TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện chuyển đổi số 10 ngành, lĩnh vực

PV| 03/03/2021 11:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đang được TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai sâu rộng là chính quyền số và kinh tế số. Theo đó, năm 2025 là đô thị thông minh, dịch vụ, công nghiệp; đến năm 2030 đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; năm 2045 là trung tâm kinh tế, tài chính châu Á.

Con số mục tiêu

Với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén, với tinh thần năng động sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, nhờ lòng dân và sức dân nắm bắt các cơ hội cùng đẩy lùi khó khăn, vượt qua những thử thách. Về kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GDP và đạt 40% vào năm 2030.  Cũng tính đến cột mốc này, dự kiến TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%.

TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện chuyển đổi số 10 ngành, lĩnh vực  - Ảnh 1.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được TP. Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2021.

Để làm được điều này, TP. Hồ Chí Minh xác định 3 mục tiêu chính trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương:

Đến năm 2025 thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực phát triển kinh tế của vùng trọng điểm phía Nam và cả nước. Đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD. Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á. Phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Việc cần làm

Lẽ dĩ nhiên, không thể ngồi chờ sung rụng. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định ngay từ bây giờ phải triển khai các giải pháp để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và kinh tế số.

Hiện nay, thành phố đã công bố chương trình chuyển đổi số nhưng đây mới chỉ là động thái đầu tiên, một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai chuyển đổi số là việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức.

Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu chuyển đổi số. Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh tin tưởng sắp tới thành phố sẽ có những công cụ hiệu quả để thúc đẩy hiện thực hóa nhanh chương trình chuyển đổi số.

TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện chuyển đổi số 10 ngành, lĩnh vực  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ông nhấn mạnh: "Khoa học công nghệ phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Do đó, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Viettel và các sở, ban ngành xây dựng nhanh đề án thành lập Trung tâm chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh, để có những doanh nghiệp lớn, như Viettel dẫn dắt, kết nối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng hệ sinh thái đổi sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh".

Đối với chương trình chuyển đổi số, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định về Chương trình chuyển đổi số thành phố, Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, nhằm đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới… Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực.

Trước mắt, Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện chuyển đổi số 10 ngành, lĩnh vực gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực.

Hướng tới chính quyền số

Khi mà chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh đã được triển khai một cách thành công, thì việc xây dựng và điều hành một thành phố thông minh sẽ là điều không khó thực hiện. Mộtthành phố thông minh với kho dữ liệu của từng ngành, từng lĩnh vực sẽ giúp cơ quan quản lý chủ động xử lý các vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội thay vì bị động chạy theo xử lý khủng hoảng.

Đây là nội dung quan trọng trong giai đoạn 2020-2025 thành phố hướng đến, bên cạnh những tiện ích cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công thì các ngành như y tế, giáo dục sẽ có bước chuyển đổi quan trọng trong công tác quản lý của mình hướng đến môi trường số, nơi đó những cải cách phải đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng của mình, đó chính là người dân.

TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện chuyển đổi số 10 ngành, lĩnh vực  - Ảnh 3.

Trung ương luôn tạo điều kiện để TP. Hồ Chí Minh phát triển.

Đến cuối năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.

Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Trong giai đoạn này, dự kiến TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện chuyển đổi số 10 ngành, lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO