Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo nông sản, hàng hóa được tiêu thụ hiệu quả, Bộ Công Thương và các địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ vườn, trang trại đẩy mạnh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, bán hàng online…
Cơ hội trong khó khăn
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương… đều bị đình trệ, gián đoạn và không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực kinh tế, kể cả lĩnh vực bán lẻ truyền thống, nhưng đây là lại cơ hội cho thương mại điện tử. Do tâm lý ngại ra ngoài đi chợ, mua hàng vì sợ lây nhiễm bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu, các vật dụng y tế qua mạng Internet, vì thế hoạt động thương mại điện tử trở nên khá sôi nổi.
Chính trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã tận dụng cơ hội, đưa ra các giải pháp rút ngắn thời gian giao hàng, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sự tiện lợi và an toàn của người nhận.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, việc tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn. Để có các giải pháp chủ động ứng phó, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa, không để nông sản bị ùn ứ, bị đổ bỏ, Bộ NN&PTNT đã đề nghị sự tham gia phối hợp tiêu thụ nông sản với nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công Thương.
Ngoài đẩy mạnh triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trực tuyến để đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp (phải đảm bảo an toàn) của các tỉnh được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố, kể cả trong trường hợp phải thực hiện giãn cách; các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản, thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.
Để tiêu thụ hàng hóa, tránh tình trạng nông sản bị ùn ứ, thối hỏng phải đổ bỏ do đứt gãy cung - cầu, Bộ Công Thương đã đề nghị các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân, tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các thành phố lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương và các địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ vườn, trang trại đẩy mạnh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, bán hàng online… trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo nông sản, hàng hóa được tiêu thụ hiệu quả.
Việc mua sắm và sử dụng các dịch vụ online lại càng được người tiêu dùng áp dụng nhiều hơn khi Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành để hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), các giao dịch thương mại không chỉ thực hiện trên các sàn thương mại điện tử thông thường mà còn trên các mạng xã hội... Với sự phát triển của công nghệ, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường internet sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường Internet, cần chặn từ “gốc". Người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...
Không những thế, người tiêu dùng cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn cũng như cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính.
Khi gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ánh đến các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết.
Đồng thời, để xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh này.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển thương mại điện tử: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025... với các mục tiêu và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại điện tử tăng tốc. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nông sản và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại khu vực nông thôn.
Mặt khác, tập trung phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công Thương phối hợp Bộ Công Thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa. Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.