Thu hồi gần 1 triệu thuê bao không chuẩn hoá thông tin thuê bao
Đây là thông tin được Bộ TT&TT thông báo tại cuộc buổi họp báo thường kỳ tháng 6/2023 vào chiều ngày 5/6/2023.
Theo đó, trong tháng 5/2023, lĩnh vực viễn thông nổi bật là công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao. 2,85 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hoá trên tổng số 3,84 triệu thuê bao thuộc tập có thông tin cần chuẩn hoá sau đối soát với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Theo đó, 985.000 thuê bao bị xử lý thu hồi do không thực hiện chuẩn hoá theo quy định.
Về nội dung này, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, vừa qua, Bộ TT&TT đã truyền thông rất rõ ràng về về yêu cầu xác thực, chuẩn hoá lại thông tin thuê bao di động đảm bảo thông tin thuê bao đúng với SIM đăng ký là thông tin chính xác và đầy đủ. Qua đó đã xác định được gần 1 triệu số thuê bao không thể được xác thực được thông tin và các nhà mạng chặn tín hiệu đối với các số điện thoại không thể xác thực được thông tin.
Theo Thứ trưởng, giai đoạn tiếp theo là bước cao hơn khi xác định thông tin thuê bao chính chủ, có nghĩa là đảm bảo số điện thoại của người dùng ứng với căn cước công dân của người đó, là người đang sử dụng số điện thoại đó.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT đã chỉ đạo triển khai thanh tra đột xuất quản lý thông tin thuê bao diện rộng trên cả nước nhằm xác định thuê bao chính chủ qua đó giảm thiểu các câu chuyện lợi dụng chính sách đăng ký thuê bao để có thể đăng ký quá nhiều thuê bao dẫn đến việc khó khăn trong công tác quản lý cũng như dẫn đến tính phức tạp trong công tác quản lý sau này.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, 82 đoàn thanh tra đã được tổ chức để thanh tra chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất trên cả nước. Mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều SIM thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.
Trong lĩnh vực, trong các ngày 15/5, 25/5 và 2/6/2023, Bộ TTTT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300 MHz gồm 03 khối băng tần A1 (2300 - 2330 MHz), A2 (2330 -2360 MHz), A3 (2360 - 2390 MHz). Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.
Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực viễn thông trong giai đoạn mới, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, chồng chéo và loại bỏ các quy định không còn phù hợp. Trong đó khẳng định hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Trong tháng 5/2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APT) tổ chức Hội nghị Nhóm thông tin vô tuyến của APT lần thứ 31 (AWG-31) để bàn thảo tìm kiếm băng tần cho 6G, Wi-Fi, sử dụng chung tần số giữa các nhà mạng…/.