Ứng dụng chữ ký số và hợp đồng điện tử hướng tới chuyển đổi số toàn trình
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng việc ứng dụng hợp đồng điện tử tại các doanh nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Những rào cản trong việc ứng dụng hợp đồng điện tử tại các doanh nghiệp
Là doanh nghiệp (DN) viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) với hơn 70 năm truyền thống, VNPT hiện đang cung cấp tất cả các dịch vụ viễn thông, CNTT trên phạm vi toàn quốc cho rất nhiều các khối khách hàng từ chính quyền, DN đến các hộ kinh doanh cá thể và khách hàng cá nhân.
Trong lĩnh vực hợp đồng điện tử (HĐĐT) và chữ ký số (CKS), VNPT cũng tự hào là DN đầu tiên cung cấp dịch vụ CKS tại Việt Nam và cũng là DN đầu tiên cung cấp giải pháp ký số từ xa.
Theo đó, từ năm 2009, Tập đoàn VNPT đã không ngừng nâng cao các dịch vụ và giải pháp, bao gồm nền tảng VNPT eContract và giải pháp ký số từ xa (remote signing). Đến năm 2024, VNPT tự hào đã cung cấp hơn 1 triệu HĐĐT trong nhiều lĩnh vực: cung cấp dịch vụ viễn thông, điện, nước; ngân hàng, chứng khoán; vận tải, giao dịch của các DN nhỏ và vừa,...
Chia sẻ tại Diễn đàn hỗ trợ DN chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/10, ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Trung tâm CKS và HĐĐT VNPT cho biết, hiện tại VNPT 63 tỉnh/thành phố đều sử dụng HĐĐT (eContract); 160 dịch vụ áp dụng HĐĐT trong ký kết giữa VNPT và khách hàng, 650.000 HĐĐT được ký kết để cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT đến khách hàng.
Theo Đỗ Kế Công, mặc dù HĐĐT mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả làm việc nhưng việc ứng dụng HĐĐT tại các DN cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tiên là rào cản về mặt pháp lý, HĐĐT đã được công nhận giá trị nhưng vẫn thiếu sự chấp nhận, công nhận giá trị của HĐĐT từ các bên thứ ba như kho bạc, cơ quan hải quan, thuế, ngân hàng,...
Thứ hai là rào cản về công nghệ. Nhiều DN lo ngại về nguy cơ gian lận và việc đảm bảo tính toàn vẹn về nội dung của bản HĐĐT, xác thực chủ thể cá nhân, DN tham gia giao kết hợp đồng cũng như xác định thời điểm các bên thực hiện giao kết trên hợp đồng.
Thứ ba là rào cản về chi phí và trải nghiệm sử dụng. Các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn khi triển khai vì chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi đối với người dùng cá nhân cần phải có kỹ năng và thiết bị công nghệ để thực hiện giao kết bằng HĐĐT.
Hướng tới mục tiêu 80% DN sử dụng hợp đồng điện tử vào năm 2025
Nhằm mục tiêu giúp các DN vượt qua các rào cản và những khó khăn trên để có thể chuyển đổi số toàn diện, an toàn và tiết kiệm, VNPT đã phát triển nền tảng HĐĐT an toàn VNPT eContract, cho phép các bên thực hiện giao kết hợp đồng quản lý toàn bộ quá trình giao kết một cách thuận tiện, nhanh chóng với chi phí phù hợp.
Hợp đồng khởi tạo từ VNPT eContract đảm bảo toàn vẹn và được chứng thực bởi VNPT và Bộ Công Thương cho phép xác thực người dùng bằng chứng thư CKS và eKYC (hình thức xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân), xác định thời điểm giao dịch bằng dấu thời gian VNPT TSA.
VNPT eContract cũng hỗ trợ tất cả các hình thức xác thực và tất cả các CKS Token và remote signing của các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng được Bộ TT&TT cấp phép.
Trong quá trình chuyển đổi số, chi phí là vấn đề nhiều DN lo ngại. Để khắc phục vấn đề này, ông Đỗ Kế Công cho biết, VNPT đã đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, chẳng hạn như loại bỏ phí khởi tạo CKS, không phí duy trì chứng thư số hàng năm và cung cấp các gói ký với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 đồng mỗi lượt ký.
Sử dụng HĐĐT VNPT eContract giúp DN tiết kiệm từ 80% - 85 % chi phí so với một hợp đồng giấy từ việc khởi tạo, lưu trữ cho đến chuyển phát.
Để hoàn thành mục tiêu 80% DN sử dụng HĐĐT vào năm 2025 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Đỗ Kế Công đưa ra một số đề xuất:
Đầu tiên là ban hành các quy định về giao kết và thực hiện hợp HĐĐT, chấp nhận HĐĐT an toàn trong mọi lĩnh vực được ban hành. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ DN sử dụng HĐĐT an toàn nhằm hoàn thành mục tiêu chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp theo, Bộ Công thương cần tiên phong quy định, sử dụng HĐĐT an toàn trong các lĩnh vực thương mại như hợp đồng mẫu, giao kết trong thương mại điện tử,…; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về HĐĐT an toàn để các DN thực hiện đồng bộ./.