Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công

Anh Minh| 22/12/2022 13:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ khung tiêu chí phiên bản thử nghiệm về đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực công đã chính thức được giới thiệu với 04 trụ cột chính, bao gồm các yếu tố đầu vào của ĐMST; năng lực ĐMST; quá trình ĐMST và đầu ra ĐMST.

Ngày 22/12/2022, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo “ĐMST trong khu vực công” nhằm giới thiệu Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công tại Việt Nam.

Sự vào cuộc của khu vực công sẽ kiến tạo nên hệ sinh thái ĐMST hiệu quả

Trong thập niên qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển một nền kinh tế hiện đại dựa trên ĐMST và ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ. Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2022 cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua.

Theo các nghiên cứu tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo 2022 (Vietnam Venture Summit 2022), Việt Nam là một trong ba trụ cột chính của Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á đối với đầu tư cho ĐMST nói chung và khởi nghiệp nói riêng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, một lượng lớn các startup Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm.

Có thể nói, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đã bắt đầu hình thành và đạt được những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua đặc biệt ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mang tính bền vững và đồng bộ thì kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự vào cuộc của khu vực công đến từng cán bộ, công chức, viên chức là một yếu tố then chốt để kiến tạo nên một hệ sinh thái ĐMST hiệu quả.

Việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công là mục tiêu chính của các Chính phủ. Xây dựng khả năng nhận dạng và đánh giá khả năng ĐMST trong khu vực công, đặc biệt là trong xây dựng chính sách, cung cấp dịch vụ là cần thiết để các chính sách và dịch vụ công hướng tới mục tiêu và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng tốt hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, ĐMST trở nên quan trọng khi các cách tiếp cận truyền thống không thể giải quyết các vấn đề phức tạp và nan giải mà xã hội phải đối mặt. 

Theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC, ĐMST có tác động mạnh mẽ đến mức độ cạnh tranh và tăng trưởng xanh của nền kinh tế. Đặc biệt, ĐMST đóng góp tới 87% đối với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội và giúp thay đổi cuộc sống người dân trong tương lai 10 năm tới. 

Những kết quả thu thập ban đầu từ khảo sát thử nghiệm tại Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh và Cục Quản lý Đấu thầu của Bộ KH&ĐT; và Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Ninh Thuận và Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra một số tín hiệu đáng mừng. Khoảng 36% người được hỏi của Bộ KH&ĐT và 27% người được hỏi ở 3 tỉnh cho rằng đơn vị mình thực hiện đổi mới sản phẩm, dịch vụ trong 2 năm qua; 55% cá nhân ở đơn vị cấp bộ và 60% cá nhân ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng đơn vị thực hiện đổi mới quy trình và ĐMST trên hết nhằm cải thiện hiệu suất, hiệu quả của đơn vị. 

Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ nhân lực đáp ứng các yêu cầu đề xuất và thực hiện ĐMST khá cao. Ngoài ra, hơn 50% cá nhân được khảo sát đánh giá quy trình, thủ tục tiến hành ĐMST là nhanh chóng, linh hoạt. Khoảng 68,2% cá nhân được hỏi ở đơn vị cấp bộ và 35,7% cá nhân được hỏi ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng đơn vị mình đã có chiến lược ĐMST, chủ yếu là các chiến lược trung hạn.

Ra mắt bộ thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công 

Tuy nhiên, hoạt động ĐMST trong khu vực công vẫn còn tồn đọng những hạn chế như đơn vị cấp tỉnh ít có ngân sách riêng, gặp khó khăn hơn về tài chính cho ĐMST và ít nhận được hỗ trợ về tài chính để thực hiện ĐMST.

Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá đổi mới sáng tạo trong khu vực công - Ảnh 1.

Sơ đồ về kết quả khảo sát tỷ lệ đơn vị thực hiện ĐMST trong 2 năm qua

Cụ thể, TS. Võ Xuân Hoài cho biết ĐMST khu vực công ở Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu, đặc biệt là trong khu vực công. Chất lượng về đào tạo không đồng đều, các cơ sở còn thiếu trang thiết bị, phương pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Một vấn đề nữa là nhận thức của công chức trong các đơn vị hành chính công còn hạn chế. Đầu tư công còn hạn chế, chưa đồng bộ, an ninh mạng, bảo mật còn nhiều lỗ hổng. Công tác quản lý hoạt động đầu tư công còn yếu. Năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, quy mô và chất lượng.

Luật pháp, thể chế về ĐMST khu vực công còn chưa đồng bộ và chưa khuyến khích phát triển tài nguyên số, tài sản số. Hiện nay, các đơn vị vẫn còn sử dụng tiền mặt, điều này có thể dẫn đến những vấn đề như tham nhũng, tiêu tốn ngân sách và các vấn đề liên quan. TS. Võ Xuân Hoài cho rằng để đẩy mạnh ĐMST trong khu vực công, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong khi đó, chuyên gia, TS. Phạm Thu Trang cho biết các mục tiêu, định hướng cũng như giải pháp để phát triển ĐMST tại Việt Nam đang được lồng ghép với các chương trình, chiến lược quốc gia khác, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hay chiến lược dành riêng cho ĐMST, trong khu vực tư cũng như khu vực công. Vì thế, cần có định hướng, kiến tạo thể chế, kế hoạch để tạo động lực cho ĐMST ở Việt Nam.

Sau một quá trình nghiên cứu, tham vấn chuyên sâu dựa trên kinh nghiệm quốc tế và trong nước, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc cần một khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công, NIC phối hợp cùng UNDP tại Việt Nam xây dựng Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công tại Việt Nam. 

Đề án nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến ĐMST vì người dân (CPII) thuộc Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), với sự tài trợ chính đến từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT).

Trải qua hơn 06 tháng đồng hành với chuỗi chương trình Government Lab Studio và Hackathon, bộ khung tiêu chí (thử nghiệm) đã chính thức được giới thiệu tại Hội thảo “ĐMST trong khu vực công” ngày 22/12/2022 với 04 trụ cột chính, bao gồm: (1) các yếu tố đầu vào của ĐMST, (2) năng lực ĐMST, (3) quá trình ĐMST và (4) đầu ra ĐMST.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, nhấn mạnh thử nghiệm khung tiêu chí ĐMST trong khu vực công được xây dựng nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường ĐMST và năng lực ĐMST trong khu vực công. Đồng thời, việc thử nghiệm khung tiêu chí giúp các đơn vị trong khu vực công nhìn nhận rõ mức độ và động lực ĐMST của đơn vị mình. 

“Trong tương lai, bộ thử nghiệm khung tiêu chí ĐMST trong khu vực công được kỳ vọng sẽ là thước đo tin cậy để các đơn vị, tổ chức trong khu vực công tự đánh giá được năng lực ĐMST của mình, từ đó điều chỉnh và triển khai các giải pháp phù hợp dựa trên các khuyến nghị được xây dựng bởi chuyên gia của NIC”, ông Vũ Quốc Huy nói./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO