắm trực tuyến, tại các trung tâm thương mại lớn, chương trình năm nay sẽ tập trung tuyên truyền nhắm tới đối tượng là các người dân mua sắm ở các chợ truyền thống, bà con kinh doanh, cửa hàng tạp hóa trên các tuyến phố, các đối tượng khác như giới trẻ công nhân lao động để thanh toán không tiền mặt trở thành hoạt động hằng ngày của người dân và cả DN.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục Trưởng Cục TMĐT và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, 2 năm qua dù đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch, lĩnh vực TMĐT đứng trước cơ hội lớn với mức tăng 18% năm 2021 và kỳ vọng tăng mạnh hơn trong năm nay. Với nhiều DN, TMĐT và chuyển đổi số (CĐS) đã đưa hướng đi mới cho DN vượt qua khó khăn. "Kỳ vọng đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong TMĐT sẽ chiếm 50%, trong đó 85% thông qua các trung gian thanh toán", bà Lại Việt Anh nói.
Cũng tại sự kiện, bà Hoàng Huyền Trâm, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội thông tin: "Trong 6 tháng đầu năm, thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 77,7 triệu giao dịch tăng hơn 4% số lượng và 32% về giá trị, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính đạt trên 2 tỷ giao dịch với giá trị 22 triệu tỷ đồng tăng 94% về số lượng và 114% về giá trị so với 2021".
Riêng 5 tháng đầu năm 2022, đã có 79 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet, 44 tổ chức tín dụng triển khi qua mobile banking hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code. Trong đó, các giao dịch thanh toán không tiền mặt qua điện thoại di động và QR code tăng rất mạnh về số lượng và giá trị, mức tăng 30 - 113%. Đến nay, tổng ví điện tử kích hoạt là 39 triệu ví, tăng gần 31% so với cùng kỳ, tổng số lượng giao dịch qua ví điện tử được xử lý thành công xấp xỉ 853 triệu món, đạt giá trị 2.271 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 106% so với cùng kỳ. Gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Góp phần tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng mặt
Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng thu nhập của phần lớn người dân, việc chi tiêu thế nào để tối ưu, đầu tư tích lũy sinh lời trở thành mối quan tâm của nhiều người. Theo đó, các giải pháp tài chính MoMo góp phần tháo gỡ những mối lo trên, kích thích và tạo động lực cho người dân tiêu dùng chi tiêu, mua sắm. Đồng thời, thông qua nền tảng công nghệ Mini App, MoMo nỗ lực hỗ trợ đối tác, DN mong muốn tái thiết và mở rộng quy mô kinh doanh. Với nền tảng công nghệ này, chủ DN, tiểu thương Hà Nội có thể nhanh chóng CĐS và tích hợp vào hệ sinh thái siêu ứng dụng với hơn 31 triệu người dùng của MoMo.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập Ví MoMo chia sẻ: "Cùng với Hà Nội, trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động tại TPHCM, TP Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thúc đẩy thói quen tiêu dùng không tiền mặt và hướng tới sự xuất hiện của những đô thị không tiền mặt đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ hành chính công, bệnh viện, trường học, xăng dầu, phí cầu đường…, sắp tới, MoMo sẽ đẩy mạnh các giải pháp CĐS cho cộng đồng DN, tiểu thương tại Hà Nội bằng nền tảng công nghệ tự chủ của mình".
Một trong trọng tâm trong chiến lược năm nay của MoMo sẽ hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh CĐS, lên môi trường số (go-online) chỉ trong vài phút. "Nền tảng Mini App và Thổ Địa là hai trong số những giải pháp mà MoMo xây dựng nhằm hiện thực hóa chiến lược này", ông Diệp nói thêm./.