Chuyển động ICT

Thúc đẩy mô hình "hợp tác 3 nhà", phát triển các ngành công nghiệp chiến lược và bán dẫn

Anh Minh 06/05/2025 21:20

Mục tiêu của mô hình “ba nhà” - gồm nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp - là phát triển hệ sinh thái toàn diện cho các ngành công nghệ chiến lược như công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Ngày 06/5/2025, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã ký kết Biên bản hợp tác với ba đối tác: Hiệp hội Giao lưu Quốc tế Đài Loan (TIEA), Đại học (ĐH) Khoa học và Công nghệ Quốc lập Đài Loan (Taiwan Tech), và ĐH Bách khoa Hà Nội (HUST).

hop-tac.png
NIC làm việc và ký kết MOU với các đối tác

Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Các bên sẽ triển khai các chương trình học bổng học tập, thực tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) dành cho sinh viên và kỹ sư Việt Nam. Đặc biệt, chương trình INTACT - một sáng kiến của Đài Loan trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và bán dẫn - sẽ được đưa vào triển khai.

Ngoài ra, các bên cũng sẽ phối hợp hình thành các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp (DN) và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại các cơ sở của NIC. Trong mô hình hợp tác này, các đối tác đến từ Đài Loan đóng vai trò kép - vừa là nhà trường, vừa là nhà DN - trong mô hình “3 nhà” (Nhà nước - Nhà trường - DN).

Đại diện của Taiwan Tech là TS. Dương Quang Lỗi, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn của Tập đoàn TSMC. Trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển tại TSMC từ năm 1998 - 2005, ông đã có đóng góp chủ chốt cho các công nghệ chip tiên tiến 180 nm, 130 nm và 65 nm.

Với những đóng góp này, ông được TSMC vinh danh là một trong sáu “Hiệp sĩ R&D” của tập đoàn. Cùng với GS. Dương Triều Long, ông Dương Quang Lỗi là đầu mối đại diện cho hơn 50 trường ĐH kỹ thuật tại Đài Loan trong việc triển khai Chương trình INTACT.

Nhằm triển khai hiệu quả các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị và Chính phủ, như Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 71/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57, NIC đã chủ động đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước.

Trực thuộc Bộ Tài chính, NIC đã phối hợp với nhiều cơ quan và tổ chức để thúc đẩy mô hình hợp tác “Ba Nhà” - gồm Nhà nước, Nhà trường và Nhà DN. Mục tiêu của mô hình là phát triển hệ sinh thái toàn diện cho các ngành công nghệ chiến lược như công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.

Việc ký kết biên bản hợp tác giữa NIC, ĐH Bách khoa Hà Nội, Taiwan Tech và TIEA góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Đây là bước tiến cụ thể hướng tới mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Mục tiêu này được đặt ra trong Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Bên cạnh đó, biên bản hợp tác là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao.

Song song với hợp tác quốc tế, trong tháng 4/2025, NIC đã tích cực phối hợp với các đối tác trong nước để thúc đẩy mô hình hợp tác “Ba Nhà”. Cụ thể, NIC cùng Công ty FPT Semiconductor và các trường ĐH đã hình thành Trung tâm Ươm tạo và Phát triển Bán dẫn Việt Nam (VSIC) tại NIC Hà Nội.

NIC cũng hợp tác với Tập đoàn Viettel, Cadence và các trường ĐH để tổ chức đào tạo trong khuôn khổ Chương trình Thực tập sinh Tài năng Viettel (Viettel Digital Talent).

Ngoài ra, NIC đóng vai trò đầu mối kết nối Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN để tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản. Diễn đàn được tổ chức vào ngày 28/4/2025, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ hai nước, tập trung vào hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.

Thông qua các hoạt động chủ động, đồng bộ và có chiều sâu, NIC đang từng bước hiện thực hóa vai trò trung tâm kết nối và điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để tạo ra đột phá trong phát triển công nghệ chiến lược và nâng cao vị thế của Việt Nam trong kỷ nguyên số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy mô hình "hợp tác 3 nhà", phát triển các ngành công nghiệp chiến lược và bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO