Ứng dụng AI góp phần giải quyết những bài toán đặc thù cho Việt Nam
Một trong những công nghệ chiến lược của AI tại Việt Nam sẽ là mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Khi có những mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, trợ lý ảo của Việt Nam sẽ hiểu được văn hóa Việt Nam tốt hơn so với ChatGPT hay các chatbot ngoại.
Chiều ngày 15/1, tại hội thảo “Phát triển ứng dụng AI để thúc đẩy phát triển đất nước” trong khuôn khổ Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI do Bộ TT&TT tổ chức, các doanh nghiệp (DN) tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam đã chia sẻ những ứng dụng của công nghệ này vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần giải quyết những bài toán đặc thù cho đất nước.
Chủ đề của năm 2025 là Agentic AI
Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh, hiện nay AI đang xuất hiện khắp mọi nơi và giúp mọi thứ trở nên thông minh hơn. Thậm chí, một số người sử dụng chatbot của OpenAI thường xuyên hơn cả Google.
“Kỷ nguyên sắp tới sẽ là kỷ nguyên của AI. Đây là xu hướng không thể đảo ngược”, ông Nguyễn Khắc Lịch khẳng định.
Theo Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch, một trong những công nghệ chiến lược của AI tại Việt Nam sẽ là mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Khi chúng ta có những mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, trợ lý ảo của Việt Nam sẽ hiểu được văn hóa Việt Nam tốt hơn so với ChatGPT hay các chatbot ngoại.
“Nếu như từ khóa của năm 2024 là AI tạo sinh, thì chủ đề của năm 2025 chính là Agentic AI, một dạng AI có khả năng tự động hóa các tác vụ, làm việc độc lập và thay thế con người trong một số vai trò nhất định”.
Ứng dụng AI để tăng năng suất lao động
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số - Tổng công ty Viễn thông MobiFone, hiện nay đơn vị đang phát triển các trợ lý ảo như vậy để tăng năng suất người lao động thêm 25 - 30%.
Chẳng hạn, trợ lý ảo trong Sổ tay Đảng viên điện tử đang được 74.000 cán bộ, công nhân viên MobiFone sử dụng, có chức năng hỗ trợ hỏi đáp văn kiện Đảng, triển khai viết báo cáo hay cập nhật hồ sơ Đảng viên.
“Trên hành trình chuyển mình từ một nhà mạng truyền thống sang DN công nghệ, MobiFone đã và đang làm nhiều giải pháp AI trong các lĩnh vực như viễn thông, giáo dục, nông nghiệp, du lịch... AI đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong mọi ngành nghề”.
Đối với với việc phát triển và ứng dụng 5G, ông Nguyễn Tuấn Huy cho biết: 5G đã được thương mại hóa tại Việt Nam, phát triển ứng dụng AI trên nền 5G là động lực bứt phá cho DN.
Chia sẻ quan điểm AI là công cụ ngày càng phổ biến với người dùng, từ tổ chức đến cá nhân, bà Phan Thị Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Khối Tư vấn ứng dụng AI của VNPT AI cho biết, những tiến bộ của AI giúp công nghệ trở nên gần gũi hơn với người dùng, hay nói cách khác là xã hội hóa AI.
Hiện nay, ứng dụng AI và khai phá dữ liệu góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh phát triển bền vững. AI hiện tại không chỉ là xu thế mà là công cụ và ngày cảng trở nên phổ biến cho mọi đối tượng người dùng.
Qua số liệu cho thấy, kết thúc năm 2023, Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN và 59 thế giới về chỉ số sẵn sàng của Chính phủ về AI. Điều này, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong phát triển AI tại Việt Nam. Dù là công nghệ mới, AI nhận được nhiều sự quan tâm và Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế rất nhanh.
Tại Việt Nam, AI đang được ứng dụng trong điều hành đô thị thông minh, quy hoạch đô thị, gia tăng hiệu quả trung tâm điều hành IOC, nâng cao hiệu quả điều hành an ninh, giao thông hay xử lý dữ liệu phát hiện gian lận bảo hiểm xã hội.
“Khi đưa AI vào giải quyết các bài toán đặc thù trong ngành, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn, ngoài ra còn giảm tải công việc lặp đi lặp lại hằng ngày cho người lao động”.
Một bài toán khác đang được DN Việt tìm cách giải quyết bằng công nghệ Make in Viet Nam là rà soát văn bản pháp luật, phát hiện các trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản.
Theo báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), có đến gần 60% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn về hành chính vì sự chồng chéo trách nhiệm.
Tuy nhiên, khi một số nơi sử dụng ChatGPT để rà soát, kết quả có lúc lại sai nghiêm trọng vì luật pháp cần câu trả lời chính xác, không thể theo xác suất.
Ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC cho biết, hiểu được điều này, Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC đã sử dụng kết hợp công nghệ ontology (Một tập hợp các khái niệm và phạm trù trong một lĩnh vực chủ đề hoặc lĩnh vực thể hiện các thuộc tính của chúng và mối quan hệ giữa chúng), mô hình ngôn ngữ lớn và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để xây dựng hệ thống trợ lý ảo rà soát văn bản pháp luật (CLS). Hệ thống bao gồm 4 chức năng chính: rà soát mâu thuẫn, phát hiện khác biệt, đối chiếu điều khoản, rà soát hiệu lực.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã sử dụng hệ thống CLS để tìm kiếm, rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sáp nhập giữa các bộ, ngành. Trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, cũng lần đầu tiên ứng dụng để phát hiện chồng chéo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, việc phát hiện chồng chéo trong văn bản pháp luật phải dùng công nghệ, mà không thể là công nghệ thường vì pháp luật là ngữ nghĩa, không thể phát hiện mâu thuẫn bằng từ khóa. Làm được trợ lý ảo này là rất tốt cho quốc gia./.