Ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở khu vực ASEAN

PV| 15/07/2022 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng và diễn biến bất thường hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tất cả các nước thành viên trong khu vực ASEAN cần phải cam kết đẩy mạnh hợp tác hơn nữa đối với việc ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đối mặt với nhiều thách thức

Theo báo cáo, đến năm 2050, mức tăng trưởng GDP của ASEAN có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên tác động nghiêm trọng đến các ngành chủ chốt như nông nghiệp, du lịch và ngư nghiệp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và năng suất lao động.

Báo cáo nhấn mạnh 600 triệu người dân trong khu vực đang đứng trước nguy cơ phải chịu đựng thời tiết nóng bức hơn, các đợt gió mùa kéo dài hơn và hạn hán gia tăng, do nhiệt độ toàn cầu trong 20 năm tới được dự báo sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mực nước biển dâng cao cũng ảnh hưởng đến ASEAN do khu vực này có rất nhiều người sống ở các vùng ven biển.

Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu - tính toán tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan - cho thấy những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với hệ sinh thái và các hoạt động nông nghiệp của ASEAN. Theo chỉ số này, 3 nước ASEAN nằm trong số những nước đối mặt với nguy cơ cao nhất trong giai đoạn 2000-2019, trong đó Myanmar (xếp thứ 2), Philippines (thứ 4) và Thái Lan (thứ 9). Trong khi đó, hai nước nằm trong nhóm rủi ro thấp nhất là Brunei (176) và Singapore (179).

Đồng tác giả dự án, Giáo sư Fabrice Renaud thuộc trường Nghiên cứu Liên ngành của Đại học Glasgow cho biết: "Các nước ASEAN có nguy cơ về hiểm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu không đồng đều do có đặc điểm, khả năng bị tác động và tổn thương khác nhau… Việc xác định đặc điểm của các rủi ro từ những hiểm họa ở cấp địa phương sẽ là yếu tố bắt buộc để đưa ra các biện pháp thích ứng phù hợp, giảm thiểu rủi ro một cách bền vững".

Trong khi nhấn mạnh những điều kiện ngày càng tồi tệ đối với người nghèo, báo cáo cũng lưu ý rằng nếu không có phòng chống biến đổi khí hậu, những nỗ lực của ASEAN trong 30 năm qua nhằm giảm nghèo, thúc đẩy phát triển con người trên toàn khu vực và đảm bảo an ninh lương thực có thể bị phá hỏng.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ về châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể khiến 96% số người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán và 64% bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, như bão, tác động đến ngành nông nghiệp bằng cách gây hư hại tài sản và dòng chảy kinh tế nông nghiệp. Lũ lụt là một nguy cơ lớn khác ở khu vực Đông Nam Á.

Ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở khu vực ASEAN - Ảnh 1.

Mức tăng trưởng GDP của ASEAN có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên tác động nghiêm trọng.

Chung tay phòng, chống thiên tai

Vừa qua, tại cuộc họp lần thứ 7 Diễn đàn Toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai (GP2022), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với thiên tai, với nhiều cam kết cụ thể.

Với việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN cùng Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) đã đưa các cam kết thúc đẩy và tăng cường phối hợp trong lĩnh vực quản lý thiên tai lên một tầm mới.

Các nước ASEAN nhất trí tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi sau các hiểm họa đa dạng thông qua việc thực hiện Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD), thúc đẩy phối hợp liên ngành và mạng lưới hợp tác nội khối với các trung tâm hoặc tổ chức liên quan trong và ngoài khu vực nhằm phát triển các hệ thống cảnh báo sớm và tầm nhìn chiến lược phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai.

ASEAN cũng nhất trí tăng cường tham gia vào quan hệ đối tác với tất cả các cơ quan, các ngành liên quan nhằm đóng góp việc thực hiện hiệu quả Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), cũng như tăng cường quản trị rủi ro thiên tai đa tầng và đa ngành nhằm nâng cao khả năng ứng phó.

ASEAN sẽ tiếp tục đảm bảo lồng ghép chương trình nghị sự về quản lý và ứng phó với thiên tai vào các chính sách và chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với khí hậu ở cấp vùng, cấp quốc gia, cấp địa phương và cộng đồng.

Đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quốc gia và địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai.

Việc ký kết thỏa thuận trên cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa ASEAN và IFRC, trong đó có việc IFRC hỗ trợ Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và các chương trình làm việc của tổ chức này.

ASEAN sẽ tiếp tục đảm bảo lồng ghép chương trình nghị sự về quản lý và ứng phó với thiên tai vào các chính sách và chiến lược phát triển bền vững thích ứng với khí hậu ở cấp vùng, cấp quốc gia, cấp địa phương và cộng đồng.

Đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quốc gia và địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai.

Bên cạnh đó, ASEAN sẽ tăng cường khả năng phục hồi tài chính nhằm ứng phó với thảm họa thiên tai thông qua chương trình Tài trợ và Bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI); củng cố Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF); tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; mở rộng các cơ chế tài trợ và huy động nguồn lực của ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ khuyến khích sự đóng góp của người dân và cách tiếp cận toàn xã hội trong việc hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sau thiên tai, tiến tới thiết lập cơ chế cho phép người dân ASEAN đóng góp hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai trong khu vực./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở khu vực ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO