Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng các cụm TTDL mới ở khu vực phía Tây để tăng cường sức mạnh tính toán của quốc gia, cũng như đáp ứng các kế hoạch đầy tham vọng của nước này trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu (Climate Ambition Summit) 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố các kế hoạch giúp Trung Quốc ứng phó sự nóng lên toàn cầu bằng cách đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng hơn. Các mục tiêu bao gồm giảm lượng khí thải carbon trước năm 2030 ở mức cao nhất và đạt mức độ trung tính của carbon vào năm 2060.
Đối với dự án "Dữ liệu miền Đông và điện toán miền Tây", 10 cụm TTDL sẽ được xây dựng tại khu vực phía Tây kém phát triển về kinh tế nhưng giàu năng lượng của đất nước. Các cụm TTDL bao gồm các tỉnh Quý Châu và Cam Túc, cũng như Khu tự trị Hồi Ninh Hạ và Nội Mông.
Các doanh nghiệp (DN) tư nhân và DN nhà nước sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) mới với sự hỗ trợ của nhà nước.
Các cụm TTDL mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sức mạnh tính toán và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Trung Quốc. Đồng thời, dự án sẽ dịch chuyển các nguồn tài nguyên tính toán đến khu vực phía Tây của Trung Quốc và giảm bớt sự mất cân bằng nguồn cung của các TTDL trên khắp đất nước.
Các TTDL mới có thể sẽ đáp ứng một số nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật số từ các thành phố phát triển hơn ở miền Đông Trung Quốc. Một số cơ sở hiện có từ khu vực phía Đông cũng sẽ được di rời đến các cụm mới.
Hiện tại, hầu hết các TTDL ở Trung Quốc nằm ở bờ biển phía Đông - Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng như tỉnh Quảng Đông, nơi có nhiều công ty công nghệ.
Theo một báo cáo gần đây của Huaxi Securities, các cơ sở tính toán ở khu vực này đang phải đối mặt với hạn chế về không gian, thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng cũng như chi phí năng lượng tăng cao. Bằng cách triển khai các TTDL ở các cụm mới, các công ty sẽ được tiếp cận với nguồn điện rẻ hơn do nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào của khu vực và thời tiết mát mẻ hơn.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc đã thông tin với đài truyền hình quốc gia CCTV rằng 10 cụm TTDL có thể mang lại đầu tư trị giá 400 tỷ nhân dân tệ (63 tỷ USD) mỗi năm, tạo động lực cho các lĩnh vực kinh doanh trong lưu trữ dữ liệu, viễn thông, năng lượng tái tạo, phần mềm, cơ sở hạ tầng và xây dựng. NDRC chưa đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho dự án.
Yi Bin, nhà phân tích trưởng về chiến lược của Western Securities trong một báo cáo nghiên cứu hồi tháng 2 được kr-asia trích dẫn cho biết: "Có thể thấy dự án "Dữ liệu phía Đông và điện toán phía Tây" có thể kéo dài tới vài thập kỷ. Trước đây, Trung Quốc có Dự án Chuyển nước Nam - Bắc, kéo dài từ 40 - 50 năm. Tôi tin rằng sáng kiến mới này cũng quan trọng không kém đối với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai, vì sức mạnh tính toán là cơ sở hạ tầng quan trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc".
NDRC cho biết hồi tháng 2 trong một tuyên bố chung với ba cơ quan nhà nước khác gồm Cơ quan không gian mạng Trung Quốc (CAC), Bộ Công nghiệp và CNTT (MIIT) và Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia - cho biết các chính quyền địa phương được hướng dẫn không được mở rộng ưu đãi thuế và trợ cấp cho thuê đất đối với các công ty đang có kế hoạch xây dựng các TTDL mới bên ngoài các khu vực được chính phủ phê duyệt. Trước đó, các chính quyền địa phương cũng đã được cảnh báo về việc xây dựng các TTDL mới không theo hướng dẫn.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành dữ liệu lớn, MIIT đã công bố kế hoạch cho ngành này trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Dự báo, ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Trung Quốc sẽ vượt 3.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 474 tỷ USD) vào cuối năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 25%.
Những những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Huawei và Tencent đã bày tỏ sự quan tâm của các công ty này trong việc tham gia vào dự án quốc gia.
"Tencent sẽ tham gia tích cực vào dự án "Dữ liệu phía Đông và điện toán phía Tây", tối ưu hóa việc phân bổ các TTDL hiện tại và tăng cường tái định vị năng lực điện toán xuyên khu vực", Tencent tuyên bố trong một tuyên bố báo chí. Công ty này đang tìm cách xây dựng thêm các TTDL ở các tỉnh Giang Tô, Tứ Xuyên và Hà Bắc, nơi sẽ đặt 10 cụm TTDL.
Alibaba và Huawei, từng thành lập 5 TTDL lớn trên khắp Trung Quốc, cũng đang có kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng dữ liệu của các công ty này tại các cụm TTDL mới./.