Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa CĐS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống

Tâm An| 04/04/2022 05:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực.

Từ thực tế đó, nhằm lan toả, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân CĐS hiệu quả, trong đó có sáng kiến thành lập "Tổ công nghệ số cộng đồng".

Từ những mô hình thành công…

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực tế triển khai thời gian vừa qua cho thấy, CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Và mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" đang cho thấy những hiệu quả tích cực.

Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội.

Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ thúc đẩy CĐS, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.

Sau một thời gian thí điểm triển khai, hiện nay cả nước đã có gần 2.300 tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ CSĐ tại một số tỉnh/thành phố như Quảng Nam, Yên Bái, Lạng Sơn.

Tại tỉnh Lạng Sơn, mô hình Tổ công nghệ cộng đồng được triển khai sớm từ tháng 7/2021, được thành lập dựa trên ý tưởng của Tổ COVID cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Lạng Sơn được nối dài từ tỉnh, huyện, xã đến tận cơ sở với các trưởng thôn bản, khối phố và những người am hiểu, say mê CĐS. Lạng Sơn đã thành lập 1.676 tổ công nghệ cộng đồng với 6.214 người để lan tỏa công nghệ số, nền tảng số, dịch vụ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống người dân và doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, Lạng Sơn đã đào tạo kỹ năng số cho 124.768 hộ SXNN, phát triển được 116.412 cửa hàng số cho hộ gia đình; 102.115 tài khoản thanh toán điện tử. Địa phương này cũng đã đưa hơn 14.640 sản phẩm và 10.153 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) langson.voso.vn, langson.postmart.vn, đứng thứ hai toàn quốc về số sản phẩm và số giao dịch trên sàn TMĐT chỉ tính riêng cho số cửa hàng số của hộ nông dân trên sàn.

Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa CĐS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống - Ảnh 1.

Nhờ triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, kinh tế số của tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Lao động TV)

Chia sẻ về việc triển khai mạng lưới Tổ công nghệ cộng đồng, nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh: "Trong thời gian qua, hoạt động của Tổ công nghệ cộng đồng tại thôn bản khối phố đã cho thấy rất hiệu quả bởi họ là những người trụ cột ở cơ sở, nắm chắc đặc điểm, năng lực của từng hộ gia đình".

Đối với trường học, tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo thành lập các tổ công nghệ trong trường học. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả mô hình này cũng không thể thiếu vai trò quan trọng của đoàn viên, thanh niên. 

Phát biểu tại Hội nghị ký kết Chương trình hợp tác với Tỉnh Đoàn Lạng Sơn về CĐS mới đây, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết: "Xác định năm 2022 là năm tổng tấn công về CĐS trên tất cả các lĩnh vực, các ngành của tỉnh, Lãnh đạo các cấp cũng xác định vai trò của thành niên là lực lượng xung kích tuyến đầu, tiên phong trong công cuộc CĐS của tỉnh".

Theo đó, Tỉnh đoàn là đại diện cho lực lượng thanh niên của Tỉnh sẽ nhận những nhiệm vụ lớn trong năm 2022 như: Phát triển 100.000 người dân cài đặt app người mua trên sàn langson.voso.vn, langson.postmart.vn và phát triển 100.000 tài khoản thanh toán điện tử; Đạt mục tiêu 100.000 đơn hàng giao dịch thành công trên cửa hàng số của sàn thương mại điện tử langson.postmart.vn hoặc langson.voso.vn.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, thời gian tới, Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kiện toàn lại Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ bổ sung lực lượng đoàn viên thanh niên trở thành lực lượng tiên phong với mô hình: toàn bộ Bí thư Chi đoàn thôn/bản, khối phố làm Tổ phó của 1.676 Tổ công nghệ số cộng đồng và đoàn viên trong thôn/bản, khối phố là các thành viên tích cực của Tổ công nghệ số cộng đồng để lan tỏa công nghệ số, nền tảng số đến với từng ngõ ngách của đời sống.

"Để làm được việc lớn thì lời giải là "việc lớn chia thành nhiều việc nhỏ và thực hiện đồng thời". Như vậy, lời giải là Tỉnh đoàn sẽ chia chỉ tiêu lớn thành nhiều chỉ tiêu nhỏ, giao cho từng chi đoàn các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện đồng thời", ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh đẩy mạnh lộ trình xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản hướng dẫn triển khai Tổ công nghệ cộng đồng thôn, khối phố; Phối hợp với Sở TT&TT Tỉnh và cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan lựa chọn thí điểm một số xã để thành lập Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, khối phố hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, đảm bảo an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đến nay, trên toàn Tỉnh đã có 18 huyện tham gia triển khai, thành lập 354 Tổ công nghệ cộng đồng thôn khối phố, 20 Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã và 2 Tổ công nghệ cộng đồng cấp huyện với tổng số 1.500 đơn vị tham gia.

Cùng với Lạng Sơn và Quảng Nam, việc thí điểm thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đã được UBND tỉnh Yên Bái tích cực triển khai. Cụ thể đã 1/9 huyện, thành phố (huyện Văn Yên); 25/25 xã, thị trấn và 172 thôn thành lập các Tổ công nghệ cộng đồng, với số người tham gia là 1.287.

Mới đây, chiều 26/3, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh CĐS là một trong những giải pháp động lực giúp Hải Dương vượt qua những khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19. Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng tỉnh Hải Dương sẽ là lực lượng huy động sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Minh Hùng mong muốn với lực lượng nòng cốt là thế hệ trẻ và người dân tại địa phương, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ phát huy được lợi thế và vai trò quan trọng trong việc đưa CĐS, kinh tế số làm nền tảng, động lực để phát triển.

Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa CĐS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống - Ảnh 2.

Tỉnh Hải Dương ra mắt Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng. (Ảnh: haiduong.gov.vn)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng các địa phương trước ngày 30/4/2022. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, khu dân cư về các chủ trương, chính sách, pháp luật về CĐS; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, TMĐT; tham gia thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống của người dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

… Đến chiến lược lan tỏa, nhân rộng

Với mong muốn nhân rộng những sáng kiến, cách làm hay của địa phương mà cụ thể là sáng kiến hình thành các Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ thúc đẩy CĐS tại cơ sở, mới đây, Bộ TT&TT đã có công văn số 793/BTTTT-THH gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc, hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.

Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo hướng dẫn và tìm hiểu, thí điểm triển khai sáng kiến "Tổ công nghệ số cộng đồng" tại địa phương ngay trong năm 2022.

Bộ TT&TT cho biết, thực tế triển khai thời gian vừa qua cho thấy, CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân CĐS, trong đó có sáng kiến thành lập "Tổ công nghệ số cộng đồng".

Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Trên cơ sở thực tế triển khai, Bộ TT&TT đã xây dựng Hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng.

Bộ TT&TT khuyến nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Trong đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn, bản, Tổ trưởng tổ dân phố và 02 nhân sự (khuyến nghị có sự tham gia của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa CĐS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống - Ảnh 3.

Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ TT&TT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2026.

Khẳng định vai trò của thanh niên trong công cuộc CĐS, tại Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ TT&TT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2026 mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị: "Thanh niên Việt Nam hãy cầm lấy ngọn cờ CĐS Việt Nam, biến Việt Nam thành quốc gia số thịnh vượng".

Trước đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định việc thành lập các Tổ công nghệ số hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của thanh niên và trên thực tế những công việc triển khai Hệ tri thức Việt số hoá, bản đồ số đã được thanh niên thực hiện. Trong đại dịch COVID-19, những tổ công nghệ số cộng đồng đã được hình thành để hướng dẫn cho người dân tự chăm sóc tại nhà, khai báo y tế cho người dân.

Chương trình phối hợp hoạt động cũng đã đề ra nội dung hợp tác trong việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, Đoàn thanh niên giữ vai trò nòng cốt, là lực lượng chủ lực. Trung ương Đoàn chỉ đạo các tổ chức Đoàn chủ trì hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; Bộ TT&TT chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng. Đồng thời, phối hợp triển khai các công nghệ phục vụ cộng đồng như: công nghệ phòng, chống dịch bệnh; công nghệ hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ;…

Theo hướng dẫn thí điểm triển khai của Bộ TT&TT, Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Cụ thể, Tổ thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố.

Về chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.

Về kinh tế số, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn TMĐT như "voso.vn", "postmart.vn",…; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Về xã hội số, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số.

Về phương thức triển khai, tổ công nghệ số cộng đồng nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố (ví dụ như: Mở gian hàng số, cài ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC–COVID, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai,…). Tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (ví dụ: lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Hiện trên cả nước, nhiệm vụ thiết lập lực lượng nòng cốt tại địa phương để hỗ trợ triển khai CĐS đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội cũng đang được nhiều tỉnh, thành phố tích cực triển khai. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp lan toả, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội mạnh mẽ hơn./.

Bài liên quan
  • Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa CĐS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO