Toàn cảnh Hội nghị
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất (tháng 01.2022), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến tháng 8/2022, Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội, GS. TS Vương Đình Huệ đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc Hội, về về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. GS.TS Vương Đình Huệ cũng nêu ra những băn khoăn khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, cần phải đánh giá trong tổng thể các chính sách mà Việt Nam đã ban hành và thực hiện từ năm 2020 và cả những chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31.12.2021 nhưng thực hiện cho năm 2022. Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không?. Chúng ta đánh giá chỉ có vấn đề giảm thuế thì không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân. Vậy kinh nghiệm quốc tế chi trực tiếp cho người dân như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu?.
Chưa kể trong giai đoạn 2019-2020, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam bằng tiền mặt là rất lớn. Như vậy để thấy rằng phương pháp tiếp cận đánh giá Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ trong tổng thể các chính sách khi thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Nghị quyết 42 của Quốc hội trong suốt năm 2020 - 2021... Đây là vấn đề liên quan đến nhận thức và kinh nghiệm quốc tế vì mỗi nước có hoàn cảnh rất khác nhau", Chủ tịch Quốc hội nói.
Các nước có tỷ lệ lạm phát cao trong khi Việt Nam lại duy trì được ở mức thấp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng, vì ngân sách Việt Nam tài khoá không có nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng, với số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hoá hơn và thực thi rất nhanh. Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỷ đồng. Vậy đây có phải là chính sách chi tiền trực tiếp không? Chưa kể chính sách này còn có tác động kép, góp phần giảm lạm phát. Đó là lý do giúp lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua giữ được ở mức thấp. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội phải tiếp tục nghiên cứu tiếp vấn đề này.
Để trả lời về câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus cho biết: Thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách Nhà nước. Từ góc độ cầu ở Mỹ và châu Âu cho thấy, các khoản hỗ trợ người lao động từ ngân sách địa phương và ngân sách của doanh nghiệp. Với khoản hỗ trợ này, người lao động vẫn có thể đóng tiền nhà và trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày khác. Chính sách giảm thuế thu nhập thường áp dụng trong các cuộc khủng hoảng không quá nghiêm trọng. Còn ích lợi của việc hỗ trợ bằng tiền mặt là giúp điều hòa nguồn thu ngân sách. Bởi vậy, Mỹ và châu Âu rất quan tâm tới chính sách này.
Về thị trường lao động, ông Jonathan Pincus cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền mặt không phải là nguyên nhân khiến người lao động rút khỏi thị trường. Các khoản hỗ trợ chỉ được chi trả khi có dịch. Khi hết dịch, các khoản hỗ trợ này bị cắt nên người lao động vẫn phải quay lại làm việc để có thu nhập.
Cũng tại hội nghị chuyên đề Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Công tác chỉ đạo của Chính phủ với các bộ, ngành triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 khá kịp thời. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, các nhóm nhiệm vụ khác nhau có tiến độ khác nhau, có nhóm triển khai được ngay song có một số nhóm cần khá nhiều thời gian để làm công tác chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 3 nhóm nhiệm vụ: Nhóm 1 là các nhiệm vụ có kinh nghiệm triển khai trong năm 2020 - 2021 và bước vào 2022 có thể làm ngay, như miễn giảm thuế. Nhóm 2 là các nhiệm vụ liên quan việc chuẩn bị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý để triển khai. Nhóm 3 là các nhiệm vụ có tiến độ chậm hơn vì đòi hỏi công tác và thời gian chuẩn bị tương đối dài, khá khó. Với nhóm nhiệm vụ này chia làm 2 khía cạnh. Về vốn, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tạo cơ chế hết sức linh hoạt. Ngay sau khi hoàn thiện sẽ tiếp tục triển khai. "Đây là nhiệm vụ Chính phủ hết sức quan tâm. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để giám sát, chỉ đạo kịp thời", Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: Sẽ tiếp tục sửa đổi chính sách, thủ tục để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%. Cũng theo ông Hà, cho vay theo chương trình này không phụ thuộc vào room tín dụng còn hay nhưng việc triển khai chưa được như kỳ vọng do 4 nhóm khó khăn. Về đối tượng hỗ trợ, có trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; nếu 1 trong số đó thuộc diện được hỗ trợ thì có được hưởng gói này không, đó là vấn đề đặt ra. Nhiều hộ gia đình là khách hàng quen thuộc của ngân hàng nhưng lại không đăng ký kinh doanh thì cũng chưa đủ điều kiện hỗ trợ. Tiêu chí đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi. Chúng tôi thấy có thể có sự khác biệt trong đánh giá, thẩm định giữa ngân hàng cho vay với đánh giá sau này của cơ quan thanh tra kiểm toán và đánh giá tính khả thi của dự án cũng khó khăn vì diễn biến thị trường sẽ tác động vào dự án. Về tâm lý, đúng là có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán. Khách hàng cũng e ngại chuyện thanh tra, kiểm toán sau này. Bên cạnh đó, dư nợ hỗ trợ 800.000 tỷ đồng nhưng thực tế đã triển khai 4.400 tỷ đồng nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ cũng như thực tế vì phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn được hỗ trợ hay không.
"Có khách hàng nói thủ tục rườm rà, điều kiện phức tạp nhưng đây là chính sách, rất mong khách hàng tuân thủ các điều kiện để bảo đảm hồ sơ giải ngân, minh bạch, chặt chẽ", Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa khặng định: Quan trọng nhất là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là chính sách về giảm chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả Qũy bình ổn để hạn chế tăng giá, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách ổn định thị trường giá cả, ngoại tệ…
Nghị quyết 43 của Quốc hội thể hiện tinh thần "ứng vạn biến" rất nhanh, sớm; tiếp theo là Nghị quyết 11 của Chính phủ mang tính chiến lược quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Kết thúc hội thảo các đại biểu đã chỉ ra, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn một số vướng mắc¸ doanh nghiệp, người lao động vẫn khó thụ hưởng. Để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị: Cần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì chính sách hỗ trợ, bổ sung chính sách hỗ trợ mới và cần thực hiện nhanh chóng. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể để các chính sách đi vào cuộc sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm các cấp, ngành, không né tránh. Nhanh chóng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, cần chú ý nâng cao vai trò các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch./.