Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất

HL| 08/12/2021 20:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 8/12, đã diễn ra hội nghị trực tuyến về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2021.

Tại đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ địa phương có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh. Thời gian qua, các Trung tâm đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành khoa học và công nghệ.

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ cao giúp phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Chủ động dịch chuyển để thích ứng dịch COVID-19

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương thông qua hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ để khẳng vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận, đồng thời góp phần định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, giai đoạn 2016-2021, Trung tâm ứng dụng tại các địa phương đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành khoa học và công nghệ. Hệ thống Trung tâm đã làm chủ gần 400 công nghệ ở một số lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng...

Giai đoạn 2016-2021 có hơn 14.000 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ do các Trung tâm thực hiện (trung bình 2.800 hợp đồng/năm) với tổng giá trị hợp đồng khoảng 320 tỷ đồng, tăng trưởng 10-12%/năm, tập trung trong nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm. Đặc biệt, các Trung tâm đã và đang thực hiện 1.030 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương.

Năm 2020 và năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thích ứng linh hoạt với những khó khăn, các Trung tâm vẫn duy trì hoạt động, chủ động hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Những công nghệ, sản phẩm của Trung tâm đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương. Điển hình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Hàn triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người, vật tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga… trong phòng, chống dịch COVID-19", theo đó, đã lắp đặt buồng khử khuẩn di động và chuyển giao 3 buồng khử khuẩn cho Bệnh viện đa khoa Nghệ An, Khu cách ly Khoa Quân sự - Đại học Vinh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sinh Hóa Phù Sa thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng virus corona mới (2019-nCoV)", theo đó, đã hoàn thiện Bộ sinh phẩm sinh học phân tử (50 test/bộ) và Hệ thống SPOT CHECK (50 test/bộ). Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với Trường Đại học Y dược Cần Thơ triển khai phòng thí nghiệm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, được Viện Pasteur cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR và thực hiện xét nghiệm hơn 15.000 mẫu tầm soát COVID-19. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ cho biết, từ khi có dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Trung tâm nâng cấp, phối hợp với các đơn vị chuẩn thực hiện xét nghiệm, sàng lọc, đây là minh chứng rõ nét thể hiện vai trò của khoa học và công nghệ trên tuyến đầu phòng, chống dịch.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp và xây dựng Quảng Ninh nghiên cứu sản xuất máy phun khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Trung tâm đã sản xuất được 100 máy phun khử khuẩn và tiến hành áp dụng khử khuẩn tại các bệnh viện, trường học, UBND huyện của tỉnh Quảng Ninh.

Trung tâm Ứng dụng tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu và hoàn thiện mô hình công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và đảo tự động nâng cao hiệu quả nghề chế biến nước mắm. Đây là kết quả dự án "Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến nước mắm quy mô công nghiệp ứng dụng năng lượng mặt trời". Mô hình công nghệ đã giúp rút ngắn thời gian chế biến nước mắm từ 18 tháng xuống còn 8-9 tháng; giảm 90% công náo đảo giang phơi, giúp quá trình lên men và thủy phân hiệu quả hơn tạo chất lượng nước mắm thơm ngon hơn, màu sắc đẹp hơn và tăng hiệu suất thu hồi lên 1,2 lần. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ giải pháp sáng chế hữu ích. Hiện Trung tâm đã chuyển giao cho các cơ sở nước mắm Ba Làng Thanh Hóa, một số cơ sở sản xuất nước mắm ở Quãng Ngãi…

Phát huy hiệu quả tự chủ thúc đẩy chuyển giao công nghệ 

Thời gian qua, từ những khó khăn và đề xuất, kiến nghị của các Trung tâm Ứng dụng tại các Hội nghị toàn quốc, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách như: Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (thay thế Luật Chuyển giao Công nghệ 2006), liên quan đến việc hỗ trợ ngân sách nhà nước đối với hoạt động liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với Trung tâm trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu theo đặc thù địa phương.

Đồng thời, quy định Trung tâm là một trong các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, tổ chức xây dựng, vận hành, khai thác điểm kết nối cung cầu công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ... Đồng thời, tham mưu chuyển đổi Trung tâm thành công ty cổ phần; sáp nhập, giải thể; thực hiện cơ chế tự chủ... qua đó, mạng lưới các Trung tâm từng bước khẳng định định vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động trong việc tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương.

Chia sẻ về một số khó khăn tại các Trung tâm trong triển khai hoạt động ứng dụng chuyển giao và thực hiện cơ chế tự chủ, ông Tạ Việt Dũng cho rằng: cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong đào tạo, tập huấn nhân lực cho các Trung tâm ứng dụng để đảm bảo đủ nguồn lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ; tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng đảm bảo các Trung tâm đủ điều kiện để tư vấn, trình diễn các mô hình công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và thường xuyên cung cấp thông tin và cập nhật các thông tin, dữ liệu, công nghệ mới... hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm và lựa chọn công nghệ; chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ còn hạn chế; chưa khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của Trung tâm để quảng bá, trao đổi về các công nghệ, sản phẩm của các trung tâm sẵn sàng chuyển giao và thương mại hóa.

Bên cạnh đó, cần liên kết hình thành mạng lưới giữa các Trung tâm, phát triển theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Ở một số vùng các Trung tâm chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác, liên kết hợp tác định kỳ giao lưu nhằm giới thiệu, khai thác thế mạnh lẫn nhau, hỗ trợ và liên kết nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu lẫn nhau.

Theo ông Tạ Việt Dũng, để phát huy hiệu quả tự chủ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới công nghệ, hệ thống Trung tâm cần triển khai hoạt động phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới  công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương; tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, hình thành mối liên kết với doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia công nghệ, cung cấp thông tin công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; Hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp theo hướng: tìm kiếm, nắm bắt nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, đồng thời cung cấp cho các viện trường nghiên cứu ứng dụng.

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động và hình thành liên kết mạng lưới giữa các Trung tâm với các viện trường để khai thác thế mạnh, hỗ trợ và liên kết nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu. Tạo các sân chơi của khu vực, vùng để nhân rộng các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm các công nghệ đã có trên thị trường phù hợp với điều kiện của địa phương, tập trung vào việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ thay vì đầu tư nguồn vốn khoa học và công nghệ để nghiên cứu lại, dễ bị trùng lắp, không hiệu quả...

Ứng dụng và khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của mạng lưới các Trung tâm để quảng bá, giới thiệu các công nghệ, sản phẩm của trung tâm sẵn sàng chuyển giao, nhất là quan tâm đầu tư ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để phát triển các kênh giao dịch thương mại điện tử đối với các sản phẩm công nghệ, thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và phù hợp với xu thế thương mại điện tử trên toàn cầu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
    Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
  • HONOR mở bán X8b tại Thế Giới Di Động
    Thế Giới Di Động (TGDĐ) và HONOR Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh, mở bán đặc quyền HONOR X8b với mức giá 7,69 triệu đồng.
  • Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"
    Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức ra mắt mini app BR-VT Smart trên Zalo
    Từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giải đáp thắc mắc cho đến các tiện ích như hiến kế phát triển tỉnh, lịch tiếp công dân, thông tin quy hoạch, thông tin đất đai... đều được tích hợp trong mini app “BR-VT Smart” trên Zalo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO