Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối

Đặng Hùng Võ| 11/02/2021 18:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc cần làm trong chuyển đổi số là hình thành các chỉ số định lượng để chuyển đổi sang “tư duy số”… Có như vậy, các quyết định mới đạt hiệu quả cao và không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối.

Xây dựng quốc gia số và phát triển kinh tế số được đặt như một trọng tâm trong Văn kiện Đại hội Đảng 13 để tạo động lực đưa Việt Nam lên thành nước phát triển có thu nhập cao.

Vấn đề này cũng đã được thảo luận sôi nổi ngay trong vài ngày đầu của Đại hội. Đây quả là một lựa chọn đường lối phát triển rất đúng đắn trong hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong khu vực hiện nay.

Từ kinh nghiệm phát triển vài chục năm qua, thế giới đã nhận ra rằng chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao mới có thể tạo được hiệu suất cao cho phát triển để vượt lên đón đầu tương lai.

Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối - Ảnh 1.

Chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao mới có thể tạo được hiệu suất cao

Câu hỏi “sau công nghiệp sẽ là gì?” đã được đặt ra từ khi quá trình công nghiệp hoá tạo ra nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Khoảng dăm bảy năm trước, công luận ồn ào về thuật ngữ công nghệ 4.0 theo cách gọi của người Đức đưa ra trên Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Sau đó ít lâu, người ta lại bàn bạc về nội dung “thế hệ 4.0” gồm “trí tuệ nhân tạo” (AI) và “Internet kết nối vạn vật” (IoT). Vài năm gần đây, vấn đề phát triển lại chuyển sang định hướng kinh tế số, công nghệ số, quốc gia số...

Ba cuốn sách và 3 nguyên thủ

Người đầu tiên bàn về vấn đề công nghệ là động lực tạo nên sự phát triển loài người là Alvin Toffler, một nhà xã hội học Hoa Kỳ. Ông đã để 30 năm (1960 - 1990) vào nghiên cứu, khái quát hoá, rút ra quy luật và dự báo phát triển với 3 cuốn sách nổi tiếng thế giới: Cú sốc tương lai (1970), Đợt sóng thứ ba (1980) và Thăng trầm quyền lực (1990).

Nội dung của cả 3 cuốn sách này chỉ nhằm chỉ ra rằng: Loài người bắt đầu bằng kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ cơ khí đã làm ra máy móc thay thế lao động chân tay để tạo nên kỷ nguyên công nghiệp; tiếp theo, công nghệ thông tin đã làm ra máy móc thay thế lao động trí óc của con người để tạo nên kỷ nguyên thông tin.

Kỷ nguyên thông tin là đợt sóng thứ 3 sau nông nghiệp, rồi công nghiệp, làm cho loài người phải thay đổi cơ bản như bị một cú sốc lớn trong tương lai để phát triển. Ứng với mỗi kỷ nguyên này có một dạng thức quyền lực khác nhau: Vũ lực là dạng thức quyền lực trong kỷ nguyên nông nghiệp, tài chính trong kỷ nguyên công nghiệp và trí tuệ trong kỷ nguyên thông tin.

Bộ 3 cuốn sách này đã gây chú ý lớn cho nguyên thủ nhiều quốc gia, đặc biệt là Triệu Tử Dương (khi đó là Thủ tướng Trung Quốc), Lý Quang Diệu (Thủ tướng Singapore) và Kim Dae Jung (Tổng thống Hàn Quốc).

Ba vị nguyên thủ quốc gia này đã mời Alvin Toffler để đàm đạo riêng. Cả 3 quốc gia này nay đã trở thành nước công nghiệp mới, đang trong nhóm đầu của thế giới về xây dựng quốc gia số và phát triển kinh tế số từ trạng thái một nước nông nghiệp lạc hậu vào thời điểm thập kỷ 1960.

Tôi đã có 8 năm hợp tác nghiên cứu khoa học ở Ba Lan (1980 - 1988) nên có điều kiện tiếp cận khá sớm với 3 cuốn sách của Alvin Toffler. Từ đó, sau khi về nước tôi đã quyết định thực hiện “cải cách số” trong lĩnh vực sản xuất thông tin địa lý ở nước ta.

Nơi hoàn thành chuyển đổi công nghệ số từ năm 2000

Vào năm 1989, tôi đã đưa công nghệ định vị vệ tinh (GPS) vào đo đạc mặt đất sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vừa ban hành quyết định cho phép sử dụng GPS chỉ cho mục đích quân sự vào mục đích dân sự. Khi đó nước ta còn đang bị cấm vận, khó khăn mọi bề trong tiếp cận công nghệ.

Ngày nay, GPS đã được phổ cập tới mức được gắn vào mọi thiết bị thông minh để xác định vị trí của mọi hoạt động. Từ thành công trong cải cách công nghệ định vị địa lý, đến năm 2000 tôi đã hoàn thành việc chuyển đổi mọi thiết bị chụp ảnh mặt đất từ máy bay, vệ tinh; thiết bị đo đạc trên mặt đất; thiết bị xử lý dữ liệu về dạng kỹ thuật số. Đến 2010, toàn bộ dữ liệu địa lý của Việt Nam đã được thiết lập dưới dạng thông tin số. Tôi đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vì thành tích này.

Cách đây ít tuần, một anh bạn làm việc tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có kể với tôi rằng cấp trên có xuống Cục làm việc về chuyển đổi số. Cục trưởng đã trả lời rằng chuyển đổi công nghệ số ở đây đã hoàn thành từ năm 2000. Cuộc làm việc kết thúc sớm. Nghe chuyện, tôi cũng vui lây.

Từ định tính sang định lượng

Nhìn lại kinh nghiệm phát triển số trên thế giới và của bản thân, có thể thấy trí tuệ nhân tạo đang đóng vai máy móc thay thế lao động trí óc của con người, đang tạo nên bước đột phá quan trọng cho phát triển. Gắn với trí tuệ nhân tạo, mọi thông tin phải ở dạng số.

Trí tuệ con người thiên về tư duy định tính, thường bị tình cảm yêu hay ghét chi phối, làm mất đi tính trung thực và khách quan. Mọi nhận định và đánh giá thường thiếu căn cứ định lượng mang tính chính xác của khoa học, nhiều trường hợp đã dẫn đến những quyết định sai. Khác đi, trí tuệ nhân tạo lại tư duy theo định lượng, mọi quyết định đưa ra đều đủ căn cứ xác đáng sau khi phân tích dữ liệu. Quyết định sai chỉ có thể xảy ra khi dữ liệu sai.

Hiện nay, trên thế giới đã đưa ra một hệ thống đồ sộ các chỉ số để đánh giá mọi quá trình, mọi ngành nghề, mọi hoạt động, mọi quốc gia. Hàng năm, Ngân hàng Thế giới đều xuất bản một tài liệu mang tên “Chỉ số thế giới” với hàng triệu chỉ số để đánh giá hàng nghìn lĩnh vực của hàng trăm quốc gia.

Các chỉ số như vậy là căn cứ xác đáng để mỗi quốc gia tự đánh giá mình đang ở mức nào trong từng lĩnh vực, rồi từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh phù hợp. Đây chính là bản chất của “tư duy số”. Tư duy con người cũng phải thay đổi từ định tính sang định lượng. Đó là sự chuyển đổi số của tư duy.

Nước ta hiện nay có thiếu vắng hệ thống chỉ số cần thiết để đánh giá và quyết định. Mọi thứ vẫn trong trạng thái tư duy định tính. Việc cần làm trong chuyển đổi số là hình thành các chỉ số định lượng để chuyển đổi tư duy sang “tư duy số” như một thói quen trong phát triển cho tới khi trở thành “văn hoá số”. Có như vậy các quyết định mới đạt hiệu quả cao và không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối.

Bài liên quan
  • Phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức
    Nền kinh tế số Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ mức độ số hoá, thâm nhập và sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2016, số người dùng Internet trong khu vực đã tăng gấp đôi ở 6 quốc gia lớn nhất: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO