Truyền thông chính sách cần gắn với báo chí giải pháp
Thực tế hoạt động báo chí Việt Nam thời gian qua cho thấy, công tác truyền thông chính sách khi gắn với báo chí giải pháp đã mang lại hiệu quả thực chất.
Cách làm truyền thông chính sách của một số cơ quan báo chí
Thời gian qua, thuật ngữ "truyền thông chính sách" (TTCS) được nhắc nhiều trong các cơ quan báo chí. Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác TTCS xác định TTCS là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Báo chí và các loại hình truyền thông khách là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện TTCS.
Chia sẻ trong khuôn khổ Diễn đàn Tổng iên tập cuối tháng 9/2024 vừa qua tại Bình Thuận, lãnh đạo Báo Kinh tế và Đô thị đặc biệt quan tâm, chú trọng đến phát triển báo chí giải pháp, nhằm tham mưu cho thành phố Hà Nội cũng như các bộ, ngành, địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội.
"Hàng năm, ngay từ đầu năm, Báo đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền của từng ngành, lĩnh vực phụ trách, đặc biệt quan tâm đến các tuyến bài, loạt bài chất lượng cao, chuyên sâu, nhất là hai lĩnh vực quan trọng của báo là kinh tế, đô thị. Ở lĩnh vực đô thị, mới đây khi thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, song một số bãi giữ xe vẫn cố tình đi ngược chủ trương trên, trong đó có khu vực quận Hoàn Kiếm. Sau khi Báo phản ánh tình trạng trên, UBND thành phố ngay lập tức đã chỉ đạo quận Hoàn Kiếm và các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Lực lượng chức năng sau đó đã kiểm tra và xử phạt một số đơn vị sai phạm. Điều đó cho thấy sự dấn thân của phóng viên đã mang lại hiệu quả ngay tức thì, góp phần cùng thành phố thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới Chính quyền số", Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ về hoạt động TTCS tại Báo.
Thông tin về những kết quả bước đầu của TTCS, ông Đinh Xuân Toản, Tổng biên tập Báo Đắk Lắk cho biết, là cơ quan báo chí chủ lực địa phương, trong những năm qua, Báo Đắk Lắk đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng TTCS, tập trung vào 2 mảng xây dựng câu chuyện trở nên cuốn hút và xây dựng các tin bài với góc nhìn mới lạ, đa chiều.
"Ở mảng xây dựng câu chuyện trở nên cuốn hút: Chúng tôi truyền thông về tín dụng chính sách, thay vì những con số khô khan, chúng tôi tập trung tìm và kể về câu chuyện điển hình những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng hiệu quả vốn vay như thế nào để vươn lên thoát nghèo. Truyền thông về Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2024. Ngay từ tháng 11/2023, Ban Biên tập Báo Đắk Lắk đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền “Cà phê thích ứng với bối cảnh mới”, chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng, kể những câu chuyện theo các chủ đề, để hướng dẫn người nông dân cần tuân thủ EURD, lợi ích doanh nghiệp khi đảm bảo tiêu chuẩn EURD, khuyến nghị chính sách đối với cơ quan quản lý trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ EURD của các chủ thể thực hiện", Tổng biên tập Báo Đắk Lắk nêu dẫn chứng.
Cũng theo Tổng biên tập Báo Đắk Lắk, ở mảng xây dựng các tin bài với góc nhìn mới lạ, đa chiều, Báo Đắk Lắk rất quan tâm đến phản biện chính sách. Tất nhiên, vẫn phải tìm cách kể câu chuyện phản biện sao cho cuốn hút.
Thực tế Báo Đắk Lắk đã có nhiều tuyến bài phản biện chính sách các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất đầu tư phát triển nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp, với diện tích đất được thuê gần 43.310 ha, nhưng thực tế các doanh nghiệp cải tạo rừng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp trên đất rừng (chủ yếu là cây cao su), chăn nuôi dưới tán rừng… không hiệu quả; nhiều chủ dự án quản lý rừng không hiệu quả, để xảy ra tình trạng chặt rừng, xâm lấn, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Từ những phản ánh của báo và các cơ quan báo chí Trung ương, vừa qua, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát, đánh giá lại ưu điểm, hạn chế của chính sách này để triển khai tốt hơn trong thời gian tới...
Đề xuất một số giải pháp để truyền thông chính sách gắn với báo chí giải pháp
Nhiều ý kiến lãnh đạo cơ quan báo chí đều đồng tình, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội như hiện nay, báo chí truyền thống vẫn khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó báo chí giải pháp là một trong những cách thức tiếp cận giải “bài toán” của TTCS.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện TTCS đạt hiệu quả cao, Tổng biên tập Báo Bạc Liêu Hàn Ái Tiến nhìn nhận, việc huy động nguồn lực cho TTCS cũng đồng nghĩa với việc ưu tiên dành nguồn lực thích đáng cho báo chí - kênh chủ lực, quan trọng, quyết định thành bại của việc ban hành, thực thi, đánh giá, tổng kết chính sách. Muốn vậy, việc đầu tiên và mang tính quyết định chính là nhận thức từ cơ quan chủ quản của tờ báo (đối với cơ quan báo Đảng ở địa phương là Tỉnh ủy) cũng như các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyên truyền.
Nhận thức về việc cần thiết phải đổi mới hình thức TTCS cũng như tầm quan trọng của kênh truyền thông chính thống trong thực hiện công tác này sẽ tạo ra động lực, thúc đẩy cơ quan báo chí triển khai mô hình báo chí giải pháp một cách hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông cũng như tăng nguồn thu trong giai đoạn khó khăn của báo chí truyền thống hiện nay.
Trong khi đó, Tổng biên tập Báo Đắk Lắk cho rằng cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên cốt cán của tòa soạn. Đồng thời, đặt bài các chuyên gia các lĩnh vực/các nhà báo chuyên nghiệp ngoài tòa soạn. Đây được xem là giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài của mỗi tòa soạn.
"Báo chí giải pháp không chỉ là một xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông, mà còn là một cách tiếp cận tiên tiến để đưa thông tin về phát triển xã hội đến với độc giả. Khả năng tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hiệu quả là điểm mạnh của báo chí giải pháp, giúp nó trở thành một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và mở ra cho bản thân nó con đường phát triển phía trước. Điều đó đòi hỏi người làm báo chí giải pháp phải tích cực tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các thành tựu công nghệ mới, thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí giải pháp đặc sắc, đắc dụng", Tổng biên tập Báo Đắk Lắk Đinh Xuân Toản đề xuất.
Mới đây, tại dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2024 - 21/6/2024), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu 3 điểm quan trọng đối với báo chí trong tình hình mới, trong đó, có điểm thứ ba về thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về truyền thông nói chung và TTCS nói riêng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, TTCS được coi là việc của một mình các cơ quan báo chí. Thì nay, tại Chỉ thị 07/CT-TTg, TTCS được coi là một chức năng, một nhiệm vụ, một việc của chính quyền các cấp. Do vậy, chính quyền các cấp phải có bộ máy chuyên biệt làm công tác TTCS thường xuyên hàng năm để thực hiện nhiệm vụ này qua đặt hàng báo chí.
Bộ TT&TT trên cơ sở này đã ban hành kế hoạch hành động về kiện toàn bộ máy làm công tác truyền thông các cấp, hướng dẫn bố trí ngân sách và sửa các thông tư liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật để chính quyền các cấp có thể đặt hàng báo chí./.