Deutsche Welle (DW), một hãng truyền thông quốc tế lâu đời của Đức, ngày 26/3, đã đăng tải một bài viết có tựa đề: "Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến với virus corona như thế nào?" với những phân tích cho thấy Việt Nam đã có những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Tiêu đề bài viết trên trang Deutsche Welle (Đức).
Bài viết lý giải những nguyên nhân chính giúp Việt Nam với hệ thống chăm sóc sức khỏe và ngân sách còn hạn chế để đối phó sự bùng phát virus SARS-CoV-2, song vẫn có thể khống chế tỷ lệ nhiễm bệnh Covid-19 ở mức thấp.
Ngay trong thời điểm đón Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã chủ động "tuyên chiến" với Covid-19, mặc dù vào thời điểm đó, dịch bệnh này chỉ mới hoành hành ở Trung Quốc.
Để chống virus SARS-CoV-2, Việt Nam thực hiện các chính sách kiểm dịch, cách ly nghiêm ngặt và theo dõi toàn bộ những ai có tiếp xúc với người nhiễm virus. Những biện pháp này được thực hiện từ rất sớm.
Các cơ quan nhà nước cũng thu thập thông tin về những người có khả năng tiếp xúc với virus. Việt Nam cũng sớm quy định bất cứ ai đến Việt Nam từ khu vực có nguy cơ cao sẽ bị cách ly trong 14 ngày. Tất cả trường học cũng đóng cửa từ đầu tháng 2.
Thay vì chỉ phụ thuộc vào y học và công nghệ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bộ máy an ninh, với sự hỗ trợ của quân đội, đã thực hiện các biện pháp giám sát rộng rãi trong cộng đồng. Bộ Y tế cũng đã phát động chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả.
Một bài hát cổ động về việc rửa tay đúng cách trên YouTube đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và được nhiều nước trên thế giới biết đến.
Bài viết được đăng tải trên trang web của Diễn đàn kinh tế thế giới.
Mới đây, trang web của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng đăng tải một bài viết "Việt Nam là mô hình cho thấy có thể kiểm soát Covid-19 với nguồn lực hạn chế" chia sẻ về cuộc chiến chống dịch của Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh, Covid-19 là một thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhưng không giống như dự đoán về khả năng đại dịch sẽ tàn phá một đất nước, "Việt Nam đang trở thành ngọn hải đăng về cách làm được nhiều hơn, dù có nguồn lực ít hơn".
Bài báo cũng khẳng định vai trò của quân đội và an ninh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam đã đưa ra được những quyết định nhanh chóng và kịp thời.
Ngoài ra, người dân Việt Nam có tinh thần giám sát cộng đồng cao, chủ động phản ánh những hành động sai trái tới cơ quan chức năng, các hành vi như chia sẻ tin giả, thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 đều bị xử lý.
Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong. Bằng cách tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình, Việt Nam đã giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, trang Asia Times đăng bài phân tích của nhà báo David Hutts, trong đó nhận định "Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh" ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước.
Asia Times cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia, nhấn mạnh lãnh đạo Việt Nam đã chủ động trong hành động, với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập ra một ban chuyên trách theo dõi tình hình các cấp gồm quốc gia, tỉnh và địa phương; Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19.
Trang scoopwhoop.com của Ấn Độ, trung tuần tháng 3, đăng bài bình luận nhận định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tại Đông Nam Á, cùng với Singapore.
Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch Covid-19.
Trong khi đó, The Diplomat đưa tin khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam hồi tháng 1/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ứng phó. Có nhiều lý do để lý giải về sự kiên cường của Việt Nam trong chống dịch và một trong số đó chính là vai trò của các nhà lãnh đạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định ngừng tất cả các sự kiện, hoạt động và các cuộc tụ tập có trên 20 người ở Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh đây được coi là động thái dứt khoát và mạnh mẽ, khi Việt Nam có ít thời gian để hành động và SARS-CoV-2 sẽ lây lan nhanh hơn nếu không thực thi những biện pháp kịp thời và quyết liệt.
Còn Hãng thông tấn Sputnik của Nga trên bản phát thanh cũng có bài đánh giá cao những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Việt Nam, cho rằng "Việt Nam đã nêu tấm gương trong phòng chống dịch bệnh Covid-19".
Theo Sputnik, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh khi dịch bệnh xuất hiện, thông qua biện pháp kiểm soát chặt biên giới với Trung Quốc, đưa những người đến từ Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đi cách ly, đồng thời đóng cửa các trường học, hạn chế đi du lịch, áp dụng các biên pháp kiểm dịch với sự hỗ trợ của quân đội.
Hãng Sputnik của Nga nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thông báo kịp thời cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đưa ra khuyến nghị về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Các chuyên gia Việt Nam đã phát triển bộ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đang được sử dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang các nước khác.
Nhiều tờ báo khác trên thế giới như The New York Times, trang U.S. News & World Report, Hãng tin Reuters, tờ National Post (Canada)… cũng liên tục đăng tải, ghi nhận các biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, cũng như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như đảm bảo cung cấp đủ lương thực, cung cấp các gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.
Như Sputnik khẳng định người dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Điều đó giúp Việt Nam khống chế hiệu quả dịch Covid-19.