Ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà: Từ thí điểm đến triển khai thực tế

Bùi Huyền| 30/08/2021 08:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thông qua phần mềm VHD (VietNam Health Declaration), nhân viên y tế sẽ theo dõi được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly tại nhà cũng như sức khỏe của họ để có hỗ trợ kịp thời. Đây là một giải pháp ứng dụng CNTT cần thiết khi số lượng F1 và F0 không triệu chứng cần được cách ly tại nhà ngày càng gia tăng, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.

Giám sát người cách ly bằng bằng phần mềm VHD 

Từ ngày 17/7 đến 31/7/2021, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã thực hiện thí điểm giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD khi thành phố trở thành điểm nóng của dịch COVID-19. Đây là phần mềm được Sở TT&TT và Sở Y tế TP. HCM phối hợp thực hiện, cùng sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel. 

Đối tượng được phần mềm VHD giám sát cách ly tại nhà trong đợt thí điểm này là các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 hay còn gọi là F1. Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế sẽ giúp thành phố quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế; quản lý được tình trạng sức khỏe của các trường hợp cách ly, thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh. Phần mềm có chức năng kiểm tra đột xuất, đảm bảo cho việc giám sát các trường hợp cách ly tuân thủ đúng quy định thông qua hệ thống định vị và hệ thống nhận diện khuôn mặt. 

Ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà: Từ thí điểm đến triển khai thực tế - Ảnh 1.

Phần mềm VHD giám sát người cách ly tại nhà. (Ảnh: vnexpress)

Quy trình khai báo y tế tại nhà qua VHD gồm ba bước. Đầu tiên, người dùng cập nhật các thông tin về tình trạng sức khoẻ hiện tại. Nếu có các triệu chứng về sốt, ho, khó thở, khan, rát cổ họng hay đau, mỏi người, người dùng chỉ cần tích vào ô vuông và gửi đi. Nếu không có dấu hiệu, có thể nhấn tiếp theo để đến bước hai. 

Sau khi cập nhật xong tình trạng sức khỏe, người được cách ly tại nhà phải “check in” bằng nhận dạng khuôn mặt đã đăng ký trước đó. Bước cuối cùng là bật định vị GPS. Hai phương thức xác thực này nhằm đảm bảo người đang theo dõi cách ly không rời khỏi nhà và tránh gian lận. 

Nếu đến thời gian khai báo y tế mà người dùng chưa thực hiện ba bước trên, ứng dụng sẽ gửi thông báo đến người dùng. Cùng lúc đó, hệ thống cũng thông báo đến cơ quan quản lý và cán bộ y tế, công an phường đang theo dõi người được cách ly để đến ghi nhận tình hình. 

Lịch sử mỗi lần khai báo đều lưu lại trên ứng dụng dưới dạng mã QR kèm thông tin về ngày giờ thực hiện khai báo. Dữ liệu của người dân khi dùng ứng dụng sẽ được tập trung về Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch. Việc ai có thể truy cập dữ liệu và lưu dữ liệu trong bao lâu sẽ do Ban chỉ đạo quyết định vào chịu trách nhiệm. 

Ông Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số (Viettel Solutions), đơn vị phát triển ứng dụng cho biết, khi người cách ly không khai báo, sẽ có tin nhắn gửi tới người quản lý về việc đối tượng đang nằm ngoài khu vực cách ly. Khi đó, cơ sở y tế địa phương và công an phường sẽ xuống để giám sát, xác nhận tình hình. Đồng thời, họ sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo trong trường hợp người cách ly ra khỏi nơi cư trú. 

Nếu người cách ly tại nhà không dùng smartphone, vẫn có thể đăng ký qua số điện thoại. Hàng ngày sẽ có đội ngũ y tế đến kiểm tra việc thực hiện tự cách ly và cập nhật tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ tốn thời gian và nhân lực hơn. 

Trong khu vực ASEAN, hiện Singapore đã triển khai giải pháp tương tự. Cụ thể, tại Singapore, quy định cách ly y tế tại nhà (SHN - Stay-home notice) để đề phòng lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được áp dụng đối với các công dân Singapore và người có thẻ làm việc dài hạn tại Singapore. Việc quản lý cách ly được thực hiện bằng thông tin định vị GPS trên điện thoại hoặc bằng cách người dân gửi hình ảnh xung quanh nơi ở để xác nhận vị trí của họ. Tin nhắn văn bản được gửi đến những người thực hiện SHN vào những thời điểm khác nhau trong ngày, sau đó những người này được yêu cầu cập nhật vị trí của mình trong vòng một giờ. Nhân viên thực thi quy định cách ly sẽ kiểm tra đột xuất việc tuân thủ quy định. Các công dân Singapore vi phạm sẽ bị truy tố theo luật về bệnh truyền nhiễm hoặc phạt tiền nếu vi phạm lần đầu. Những người nước ngoài vi phạm sẽ bị tước thẻ làm việc dài hạn tại Singapore. 

Kết quả triển khai thực tế 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại TP. HCM, việc triển khai thí điểm giải pháp quản lý, giám sát cách ly tại nhà trong một thời gian ngắn đã hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác giám sát, theo dõi đối tượng F1 cách ly tại nhà một cách hiệu quả. 

Trong thời gian ngắn, Viettel đã nhanh chóng phối hợp với Sở TT&TT, Sở Tế TP. HCM tổ chức 5 lớp tập huấn trực tuyến với sự tham dự của 315 điểm cầu và tại 22 kênh hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện về triển khai hệ thống quản lý, giám sát cách ly. Giải pháp được triển khai thí điểm tại 20/22 đơn vị với 157 phường, xã. 

Sở TT&TT đã phối hợp với Viettel tiến hành cấp 276 tài khoản trên hệ thống quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 (trong đó 153 tài khoản quản trị và 123 tài khoản giám sát).

Tổng số lượng các trường hợp cách ly F1 tại nhà được các đơn vị đăng ký trên hệ thống quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà là 149 trường hợp. Các đơn vị triển khai tốt như quận Tân Phú, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình, quận 10, quận 4, quận Bình Tân. Tuy nhiên còn một số đơn vị thực hiện chưa tốt việc triển khai thí điểm hệ thống quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà cho đối tượng theo hướng dẫn của Sở TT&TT và Sở Y tế. 

Ngày 3/8, Sở TT&TT TP. HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly F1 tại nhà. Theo đó, mặc dù, các UBND phường, xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai cách ly F1 tại nhà tuy nhiên, công tác triển khai tại một số nơi thực hiện hiện chưa đầy đủ, đặc biệt là sự phân công phối hợp công tác giữa các bộ phận liên quan. 

Trong thời điểm hiện nay, khối lượng công việc tại các trạm y tế rất nhiều, tuy nhiên số lượng nhân sự lại hạn chế nên dồn lực tập trung thực hiện các công tác khác như điều tra truy vết F0, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, trực khu cách ly. Điều này dẫn tới thiếu nhân sự có chuyên môn y tế trong quản lý những trường hợp F1 cách ly tại nhà, nhất là đối với những phường, xã có nhiều F1 cách ly tại nhà. Ngoài ra, một số cán bộ y tế tại các trạm y tế chưa quen với việc ứng dụng CNTT trong quản lý và giám sát các trường hợp cách ly tại nhà. Công tác lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cũng gặp khó khăn nếu số lượng nhiều. Một bộ phận người dân không có điện thoại thông minh để ứng dụng phần mềm khai báo y tế tại nhà (VHD) nên quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại. 

Mặc dù Viettel đã nhanh chóng hoàn thiện giải pháp quản lý theo dõi cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày, gấp rút thực hiện theo yêu cầu của Thành phố. Trong quá trình triển khai thử nghiệm hệ thống, Viettel gặp không ít khó khăn, đặc biệt tại các vùng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Việc triển khai giải pháp trên thực tế cũng gặp nhiều vấn đề phát sinh, cần bổ sung thêm các tính năng, chức năng để việc triển khai phát huy được hiệu quả và phù hợp với thực tế của TP. HCM, nâng cao công tác phục vụ cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố. 

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở TT&TT và Sở Y tế TP. HCM nhận thấy TP. HCM vẫn phải tiếp tục triển khai việc quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 sẽ được mở rộng đến tất cả các phường, xã, trị trấn trên địa bàn thành phố. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông triển khai hệ thống quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 trên các phương tiện truyền thông. 

Về phía Viettel sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực để hoàn thiện các tính năng cho hệ thống, đáp ứng yêu cầu của Sở TT&TT và Sở Y tế TP. HCM.

Miệt mài bám trận địa, đưa ứng dụng CNTT tiên tiến phục vụ phòng chống đại dịch

Chia sẻ với PV Tạp chí TT&TT, ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions cho biết, từ khi dịch bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020, với thế mạnh là doanh nghiệp công nghệ, Viettel đã hỗ trợ Chính phủ nhiều giải pháp quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, Viettel đã xây dựng app Sức khỏe Việt Nam chỉ trong vòng 6 ngày, vận hành đường dây nóng 19009095 của Bộ Y tế, xây dựng hệ thống “Tờ khai y tế điện tử” chỉ trong 2 ngày, triển khai 23 điểm cầu kết nối đến các bệnh viện phục vụ công tác phòng chống bệnh và hỗ trợ 700 điểm cầu tuyến xã/huyện, tuyến tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để Bộ Y tế kịp thời chỉ đạo thông qua hệ thống cầu truyền hình tại các chi nhánh của Viettel trên 63 tỉnh thành.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện Trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên Telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống.

Tháng 9/2020, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành kết nối 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ xa trên cả nước, ghi dấu ấn triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống ngành y tế Việt Nam. Hệ thống do Viettel hỗ trợ triển khai với thời gian thần tốc 45 ngày, về đích sớm hơn 15 ngày so với mục tiêu đặt ra. Hệ thống Telehealth do người Việt xây dựng lấy người dân và cán bộ y tế làm trung tâm, cho phép các bác sỹ tuyến dưới tiếp nhận công nghệ nhanh hơn; có khả năng kết nối với nhiều hệ thống phần mềm y tế khác nhau đồng thời được “may đo” theo đúng quy trình khám chữa bệnh và phác đồ điều trị của Bộ Y tế Việt Nam. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai (từ tháng 4/2020), nền tảng khám chữa bệnh từ xa đã có hơn 200 bệnh viện thường xuyên tham gia hội chẩn với gần 600 buổi hội chẩn; hơn 200 buổi đào tạo chuyên môn đã được tổ chức; 35 ca tư vấn phẫu thuật từ xa; hơn 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên hệ thống. 

Ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà: Từ thí điểm đến triển khai thực tế - Ảnh 3.

Hệ thống Telehealth do người Việt xây dựng cho phép các bác sỹ tuyến dưới tiếp nhận công nghệ nhanh hơn; có khả năng kết nối với nhiều hệ thống phần mềm y tế khác nhau.

Ngày 8/8/2021 vừa qua, Viettel đã phối hợp cùng các doanh nghiệp trong vòng 2 ngày kết nối gần 400 cơ sở y tế ở tuyến huyện vào hệ thống Telehealth, nâng tổng số điểm kết nối lên gần 2.000 điểm và 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã có thể được các bệnh viện trung ương hỗ trợ trong hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa. Đã có 1.800 ca bệnh COVID-19 chuyển biến nặng được xử lý kịp thời do tận dụng thời điểm vàng vì có nền tảng Telehealth của Viettel. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.

Ngoài ra, Viettel đã hoàn thành lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc, trong vòng 7 ngày. Riêng đối với 130 cơ sở cách ly tại 125 xã của tỉnh Bắc Giang, Viettel đã huy động tối đa nguồn lực để lắp đặt thêm 1.000 camera trong vòng 5 ngày, nhanh gấp đôi so với tiến độ thông thường. 

“Là doanh nghiệp công nghệ chủ lực của đất nước, Viettel có trách nhiệm đóng góp các giải pháp công nghệ thực hiện các mục tiêu của quốc gia. Và với tinh thần người lính, chúng tôi luôn có mặt ở những mặt trận tuyến đầu để bảo đảm an toàn cho người dân và xã hội”, ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions cho biết./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà: Từ thí điểm đến triển khai thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO