Vai trò của truyền thông trong phòng chống tham nhũng
Trong những năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Tóm tắt:
Công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng:
+ Cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần hiểu biết pháp luật và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
+ Báo chí cần chủ động phát hiện các dấu hiệu vi phạm, tham
nhũng, tiêu cực từ sớm để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.+ Nhà báo cần có năng lực tốt, phải thường xuyên được đào tạo
về chuyên môn, nghiệp vụ.+ Cần xây dựng cơ chế trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ
quan báo chí, xây dựng cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.+ Cần rà soát, bãi bỏ các quy định chưa phù hợp làm ngăn cản
hoạt động tác nghiệp của nhà báo.
Thông tin tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng cho thấy, trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã xét xử 15.857 vụ án với 30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã xét xử 2.439 vụ án với 5.647 bị cáo.
Tuy số lượng các vụ án được đưa ra xét xử rất lớn, nhiều bị cáo trong các vụ án này từng giữ những chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước và bị tuyên phạt những mức án nghiêm khắc nhưng hiện nay, tình hình tội phạm về tham nhũng vẫn có những diễn biến phức tạp, tội phạm hoạt động tinh vi hơn; đặc biệt trong thời điểm công tác phòng chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt thì vẫn có những vụ án lớn, các vụ án này xảy ra trong các thời điểm nhạy cảm như lúc dịch bệnh COVID-19... gây phản ứng trong quần chúng nhân dân, góp phần làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước.
Báo chí là giải pháp trọng tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng
Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tham nhũng đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay, có rất nhiều giải pháp trọng tâm cần thực hiện, trong đó phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng phải là một giải pháp trọng tâm cần thực hiện.
Chưa có số liệu tổng kết chính thức về số vụ án tham nhũng bắt nguồn từ việc các cơ quan báo chí chủ động phát hiện ra và phản ánh giúp các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nên rất khó để đánh giá đúng mức vai trò của các cơ quan báo chí trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên chỉ quan sát các vụ án do Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương trực tiếp chỉ đạo và đưa ra xét xử thời gian gần đây như vụ án liên quan đến “Chuyến bay giải cứu” hay vụ án “Kít xét nghiệm của Công ty Việt Á” thì có thể thấy báo chí vẫn chủ yếu tập trung đưa tin, bài về quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, trọng tâm vẫn là đưa tin về diễn biến tại các phiên tòa xét xử các vụ án này (sau khi hành vi vi phạm pháp luật xảy ra và đã bị các cơ quan chức năng xử lý).
Còn nhớ, các “chuyến bay giải cứu” hay “chuyến bay combo” để đưa công dân về nước trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã bắt đầu từ đầu năm 2020 kéo dài đến năm 2021. Thời điểm đó, rất nhiều người dân đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để đưa được người thân của mình về nước; khi về nước lại phải chịu những chi phí “cắt cổ” khi cách ly y tế tại các cơ sở trong gói “combo”. Thông tin cũng được đưa lẻ tẻ trên một số diễn đàn nhưng hầu như rất ít cơ quan báo chí phản ánh về vấn đề này.
Cũng thời điểm đó, kít xét nghiệm COVID của Công ty Việt Á được bán cho các cơ sở y tế trên cả nước với giá rất cao so với các sản phẩm cùng loại cũng không được báo chí đề cập. Ngoài ra việc Công ty Việt Á chỉ có xưởng sản xuất 10m2 nhưng vẫn truyền thông về năng lực sản xuất đủ cung cấp kít xét nghiệm COVID-19 cho cả nước cũng chỉ vỡ lở và được báo chí đăng tải khi cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án.
Như vậy, nếu báo chí vào cuộc sớm hơn, phản ánh kịp thời những dấu hiệu bất thường trong cả hai vụ án trên thì có lẽ hậu quả của những vụ án này được giảm thiểu. Bên cạnh đó, việc đưa tin về diễn biến các vụ án tại các phiên tòa thì nhiều cơ quan báo chí cũng chú trọng đến việc “giật tít câu view” nên đã mất đi tính khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Nhiều nhà báo chỉ biết viện dẫn cáo trạng để kết tội các bị cáo theo cáo trạng của cơ quan công tố trước khi tòa phán quyết, chứ chưa xem xét đến các yếu tố gỡ tội… là thiếu đi tính khách quan của cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí và nhà báo cũng chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền giữ bí mật đời tư, quyền về hình ảnh cá nhân nên dẫn đến việc khai thác thông tin cá nhân quá đà, sử dụng hình ảnh cá nhân của công dân trên báo chí khi chưa được sự đồng ý của họ dẫn đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Một số giải pháp để phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, vai trò của báo chí là hết sức quan trọng. Hành lang pháp lý để báo chí phát huy vai trò trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng đã được cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, Điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định về quyền cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí.
Như vậy hành lang pháp lý về hoạt động của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã đầy đủ. Tuy nhiên để báo chí phát huy được hiệu quả trên thực tế, báo chí phải là cầu nối giữa nhân dân với Nhà nước; các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo phải đề cao tính phản biện, có trách nhiệm cung cấp thông tin, phát hiện, phản ánh các biểu hiện tham ô, tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện chức năng thông tin, báo chí cung cấp cho công chúng một hệ thống thông tin thông suốt, nhanh nhạy và trung thực.
Ngoài việc cung cấp thông tin, báo chí còn phải thực hiện tốt chức năng giám sát vì đây cũng là một trong những vai trò quan trọng của báo chí. Thực hiện chức năng giám sát, báo chí đánh giá, theo dõi việc thực hiện các chính sách pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật, sớm phát hiện những sai phạm, tình trạng lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn, tình trạng lợi ích nhóm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Để phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần hiểu biết pháp luật và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, không để việc hoạt động của mình ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, báo chí thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm cần chủ động phát hiện các dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực từ sớm để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, các cơ quan báo chí hay nhà báo cần có năng lực tốt, phải thường xuyên được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phải phản ánh thông tin một cách trung thực, khách quan và đảm bảo quyền con người, quyền về đời tư của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, cần xây dựng cơ chế trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan báo chí, xây dựng cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hơn tính độc lập và tự chủ của các cơ quan báo chí.
Thứ năm, cần rà soát, bãi bỏ các quy định chưa phù hợp làm ngăn cản hoạt động tác nghiệp của nhà báo, giám sát và có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi không cung cấp thông tin hoặc cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà báo trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thúc đẩy tiến bộ xã hội là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra hiện nay./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2023)