Thương mại điện tử: Giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, tăng lợi ích kinh tế

Yên Viên| 25/11/2020 08:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Thương mại điện tử (TMĐT) giờ đây được đánh giá quan trọng, không thể thiếu, ví như "hơi thở", "nhịp sống", giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng sức mạnh nội lực để mở rộng thị trường, phát triển động kinh doanh, sản xuất trên nền tảng, giải pháp số hóa.

Luôn xác định ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn đó, sáng 24/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty TMĐT Innovative hub Việt Nam (IH) tổ chức Hội thảo "Xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua TMĐT".

TMĐT cần đảm bảo tính an toàn khi thanh toán

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SME) - VCCI nhấn mạnh, hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, chính sách giữa các nước có sự thay đổi, căng thẳng, như: Cuộc đua thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung, thiên tai, dịch bệnh… đã và đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo Giám đốc Tiến, mặc dù Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ, thu được nhiều kết quả đáng mừng thời gian qua, tuy nhiên, trong những cơ hội thuận lợi, không phải đã hết những thách thức.

Đó là những thách thức ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 mang lại, vì vậy, để phát triển, các DN Việt Nam phải không ngừng tiếp cận, khai thác sử dụng các ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt kênh hỗ trợ TMĐT.

Thương mại điện tử: Giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, tăng lợi ích kinh tế - Ảnh 1.

Ông Phạm Hoàng Tiến: DN Việt Nam phải không ngừng tiếp cận, khai thác sử dụng các ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt kênh hỗ trợ TMĐT.

"Trong bối cảnh hiện nay, TMĐT là kênh không chỉ giúp các DN nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội, thị trường mà còn tiết kiệm chi phí giao dịch trong sự thích ứng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới", Giám đốc Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Giám đốc Tiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả lộ trình việc chuyển đổi số quốc gia, nhất là khai thác, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trên kênh TMĐT, các DN cần phát huy thế mạnh marketing điện tử, đảm bảo an toàn khi thanh toán điện tử, cũng như phải có phương án chủ động nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra trong môi trường mạng, số hóa.

Trên vai trò đồng tổ chức sự kiện, IH, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn TMĐT, giám đốc Nguyễn Thiên Phúc, cho biết, hiện nay IH là đối tác toàn cầu của Alibaba.com ở Singapore, một tập đoàn TMĐT lớn của nước ngoài chuyên cung cấp các nền tảng thương mại xuyên biên giới.

Giờ đây, các DN Việt Nam tham gia sàn giao dịch TMĐT là một xu thế hợp thời, bởi lẽ hàng hóa của Việt Nam sẽ được xuất khẩu xuyên biên giới và lợi ích cuối cùng chính là khẳng định thương hiệu quốc gia, tăng lợi ích kinh tế.

"Alibaba.com là cầu nối giúp các DN giao thương và mở rộng thị trường trên toàn cầu. Qua sàn TMĐT của Alibaba, DN có cơ hội đảm bảo tiến xa hơn trong tiến trình chuyển đổi số và kinh doanh quốc tế thành công qua nền tảng B2B (mô hình kinh doanh TMĐT trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các DN với nhau)", ông Phúc nhấn mạnh.

Đồng tình, đánh giá cao vai trò quan trọng của sàn TMĐT, và cũng là một đơn vị thành công khi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT, bà Đoàn Thúy, đại diện bán hàng của tập đoàn TMĐT Alibaba tại Việt Nam cho biết thêm, Alibaba.com là một nền tảng thương mại toàn cầu, dẫn đầu về bán sỉ, đáp ứng nhu cầu giao thương của hàng triệu người mua và bán trên toàn thế giới và luôn giúp DN kinh doanh dễ dàng trong mọi điều kiện.

Đánh giá cao quan điểm của Giám đốc Tiến về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn đối với các tài khoản thanh toán, giao dịch điện tử trên sàn TMĐT, bà Thúy cho rằng các DN khi tham gia hệ thống này, nhất thiết phải cài đặt các hệ thống bảo mật 02 lớp.

Cụ thể, lớp ngoài khi đăng nhập tài khoản phải được bảo vệ qua tin nhắn gửi về điện thoại của chính chủ tài khoản. Lớp thứ hai phải do chính chủ tài khoản đăng nhập, xác nhận.

"Trong trường hợp nếu ủy quyền cho nhân viên, cấp dưới sử dụng tài khoản điện tử, chủ tài khoản phải kiểm soát lịch sử các giao dịch. Trường hợp khi nhân viên công ty nghỉ việc, nhất thiết phải thu lại tài khoản và đổi mật khẩu", bà Thúy nhấn mạnh.

Tham gia sàn TMĐT - Thành công được tăng dần

Bên cạnh những ý kiến trên, hội thảo, còn sôi nổi với các câu hỏi của đại diện các DN đặt ra cho các chuyên gia nhằm tư vấn, hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả trong môi trường sàn TMĐT.

Với câu hỏi điều kiện nào để mở tài khoản trên nền tảng TMĐT Alibaba.com? Ông Phúc cho biết: DN chỉ cần chứng minh giấy phép pháp nhân do Việt Nam chứng nhận, đồng thời cần xác nhận địa hoạt động. Sau khi thực hiện thủ tục này, phía Alibaba.com sẽ cử đơn vị thứ 3 hoàn toàn độc lập xác thực thông tin chuẩn xác, khi đảm bảo mọi thứ đúng, Alibaba.com sẽ tiến hành cung cấp tài khoản cho DN.

Đối với câu hỏi về tỷ lệ thành công khi tham gia sàn TMĐT của Alibaba.com, ông Phúc cho biết có Alibaba có chỉ số đo lường dựa trên cơ sở khách hàng tái ký, thường đạt từ 70% và tăng dần qua các năm. Nếu DN tương tác tốt với Alibaba.com, tỷ lệ thành công rất cao.

Thương mại điện tử: Giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, tăng lợi ích kinh tế - Ảnh 2.

Các đại biểu trả lời các câu hỏi tại hội thảo

Trả lời câu hỏi về hình thức thanh toán điện tử qua Alibaba.com, ông Phúc cho biết, hiện nay, giao dịch thanh toán của Alibaba đảm bảo an toàn, mọi thông tin thanh toán được bên mua, bên bán thống nhất, có thể chuyển khoản theo hình thức ngân hàng bảo lãnh.

Cũng trả lời về câu hỏi làm thế nào để hạn chế các các rủi ro trong thanh toán quốc tế khi tham gia sàn TMĐT, ông Lê Trọng Thêm, Luật sư Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam, Công ty Luật LTT & Lawyers, cho rằng, các DN cần xác định ngay từ đầu mình là bên thanh toán hay bên nhận tiền thanh toán, đồng thời chọn phương thức nào để thanh toán. Nói điều này quan trọng, bởi lẽ khi cụ thể phương thức thanh toán sẽ đảm bảo đảo cho các các giao dịch đúng chính sách, điều khoản, quy trình, sự lựa chọn cam kết.

Chia sẻ về câu hỏi có bao nhiêu phương thức tranh chấp TMĐT liên quan đến xuất khẩu, Luật sư Thêm cho biết, hiện nay TMĐT quốc tế có 4 phương thức giải quyết tranh chấp: Thương lượng đàm phán trực tiếp giữa các bên, thông qua hòa giải viên thương mại, trọng tài thương mại, tòa án. Thông thường thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu khi xảy ra tranh chấp, các bên thường lựa chọn thông qua trọng tài thương mại.

Như vậy, với các ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chúng ta càng khẳng định vai trò quan trọng của việc xuất khẩu, kinh doanh hàng hóa trên môi trường sàn TMĐT là một lợi thế, giúp các DN Việt Nam mở rộng kênh bán hàng, phát triển thị trường xuyên biên giới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử: Giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, tăng lợi ích kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO