Nhóm bệnh viện tư chuyển đổi số mạnh mẽ hơn các bệnh viện công lập
Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường Y tế số Việt Nam do Med247 thực hiện về việc áp dụng y tế số hiện nay, đối với nhóm bệnh viện và phòng khám tư như Vinmec, Hoàn Mỹ và Victoria, nhờ có lợi thế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật nhờ vào nguồn vốn ngoại dồi dào, họ có thể đầu tư mạnh vào y tế số để không những đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, mà còn để tối ưu hoá vận hành.
Ví dụ, như bệnh viện Hoàn Mỹ đã phát triển thành công hệ thống thông báo sự cố HM115 nhằm mục đích giảm thiểu tỷ lệ tử vong gây ra do các sự cố hay việc triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) của bệnh viện quốc tế City để giúp việc chẩn đoán bệnh. "Những thách thức cho các đơn vị thuộc nhóm này là chi phí khám chữa bệnh cao và có độ tin cậy thấp hơn so với các bệnh viện công lớn", báo cáo khẳng định.
Báo cáo của Med247 khẳng định, hiện nay, các bệnh viện công đang trong quá trình thúc đẩy ứng dụng y tế số vào việc khám chữa bệnh như tập trung ứng dụng các hệ thống kỹ thuật số để tối ưu hoá vận hành, ví dụ hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) hoặc hệ thống thông tin phòng thí nghiệm (LIS).
Ngoài ra, các bệnh viện công thuộc cấp trung ương, như Bạch Mai và Việt Đức, đang sử dụng telemedicine để hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh cấp tỉnh khám bệnh. Tuy nhiên, tốc độ ứng dụng y tế số chưa tương xứng với nguồn lực tài chính lớn của họ. Ví dụ, chỉ có dưới 10% bệnh viện công đã ứng dụng thành công PACS-RIS (hệ thống thông tin phục vụ cho chẩn đoán hình ảnh). Những thách thức lớn cho việc phát triển y tế số ở bệnh viện công bao gồm việc người dùng cuối thiếu các kỹ năng số và TTHC còn phức tạp.
Còn đối với các startup trong lĩnh vực y tế, do vận hành tinh gọn hơn, nên các startup thường dễ dàng triển khai ý tưởng và sáng tạo mới vào kinh doanh. Các sản phẩm đáng chú ý của nhóm startup bao gồm telemedicine, ứng dụng chăm sóc sức khoẻ và giao thuốc đến nhà, giúp tăng sự tiếp cận với Y tế cho rất nhiều bệnh nhân.
Mặc dù vậy, thách thức lớn nhất của các startup y tế trong lĩnh vực này như Med247, eDoctor, Jio Health và Doctor Anywhere chính là việc nhận diện thương hiệu kém và ít có sự tin tưởng của người bệnh. "Năm 2019, đầu tư vào startup trong lĩnh vực y tế mới chỉ ghi nhận vào khoảng 7 triệu USD, con số này vẫn còn khiêm tốn và thị trường còn nhiều dư địa để phát triển, cho cả những startup đã thanh lập cũng như những đơn vị mới tham gia thị trường", báo cáo khẳng định.
Người dùng bắt đầu "chuộng" khám bệnh từ xa
Báo cáo Nghiên cứu thị trường Y tế số Việt Nam khẳng định, Covid-19 khiến bệnh nhân ở Việt Nam đang có chiều hướng chọn những sản phẩm và dịch vụ y tế thuận tiện, gần nhà hơn và online từ xa. Trong khoảng thời gian đại dịch, tới 39% số người được hỏi trả lời rằng họ sẽ chuyển sang sử dụng những cơ sở Y tế hoặc gần nhà hơn, hoặc có dịch vụ khám online. Xu hướng này tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho y tế số nhờ vào việc thu hút thêm khách hàng mới.
Người dân cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn cho sức khỏe nên sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển trong tương lai của những ứng dụng chăm sóc sức khoẻ (như theo dõi lượng nước, quản lý calorie) và các thiết bị đeo thông minh.
Tuy nhiên, việc thiếu niềm tin vào y tế số cũng là một trở ngại lớn cản trở sự phát triển. Bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, vẫn nghi ngờ về tính chính thống của thông tin được cung cấp trên các nền tảng y tế. Một lý do nữa khiến bệnh nhân bận tâm là việc bảo mật thông tin và quyền sở hữu thông tin y tế của họ. Do dữ liệu sức khoẻ thường rất nhạy cảm và cá nhân hóa, bệnh nhân thường quan tâm nhiều đến cách dữ liệu của họ được thu thập, xử lý và phân tích bởi nhà cung cấp dịch vụ hoặc bên thứ ba.
Cải thiện kỹ năng số cho người dùng cuối
Theo báo cáo của Med247, kỹ năng số cũng là một trong những trở ngại lớn nhất cản trở sự phát triển của y tế số, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi. Vì vậy, việc cải thiện kỹ năng số cho người dùng cuối giúp mở rộng thị trường tiềm năng cho y tế số ra ngoài khu vực thành thị.
Bên cạnh đó, định kiến với y tế số hạn chế rất nhiều bệnh nhân Việt Nam tiếp cận với sản phẩm/dịch vụ không truyền thống. Do đó, nếu muốn phát triển, ngành y tế số cần phải tập trung truyền thông cho bệnh nhân về lợi ích của y tế số, đặc biệt những lợi ích liên quan đến thời gian và chi phí. Một số startup ở Việt Nam đã đi tiên phong trong việc xây dựng một cộng đồng người dùng. Ví dụ, Med247 đã sử dụng nhiều phương pháp xây dựng cộng đồng, như tạo một nhóm Facebook riêng tư nơi bác sĩ luôn sẵn sàng trực để trả lời mọi câu hỏi của thành viên, nhờ vào nhóm đó, nhận thức của bệnh nhân đối với e-Health được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, để người dùng yên tâm khi sử dụng dịch vụ, quy định về bảo vệ dữ liệu là một trong những vấn đề chính cần lưu tâm cho những đơn vị đã ứng dụng y tế số. Hiện nay, Việt Nam chưa có một bộ luật thống nhất về dữ liệu, tạo ra nhiều khó khăn cho các đơn vị y tế khi hoạt động. Từ đó, báo cáo do Med247 thực hiện nhấn mạnh việc hợp nhất hoá và minh bạch hóa các điều luật liên quan đến dữ liệu là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Tiếp tục đầu tư vào các công nghệ mới như AI và máy học
Báo cáo Nghiên cứu thị trường Y tế số Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cho thị trường y tế số. Đầu tiên là việc cải tiến sản phẩm và gia tăng các dịch vụ mới như AI và học máy, các bệnh viện công/bệnh viên, phòng khám tư có sẵn có sở dữ liệu của bệnh nhân nên có thể cá nhân hoá cho khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh. Ứng dụng Pulse từ Prudential gần đây là một ví dụ điển hình về cách AI cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tập trung truyền thông, tiếp thị để cải thiện hình ảnh, lòng tin với khách hàng. Các startup y tế có thể kết hợp với các bác sĩ nổi tiếng để tăng nhận thức, sự tin tưởng với khách hàng bên cạnh những ưu điểm về công nghệ.
Gia tăng thu nhập, cùng với việc nâng cao nhận thức về sức khỏe, tạo ra nhu cầu chăm sóc sức khoẻ chưa được giải quyết của tầng lớp có thu nhập trung bình đến cao. Y tế dự phòng là một thị trường màu mỡ cho nhóm bệnh viện tư hay startup y tế như việc ra đời các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ.
Còn đối với các bệnh viện công, việc cải thiện, giảm bớt các thủ tục hành chính, các quy định về dữ liệu không rõ ràng sẽ giúp việc ứng dụng y tế số được thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh, mặc dù còn tồn tại nhiều thách thức trong ngành y tế số, nhưng trong tương lai ngành này có rất nhiều cơ hội để phát triển. Gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, được biểu hiện dưới con số gia tăng tổng chi tiêu và số lượt bệnh nhân, tạo ra một thị trường màu mỡ cho cả "người chơi" hiện tại và tiềm năng.
Mặc dù nhiều mô hình kinh doanh ứng dụng y tế số đã được khai phá trong những năm gần đây, nhưng hiện tại chưa có một giải pháp nào đáp ứng hoàn toàn được nhu cầu của người bệnh do mỗi mô hình đều có điểm yếu riêng khiến nó khó có thể phát triển.
Một sự kết hợp giữa các mô hình kinh doanh hiện tại sẽ tạo ra một giải pháp phù hợp để lấp đầy các khoảng trống trong thị trường. Tuy nhiên, mô hình hỗn hợp mới này lại tạo ra những vấn đề mới, như sự cần thiết trong việc phải quản lý và vận hành hiệu quả. Đối với những công ty muốn tham gia vào thị trường, sự hiểu biết sâu về thị trường tại Việt Nam cũng như hành vi của khách hàng tại địa phương là cần thiết để thành công trong một thị trường y tế số đang thay đổi nhanh chóng và đầy biến động.