Vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế thời hội nhập

ĐH| 21/11/2022 16:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Hợp tác xã (HTX) là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Ở Việt Nam, mô hình kinh tế HTX đã hình thành và phát triển từ rất sớm và có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho đông đảo người lao động, giải quyết vấn đề an ninh lương thực, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong hội nhập quốc tế.

Quá trình phát triển của HTX

Trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, kinh tế hợp tác xã đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và có thể tóm tắt theo các giai đoạn như sau:

Giai đoạn trước đổi mới 1955 - 1985: trong giai đoạn này, các HTX được thành lập theo địa bàn hành chính với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp dựa trên nguyên tắc "tập thể hỏa tư liệu sản xuất và sức lao động, quản lý tập trung và phân phổi lợi ích theo công điểm".

Theo đó, công tác quản lý HTX được thực hiện theo cơ chế "khoán việc", tức là xã viên chỉ là người làm công trong HTX, được HTX điều động làm các công việc khác nhau, song không chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm cây, con nào cụ thể của HTX. Mọi việc làm và kết quả thu hoạch của HTX đều do ban chủ nhiệm và các đội sản xuất điều hành và chi phối. Về lâu dài, mô hình quản lý và hoạt động của các HTX thời kỳ này tuy còn nhiều hạn chế nhưng trong thời kỳ đất nước đang còn chiến tranh thì đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu sản xuất cho tiền tuyến. Mô hình hợp tác xã giai đoạn này cũng đã góp phần đưa đất nước phát triển kinh tế vượt bậc, gián tiếp góp phần giải phóng dân tộc, giành độc lập cho tổ quốc.

Giai đoạn bắt đầu đổi mới 1986 - 1996: Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất đối với các HTX nông nghiệp. Tuy có sự đổi mới về mặt quản lý kinh tế, song các HTX nông nghiệp hoạt động trong giai đoạn chuyển giao giữa cơ chế bao cấp và cơ chế thị trường đã gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nhiều HTX chưa thích ứng với cơ chế mới nên hoạt động cầm chừng, làm ăn thua lỗ. Phần lớn các HTX hoạt động trì trệ, bị giải thể hàng loạt hoặc chỉ tồn tại về hình thức.

Giai đoạn từ năm 1996 - năm 2012: Được đánh dấu bằng sự ra đời của Luật Hợp tác xã (năm 1996 và năm 2003), đây là cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới mạnh mẽ tư duy về bản chất, phương thức quản lý, tổ chức và hoạt động của HTX trong điều kiện kinh tế thị trường. Luật cho phép xác định lại vị trí, vai trò của HTX từ chỗ là đơn vị hạch toán sản xuất của nhà nước ở nông thôn sang vai trò của một tổ chức kinh tế tập thể, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, hoạt động dựa trên nguyên tắc "tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý dân chủ và bình đẳng".

Giai đoạn hiện nay: Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp trực tiếp khoảng 48% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Tính riêng trong năm 2020, 96% HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đặt 56% tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 4,3 triệu đồng/người tháng. Đặc biệt, cả nước có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3913 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 1,5 lần so với năm 2019.

Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định giá cả và kìm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với HTX kiểu mới.

Trong những năm gần đây, khi cả nước tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hình HTX kiểu mới đang ngày càng được quan tâm đúng mức. Những chính sách hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, những điều kiện về vay vốn, thế chấp tài sản, tổ chức cơ cấu lại hoạt động của HTX đang phát huy hiệu quả. Riêng đối với các HTX nông, lâm, ngư nghiệp còn được hưởng các chính sách như: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX làm kinh tế giỏi, đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của xã viên, hộ xã viên, đồng thời vươn lên trở thành những tổ chức kinh tế lớn mạnh, khẳng định được uy tín và vị thế trên thương trường. Một số HTX điển hình như: HTX trồng rau và hoa tại Đà Lạt, HTX trồng nấm ở Sóc Sơn - Hà Nội, HTX nông nghiệp ở Kiến Xương - Thái Bình, HTX dược liệu ở Lào Cai, các HTX trồng cây ăn quả ở Sơn La, Nghệ An...

Vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế thời hội nhập - Ảnh 1.

Nhiều mô hình HTX làm kinh tế giỏi, đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của xã viên. Ảnh minh họa

Ưu tiên các giải pháp thiết thực hỗ trợ các HTX về khoa học - công nghệ

Để đón đầu hội nhập, nền nông nghiệp Việt Nam phải tạo ra bước đột phá để phát triển một cách bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Việc tổ chức sản xuất, cung ứng hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị bền vững với việc đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm là một giải pháp có tính chiến lược. Vì vậy, để phát triển các mô hình HTX kiểu mới đạt hiệu quả và thiết thực cần tăng cường các giải pháp như:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; tăng cường việc tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả; phổ biến các mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh nghiệm của phong trào hợp tác xã trong khu vực và quốc tế đến với đông đảo người dân.

Đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về hợp tác xã. Tích cực tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển hợp tác xã, mô hình hợp tác xã kiểu mới đến người nông dân thông qua tài liệu tập huấn, tờ rơi, báo chí ở Trung ương và địa phương.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (nhất là Hội Nông dân các cấp), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.

Thứ ba, tập trung hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép với chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thành lập một số mô hình điểm ở các tỉnh nông nghiệp trọng điểm đối với hai loại hình hợp tác xã là hợp tác xã dịch vụ công ở nông thôn và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, củng cố lại hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Ưu tiên các giải pháp thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã về khoa học - công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, thị trường...; tận dụng cơ hội cũng như khắc phục hạn chế, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập để phát triển các hợp tác xã.

Thứ tư, xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã ở các địa phương với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng, ưu thế nổi trội của địa phương. Mỗi địa phương chọn chỉ đạo điểm xây dựng một số hợp tác xã kiểu mới trên các lĩnh vực nông nghiệp; thương mại dịch vụ cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm; vận tải…, từ đó, tổng kết, phổ biến và nhân rộng những hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên toàn quốc.

Thứ năm, tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã; phát huy vai trò làm chủ của thành viên, vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của hợp tác xã. Giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, hoạt động hình thức.

Thứ sáu, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, góp phần mở rộng thành viên tham gia hợp tác xã, làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin trong hoạt động của hợp tác xã theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, thời hạn cung cấp thông tin của hợp tác xã cho thành viên, các cơ quan chức năng. Giảm thiểu tối đa thủ tục thành lập, đăng ký.

Hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện. Nghiên cứu bổ sung đối tượng tổ hợp tác hoạt động lâu dài phải đăng ký thành lập; hoàn thiện các quy định để làm rõ vị trí và vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phù hợp với bản chất, các quy định hiện hành và hội nhập với thế giới. Sửa đổi quy định giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các đối tượng không phải thành viên theo hướng điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định, sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế thời hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO