Thực trạng nạn tảo hôn DTTS
Theo kết quả báo cáo trong "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" và "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam", của Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, thì tình trạng tảo hôn của người DTTS đã giảm nhưng chưa nhiều. Năm 2019, tình trạng tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7% so với năm 2015. Đặc biệt, nạn tảo hôn thường tập trung ở vùng đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên (27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn); Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do sinh kế, gia đình và xã hội, giáo dục, tâm sinh lý, pháp luật Hôn nhân và gia đình,… Nhưng trong số này, một nguyên nhân đáng lưu ý là ảnh hưởng của Internet và mạng xã hội. Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho thấy sự ra đời của điện thoại di động và các công nghệ viễn thông đã thay đổi thói quen hẹn hò, cho phép người chưa thành niên "tìm vợ nhanh hơn" và làm gia tăng xu hướng mang thai trước hôn nhân - yếu tố dẫn đến tảo hôn.
Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính đối với các bậc cha mẹ, nhất là đối với DTTS – nơi mà bố mẹ thường đi làm xa, lên nương, rẫy…- trong khi các con 'buộc" phải tiếp xúc với Internet ngày càng nhiều do đại dịch COVID-19. Điều đó, dẫn tới tình trạng thanh thiếu niên nói chung và DTTS nói riêng không nắm bắt được đầy đủ thông tin về những nguy cơ của mạng Internet và truyền thông xã hội, chưa biết sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.
Một minh chứng rõ nét nhất là trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) có 106 học sinh bỏ học tảo hôn, tăng gấp đôi so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do học sinh được nghỉ học kéo dài. Không có sự quản lý của nhà trường, các em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội, dễ nảy sinh tình cảm khác giới.
Nỗ lực thực hiện Đề án
Đây là vấn đề khó khăn và nhạy cảm, khó giải quyết một cách dứt điểm, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm từng bước hạn chế tình trạng này. Lần đầu tiên, Đề án này ra đời là ngày 14/4/2015 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành mang tên "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025" (Đề án 498) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS.
Thực hiện các nội dung của Đề án, trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, đồng bào tham gia; xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình điểm ở xã, huyện; kiểm tra ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS...
Do đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từ 2015-2020 chuyển biến theo hướng tích cực. Nhiều địa phương có những giải pháp rất hiệu quả như tỉnh Lào Cai tổ chức "Hội nghị ông mai, bà mối" để các ông mai, bà mối ký cam kết không tham gia làm lễ, mai mối cho các gia đình có con tảo hôn, đồng thời vận động người dân không đến tham dự lễ cưới; mô hình "Câu lạc bộ tiền hôn nhân" tại tỉnh Hà Giang nhằm ngăn chặn, tuyên truyền đến người dân những tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án tại địa phương cũng được các đại biểu phân tích như: thiếu kinh phí, bất đồng ngôn ngữ, dân trí thấp, khoảng cách xa, địa bàn đi lại khó khăn, tác động của yếu tố tôn giáo, chế tài phạt chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe…
Nhưng không phải chỉ ở các địa phương phải tự lực cánh sinh, Đề án còn có sự chung tay, góp sức của các cơ quan truyền thông. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thời gian qua, UBDT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện Đề án; phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin. Cụ thể như: Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và phát sóng 3 clip cổ động tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên các kênh VTV1, VTV2, VTV5 và Đài Phát thanh, Truyền hình của 15 địa phương; thực hiện nhiều buổi tọa đàm, phát phóng sự trên các kênh phát thanh và truyền hình; xây dựng chuyên trang/chuyên mục và các tin, bài trên Báo Dân tộc và Phát triển, Cổng Thông tin điện tử; tổ chức biên soạn, in ấn một số tài liệu truyền thông bằng tiếng dân tộc; chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc các địa phương tổ chức các cuộc tập huấn, triển khai thực hiện mô hình điểm…
Ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền tránh tảo hôn
Khi xã hội ngày càng hướng đến công nghệ số thì việc tuyên truyền, giúp thanh thiếu niên phòng tránh nạn tảo hôn cũng hướng dần đến giải pháp dùng các phần mềm và mạng xã hội. Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội phối hợp thực hiện cùng tổ chức Plan International tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện, với sự tài trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đã được thực hiện trong thời gian gần đây có tên là "Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số".
Dự án được thực hiện từ năm 2020 với những cuộc khảo sát với 1.725 em DTTS từ 10 - 24 tuổi tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị, phỏng vấn đại diện chính quyền địa phương, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, giáo viên, phụ huynh có con kết hôn sớm, và đại diện các tổ chức xã hội dân sự… Kết quả cho thấy, tuy nạn tảo hôn có xu hướng giảm nhờ giáo dục truyền thông, song nó vẫn tồn tại một cách phổ biến ở nhiều vùng, đặc biệt là với trẻ em gái, ở nhóm dân tộc H'Mông và Vân Kiều, tập trung nhiều ở độ tuổi 15-17.
Đáng chú ý, có 91% trẻ em, thanh niên DTTS đang sử dụng Internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh, và thường sử dụng từ 1-3 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 10% tự khai là có hiểu biết về an toàn trực tuyến. Facebook và YouTube là 2 kênh được dùng nhiều nhất, hoạt động chính là chat, lướt mạng, và xem phim/video. 42% trả lời đã từng hẹn gặp bạn quen trên mạng, trong đó 1/3 hẹn gặp mặt chỉ sau 1 lần nói chuyện. Hiện không có chương trình tập huấn bài bản tại địa phương cho các em về an toàn trực tuyến.
Với mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên DTTS (từ 10-24 tuổi) tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thông qua không gian kỹ thuật số, Dự án đã được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm từ 2020 đến 2023. Ứng dụng trực tuyến https://emvui.vn đã được thiết kế và hoàn thiện trên nền tảng website, ứng dụng điện thoại và 06 kênh mạng xã hội cùng tên là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter.
https://emvui.vn được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy với nhiều thông tin bổ ích và lý thú để các bạn thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu và chia sẻ kiến thức. Ứng dụng được thiết kế với một không gian mở hướng đến sự kết nối và thu hút sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng sử dụng và lan tỏa các thông điệp, kiến thức hữu ích cho các bạn thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên DTTS với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan của Chính phủ.
Ở giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng này đã nhận được sự tham gia trải nghiệm và hưởng ứng của nhiều người, trong đó có các em thanh thiếu niên DTTS tại các địa bàn dự án. Tính từ ngày 15/7 đến ngày 19/7, trên ứng dụng này đã có hơn 30 video và tài liệu về các kiến thức liên quan đến an toàn trên mạng, sức khoẻ sinh sản, phòng chống tảo hôn và mua bán người; 170 người đăng ký thành viên; 5.745 lượt truy cập; hơn 6.000 lượt tương tác, bình luận, tham gia các bài học, tải tài liệu… Ngoài ra, 6 kênh mạng xã hội đã đăng tải gần 100 bài, thu hút được nhiều sự quan tâm của những người tham gia mạng xã hội trên cả nước.
Nói về Dự án này, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Giám đốc Dự án, mong đợi ứng dụng sẽ là người bạn đồng hành tin cậy, giúp các bạn thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành một cách an toàn và khoẻ mạnh hơn. Bà chia sẻ: "Em Vui cũng chào đón các cá nhân, tổ chức và cơ quan hữu quan ở các cấp tham gia sử dụng các thông tin được cung cấp tại đây, lan toả các thông điệp và kiến thức hữu ích cho thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước".
Với tư cách là người chịu trách nhiệm quản lý Tác động Chương trình Plan International Việt Nam, đối tác của dự án, bà Lê Quỳnh Lan cho biết, mục tiêu 5 năm tới dự án là hỗ trợ 2 triệu em gái học tập, dẫn dắt, quyết định và tỏa sáng. Đây là một trong số các dự án tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số với sản phẩm chính là nền tảng trực tuyến nhằm hướng tới hiện thực hóa cam kết của Plan trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em sinh sống tại các vùng DTTS.