Kinh tế số

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý Nhà nước về thương mại điện tử

AD 25/11/2024 21:00

Bộ TT&TT được giao phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngày 25/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số Bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.

tmdt-2.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Công điện nêu rõ, thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới thu hút được nhiều thành phần trong xã hội.

Tại Việt Nam, TMĐT ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp (DN) và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, TMĐT giúp cho DN, cá nhân dễ dàng hơn trong việc giới thiệu, giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, cũng đặt ra nhiều thách thức cho giao dịch trên mạng, công tác quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về thuế...

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực TMĐT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý TMĐT.

Đồng thời, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030; Chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn DN, người dân nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Cùng với đó là tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua TMĐT; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; Đẩy mạnh các hoạt động TMĐT xuyên biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đủ tiêu chuẩn ra thế giới.

Tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động TMĐT

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn TMĐT, bảo đảm các tổ chức, DN, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn TMĐT, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận; Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động TMĐT; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; Trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực TMĐT.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định của pháp luật về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù đối với hoạt động TMĐT, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Hoàn thiện số liệu thống kê TMĐT để quy định cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực TMĐT và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định trong lĩnh vực GTVT để tăng cường quản lý các mô hình vận tải, vận chuyển hàng hóa trên các nền tảng số.

Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp QLNN về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ;…./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội phát triển công nghiệp công nghệ số
    Trong phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sáng 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, để công nghiệp công nghệ số phát triển, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.
  • Đưa món phở trứ danh bước vào thế giới của thời đại số
    Phở Hà Nội - món ăn quen thuộc của nhiều người, vinh dự nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nay đã được ứng dụng công nghệ số, đem lại trải nghiệm thú vị cho người dân trong khuôn khổ Chương trình "Phở số Hà Thành 2024".
  • Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
    Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn đứng trước những thử thách buộc phải có nhiều chiến lược, sản phẩm để có thể giữ đà tăng trưởng tiêu dùng, nâng cao chất lượng và thu hút người tiêu dùng. Trong đó, Tập đoàn Masan nổi bật với những chiến lược và mục tiêu kinh doanh đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.
  • Cao Bằng: Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng
    Vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Văn bản số 3251/UBND-VX về việc tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng.
  • An Giang tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ
    Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, tỉnh An Giang đã tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý Nhà nước về thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO