Chuyển đổi số

Tổ công nghệ số cộng đồng - Nhân lực thúc đẩy kinh tế số - xã hội số

Lan Phương 14/09/2023 06:00

Sau hơn 1 năm triển khai, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số (CĐS) trên toàn quốc ở cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định quan điểm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ- TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ giải pháp tổ chức Tổ CNSCĐ đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Viet Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.

to-cnscd-4.jpg

Thực hiện chủ trương nêu trên, ngày 5/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Văn bản số 793/BTTTT-THH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ tại địa phương. Hơn 01 năm qua, các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ CNSCĐ, dần hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác CĐS trên toàn quốc ở cả 3 trụ cột. Theo đó, có thể khẳng định, Tổ CNSCĐ là nhân lực đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số tại các địa phương.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng, dịch vụ số

Theo Bộ TT&TT, triển khai Tổ CNSCĐ tính đến ngày 14/7/2023, cả nước 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 74.521 Tổ CNSCĐ và 348.629 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến

cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 4 - 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Cảnh sát khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp (DN) công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ CNSCĐ, trong tháng 9/2022, Bộ TT&TT đã phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương, DN công nghệ số tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 255.545 thành viên Tổ CNSCĐ tại 59/63 địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo đó, các thành viên của Tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: (1) Sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT); (2) Mua sắm trực tuyến; (3) Thanh toán trực tuyến; (4) Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

quang-yen.jpeg
Đoàn Thanh niên phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: baoquangninh.vn).

Tại tỉnh Quảng Ninh, tổ CNSCĐ đóng vai trò tích cực trong triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng kể từ ngày 1/1/2023 như vận động 100% người dân trên địa bàn đủ độ tuổi thực hiện đăng ký cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) trên điện thoại thông minh (smartphone) để đăng ký tài khoản định danh điện tử cấp 2 góp phần “làm giàu”, “làm sạch” dữ liệu dân cư.

Một số địa phương trong tỉnh có cách làm sáng tạo để khuyến khích, động viên Tổ CNSCĐ như: (1) Huyện Vân Đồn tặng mỗi Tổ CNSCĐ một máy smartphone có gắn sẵn SIM đã được kích hoạt...; (2) Huyện Tiên Yên tổ chức trưng bầy gian hàng tuyên truyền, giới thiệu các nội dung thực hiện CĐS tại các Lễ hội như: Lễ hội Mùa Vàng, Lễ hội dân tộc Sán Dìu, Lễ hội dân tộc Dao. Ngoài ra, vào tối thứ 7 hằng tuần tại phố đi bộ, huyện còn tổ chức tuyên truyền tới người dân về thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt (mobile money); hướng dẫn cài đặt, sử dụng sổ bảo hiểm xã hội số (VssID); sổ sức khỏe điện tử; ứng dụng định danh điện tử VNEID.

Tại tỉnh Bình Thuận, tổ CNSCĐ đã tuyên truyền cho người dân biết sử dụng các nền tảng số như: Nộp hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến qua Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC của tỉnh; triển khai thanh toán trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các ứng dụng trên các thiết bị thông minh,...

Qua đó từng bước thúc đẩy CĐS đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Nhiều hộ kinh doanh được tập huấn kiến thức về TMĐT để mở tài khoản thanh toán điện tử sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm nâng cao hiệu quả bán hàng, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước, tổ CNSCĐ của thành phố Đồng Xoài đã phối hợp chặt chẽ với các DN trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tạo cơ hội cho người dân trên địa bàn được tiếp cận và trải nghiệm các hình thức, chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ để xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Qua đó thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng và DN sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch thanh toán, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương.

Tại Đà Nẵng, các Tổ CNSCĐ đã tham gia tích cực vào các mô hình CĐS mới được triển khai như: Mô hình tuyến phố, Chợ không dùng tiền mặt; Mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và CĐS”; Mô hình Trang thông tin Chính quyền điện tử phường/xã trên Zalo OA,...; Tổ chức Hội thi tuyên truyền về CĐS “Rung chuông vàng”, “Hội thi CĐS” nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông CĐS đến người dân.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, tổ CNSCĐ đã hỗ trợ 1.333 lượt người dân cài đặt ứng dụng e-Đồng Tháp; 986 lượt người dân cài đặt ví điện tử; 210 cửa hàng, dịch vụ sử dụng thanh toán điện tử; 189 sản phẩm đưa lên sàn TMĐT; 9.038 lượt hướng dẫn và nộp hồ sơ được hướng dẫn tạo tài khoản và hướng dẫn thực hiện DVCTT,...

Đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách cuộc sống

Bộ TT&TT khẳng định: “Với sự hỗ trợ của Mạng lưới Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc CĐS quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: Nền tảng VNeID, Nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng DVC quốc gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, Nền tảng tuyển sinh trực tuyến, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa...”.

Cũng theo Bộ TT&TT, “trong tiến trình ứng dụng CNTT trước đây và CĐS hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Thông qua Tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác CĐS quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Đây là một kết quả đặc biệt đột phá. Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về CĐS trong tương lai”.

Bài học kinh nghiệm chung trong triển khai Tổ CNSCĐ, theo đúc kết của Bộ TT&TT từ các địa phương đã triển khai bước đầu có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ là: (1) Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”. Hoạt động của Tổ CNSCĐ là chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của chính các thành viên Tổ CNSCĐ, hay nói cách khác là “mưa dầm thấm lâu”; (2) Triển khai “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”, theo hướng xã hội hóa là chính. Tổ CNSCĐ có sứ mệnh hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân; (3) Thiết lập đầu mối hỗ trợ Tổ CNSCĐ và các kênh truyền thông về CĐS. Sở TT&TT các địa phương phải đóng vai trò hạt nhân nòng cốt trong hoạt động CĐS, cụ thể ở đây là trong hoạt động của Tổ CNSCĐ.

Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: “CĐS chú trọng vào sử dụng, chú trọng vào người dùng biết cài đặt và sử dụng, nhất là người dân. Vì vậy mà cần các tổ CNSCĐ tại từng thôn bản, đến từng nhà hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số”.

to-cnscd-1.jpg

Thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ trên toàn quốc

Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ trên toàn quốc để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về CĐS tại địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ TT&TT đang triển khai các hoạt động hướng đến tăng cường năng lực, thiết lập công cụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Tổ CNSCĐ hoạt động.

Cụ thể: Cập nhật, bổ sung khóa học về phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng cho cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) được thực hiện trong Quý III và IV năm 2023.

Khóa học dự kiến sẽ gồm các chuyên đề sau: Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức thực thi và giám sát hoạt động Tổ CNSCĐ; kỹ năng ứng dụng nền tảng số trong truyền thông, tuyên truyền,...

Tiếp theo, các thành viên Tổ CNSCĐ và người dân sẽ được cập nhật, bổ sung khóa học về kỹ năng số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) trong Quý III và IV năm 2023. Dự kiến sẽ có 2 phiên bản, một phiên bản dành cho thành viên Tổ CNSCĐ và một phiên bản dành cho người dân. Thành viên Tổ CNSCĐ ưu tiên thời gian hoàn thành khóa học này bằng hình thức trực tuyến trong Quý III năm 2023.

Khóa học sẽ gồm các chuyên đề sau: Sử dụng trình duyệt an toàn; Sử dụng nền tảng số để làm việc, cộng tác; Tìm kiếm thông tin hiệu quả; Tạo tài khoản và kho dữ liệu cá nhân trực tuyến; Sử dụng DVCTT; Thanh toán trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Học tập và ôn luyện trực tuyến; Chặn và lọc tin rác hiệu quả trên trình duyệt; Bảo vệ bản thân trực tuyến; Bảo vệ gia đình trực tuyến; Giải trí trực tuyến.

Hằng tháng, Bộ TT&TT sẽ tổ chức phổ biến, trao đổi, hướng dẫn, hỏi đáp về một chuyên đề cụ thể.

Bộ TT&TT cũng sẽ xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ; Phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong Quý III và IV năm 2023.

Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong hoạt động của Tổ CNSCĐ để phổ biến, chia sẻ cho các địa phương tham khảo và tôn vinh, khen thưởng các địa phương triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ trong Quý IV năm 2023.

Bộ TT&TT cũng hỗ trợ nền tảng số phục vụ hoạt động của Tổ CNSCĐ đối với các địa phương có nhu cầu trong quý III và IV năm 2023.

Nhìn chung, sau một năm triển khai, Tổ CNSCĐ tại các địa phương đã từng bước mang lại những kết quả thực tiễn, dần lan tỏa, đi sâu vào nhận thức và thói quen của đông đảo người dân, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Từ đó khẳng định vai trò quan trọng của Tổ CCNSCĐ là cánh tay nối dài của chính quyền để hiện thực hóa các nhiệm vụ CĐS của địa phương.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Chuyên đề Kinh tế số Xã hội số tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
    Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
    Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
Đừng bỏ lỡ
Tổ công nghệ số cộng đồng - Nhân lực thúc đẩy kinh tế số - xã hội số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO